Hậu Giang: Nâng tầm sản phẩm nông sản
Hậu Giang đang tập trung hỗ trợ hộ sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã tham gia sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. |
Nỗ lực đồng hành cùng bà con nông dân trong chuyển đổi số nhằm thúc đẩy đầu ra mạnh mẽ cho sản phẩm nông sản tại địa phương, năm 2022, UBND tỉnh Hậu Giang triển khai Kế hoạch 211 về hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Thông qua các sàn thương mại điện tử và nền tảng số sẽ cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản. Dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân bón… Đồng thời, lựa chọn đưa lên sàn thương mại điện tử các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào, các công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp thương hiệu uy tín để giới thiệu, cung cấp cho các hộ sản xuất nông nghiệp.
Bước đầu tham gia sàn thương mại điện tử, bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp cho rằng, kinh doanh qua sàn thương mại điện tử có nhiều tiện ích. Một trong số ưu điểm được đánh giá cao là tiết kiệm được chi phí thuê, thiết kế gian hàng. Qua đây, doanh nghiệp có thể tự đăng tải, quảng bá trực tiếp sản phẩm của mình. Hình ảnh sản phẩm trên sàn thương mại điện tử được cập nhật thường xuyên và có không gian mô tả chi tiết hơn về công dụng sản phẩm trên sàn.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành Công thương, Nông nghiệp, Thông tin và Truyền thông, Liên minh Hợp tác xã, đã có nhiều sản phẩm được đăng tải, mua bán trên các sàn thương mại điện tử Voso và Postmart. Điển hình như gạo sạch -ST25, mứt khóm, đông trùng hạ thảo tươi lion, đặc sản cá lòng tong 1 nắng, trà khổ qua rừng túi lọc, bưởi da xanh, chanh không hạt…
Thực hiện Kế hoạch 211 của UBND tỉnh về hỗ trợ đưa hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã Hậu Giang cũng tăng cường phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tuyên truyền nội dung của kế hoạch đến các hợp tác xã, hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh. Qua đây, từng bước giúp các liên hiệp hợp tác xã dần hoàn thiện mô hình thương mại điện tử nông thôn, kết nối hộ thành viên sản xuất nông nghiệp với người mua hàng thông qua các sàn thương mại điện tử, đẩy mạnh kênh tiêu thụ cho nông dân, thành viên hợp tác xã.
Ông Mai Quốc Toản, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ - Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hậu Giang, cho biết: Thực hiện Kế hoạch 211 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã lập danh sách chọn lọc trong 194 hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có khả năng tham gia sàn thương mại điện tử. Bước đầu, chọn được 25 hợp tác xã trên địa bàn để gửi về Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp. Sau đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã tổ chức tập huấn cho các hợp tác xã được chọn, giới thiệu sản phẩm đặc trưng đến người dân và doanh nghiệp. Từ đó, các hợp tác xã dần nâng cao nhận thức vai trò của các sàn thương mại điện tử trong việc kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính từ tháng 7-2021 đến ngày 14-8-2022, Hậu Giang có 80.655 số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Có tổng số 1.050 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử Voso và Postmart. Trong đó, có 105 sản phẩm OCOP và 945 sản phẩm nông sản. Tổng giá trị giao dịch trên 2,2 tỉ đồng.
Chia sẻ về công tác hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử của Hậu Giang trong thời gian qua, Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính - Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Vũ Chí Kiên cho rằng Hậu Giang có nhiều sản phẩm mũi nhọn, sản phẩm chất lượng cao như lúa, khóm, chanh không hạt, cá thát lát... Tỉnh cần tiếp tục xây dựng lộ trình đưa sản phẩm của mình đi xa hơn nữa. Tỉnh cần chú trọng xây dựng thương hiệu, chất lượng đảm bảo, xây dựng sản phẩm theo các quy chuẩn từ VietGAP, GlobalGAP, các quy chuẩn đã được công nhận trên thị trường Việt Nam và quốc tế. Từ đó, tạo được niềm tin với khách hàng, tạo ra giá trị cao hơn, lợi nhuận cao hơn cho người nông dân.
Sàn thương mại điện tử không chỉ là kênh tiêu thụ sản phẩm an toàn, mà còn giúp xây dựng thương hiệu nông sản cho các hợp tác xã, doanh nghiệp. Để phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, hộ sản xuất, kinh doanh cần được trang bị thêm các lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng số để nông dân sớm làm chủ được hình thức bán hàng mới trên các sàn giao dịch điện tử. Đặc biệt là trang bị cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và thao tác thuần thục trên sàn thương mại điện tử cho các hợp tác xã, người nông dân. Từ đây, góp phần thúc đẩy đổi mới phương thức mua bán một cách hiệu quả hơn.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1034 phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Qua đây nhằm kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời, hỗ trợ hộ sản xuất đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian. |
Nguồn: Nâng tầm sản phẩm nông sản