Hậu Giang: “Người dân Hậu Giang tham gia chuyển đối số, phát triển kinh tế số, xã hội số”
Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động. |
Chủ đề của tỉnh Hậu Giang trong tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022: “Người dân Hậu Giang tham gia chuyển đối số, phát triển kinh tế số, xã hội số”. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đối số Quốc gia sẽ tập trung vào phát động các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thúc đẩy, quảng bá toàn dân tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số làm cho người dân được thụ hưởng các kết quả do chuyển đổi số mang lại.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông về chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2021 Hậu Giang đạt thứ 17/63 tỉnh, thành về chuyển đổi số, tăng 11 bậc so với năm 2020. Cải thiện nhiều nhất là chỉ số về hoạt động chính quyền số xếp thứ 6/63 nhân lực số. 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 520 tổ công nghệ số cộng đồng tại ấp, khu vực, với 3.740 thành viên tham gia hỗ trợ cài app Hậu Giang, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt... Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đang cung cấp hơn 1.400 dịch vụ thực hiện trực tuyến. Trong đó, có hơn 1.200 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Toàn tỉnh đã có 32.000 hộ cài đặt app Hậu Giang, đạt tỷ lệ 16%; hơn 900 nông sản lên sàn thương mại điện tử trên trang “voso.vn”, “postmart.vn”. Qua đây, đã có 8.500 lượt giao dịch và có hơn 59 ngàn tài khoản truy cập trên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, còn có 410 hộ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh được tập huấn các kỹ năng đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử…
Hậu Giang tổ chức phát động chương trình hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các địa phương tận cơ sở trên địa bàn tỉnh. |
Phát biểu tại lễ phát động, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Kết quả tích cực bước đầu của quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh thể hiện ở một số kết quả nổi bật như sau: nhận thức về chuyển đổi số của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và nhân dân đã chuyển biến tích cực. Hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu phục vụ cho chính quyền số cơ bản đáp ứng. Kinh tế số, xã hội số của tỉnh bắt đầu được hình thành. Tỉnh đã từng bước hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của các địa phương lên sàn thương mại điện tử. Bên cạnh kết quả bước đầu đạt được, quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều khó khăn như: khả năng tiếp cận chuyển đổi số của cán bộ, người dân, doanh nghiệp còn hạn chế. Việc phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật chưa tương xứng với quy mô đầu tư cho hạ tầng, nền tảng số. Việc xây dựng và hoàn thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn rất hạn chế và rời rạc như: tài nguyên môi trường, y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch…
Tập trung xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi số cho cấp sở, huyện, xã, phường, thị trấn, trường học, doanh nghiệp. Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ đạo: Trong thời gian tới các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương và của tỉnh. Phải xác định chuyển đổi số là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Tập trung xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi số cho cấp sở, huyện, xã, phường, thị trấn, trường học, doanh nghiệp. Nghiên cứu phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng tại 100% các ấp, khu vực để làm lực lượng nòng cốt trong thực hiện chuyển đổi số toàn dân. Nghiên cứu, có cơ chế thu hút, mời các chuyên gia công nghệ trong và ngoài tỉnh, tham gia tư vấn, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số cấp tỉnh; nghiên cứu đề xuất thành lập Tổ chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số cho Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh… |
Nguồn: “Người dân Hậu Giang tham gia chuyển đối số, phát triển kinh tế số, xã hội số”