Hậu Giang: Nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả và an toàn
Để có sản phẩm bưởi ngon, an toàn vươn xa ra thị trường nước ngoài, các thành viên HTX Tiến Nông luôn ý thức trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. |
Theo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Long Mỹ, đến nay trên địa bàn huyện có diện tích cây ăn trái 3.934,33ha, tăng 69,63ha so với cùng kỳ, sản lượng 64.216 tấn. Trong đó chủ lực là cây có múi, diện tích trồng 894,42ha, tăng 8,25ha với cùng kỳ, diện tích thu hoạch là 884,75ha, năng suất trung bình 17 tấn/ha, với sản lượng ước đạt 15.040,8 tấn.
Ông Trần Hoài Nhân, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Long Mỹ, cho biết: Để đáp ứng yêu cầu thị trường cũng như bảo vệ môi trường, trong sản xuất nông nghiệp huyện luôn vận động, tuyên truyền người dân thực hiện theo hướng an toàn. Đồng thời, áp dụng kỹ thuật tiên tiến để tăng năng suất, giảm chi phí và bảo vệ môi trường. Trong thời gian qua, phải nói rằng nhiều mô hình sản xuất theo hướng an toàn đã mang lại hiệu quả và cho thu nhập cao. Những tháng đầu năm nay, nhiều hộ dân trên địa bàn các xã, thị trấn đã mạnh dạn chuyển đổi từ đất lúa, cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như khóm, mãng cầu, nuôi tôm càng xanh, rau màu các loại.
Trên địa bàn huyện có tổng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) là 164,84ha, với 119 hộ. Trong đó tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 109,35 ha/83 hộ, như tổ hợp tác bưởi da xanh ở ấp 8, xã Lương Nghĩa 6,6ha; Hợp tác xã (HTX) Tiến Nông, ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn được 21,65ha với 22 hộ trên cây bưởi da xanh; HTX lúa và màu ở ấp 8, xã Lương Nghĩa được 19ha, với 15 hộ; HTX lúa - tôm Tân Tiến, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa có 11,9ha, với 6 hộ; HTX khóm Phúc Thịnh ở ấp 6, xã Vĩnh Viễn A với 50,2ha/22 hộ. Thực hiện theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên cây lúa và mãng cầu được 55,49ha với 36 hộ dân là thành viên của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Nhật Quang Nông, ở ấp 7, xã Lương Nghĩa và HTX mãng cầu xiêm Thuận Hòa, ấp 2, xã Thuận Hòa.
Ông Đặng Văn Út, Phó Giám đốc HTX Tiến Nông, ở ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn, chia sẻ: “Để bưởi da xanh của HTX đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước, các thành viên trong HTX đều ý thức thực hiện trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Riêng đối với gia đình, để có sản phẩm sạch tôi luôn áp dụng kỹ thuật vào việc trồng bưởi. Làm thế nào sản phẩm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng là điều tôi luôn quan tâm”.
Bên cạnh ý thức trong sản xuất an toàn, người dân trên địa bàn huyện Long Mỹ còn mạnh dạn chuyển đổi cây trồng để có hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, thúc đẩy liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân. Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn huyện có 106 hộ đã chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn trái, rau màu, thủy sản với 60,29ha. Trong đó cây hàng năm là 30,24ha/61 hộ, cây lâu năm là 28,64ha/41 hộ, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là 1,41ha/4 hộ.
Ông Đinh Thanh Mộng, ở ấp 5, thị trấn Vĩnh Viễn, cho hay: “Tôi thấy hiện nay khóm có nhiều lợi thế hơn lúa, lợi nhuận gấp đôi trở lên và còn phù hợp với vùng đất này. Sau khi thấy hiệu quả kinh tế từ trồng khóm nên tôi đã mạnh dạn cải tạo hơn 1ha đất lúa sang trồng khóm, hiện cây khóm tôi trồng được 1 tháng. Bình quân giá 1 trái khóm cao gấp đôi so với 1kg lúa. Với thương hiệu và lợi thế của khóm Hậu Giang hiện nay, tôi hy vọng rằng cây khóm sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho gia đình”.
Từ diện tích vườn tạp 2.000m2 đã cải tạo sang trồng khóm, ông Huỳnh Phong Lưu, ở ấp 11, thị trấn Vĩnh Viễn, cho hay: “Cây khóm phù hợp với đất phèn và có hiệu quả kinh tế nên gia đình tôi đã trồng. Sau 16 tháng trồng, với 600 cây khóm, nay tôi thu hoạch được 400 trái, bán với giá 10.000 đồng/trái. Trừ chi phí tôi đã thu hồi được vốn đầu tư. Trong lúc trồng tôi cũng luôn ý thức rằng trồng theo hướng an toàn theo khuyến cáo của ngành chuyên môn huyện”.
Ông Trần Hoài Nhân, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Long Mỹ, cho biết: Trong những tháng cuối năm, ngành tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân sản xuất theo hướng an toàn gắn với bảo vệ môi trường. Theo đó, tiếp tục tập huấn kiến thức cho nông dân. Cụ thể, thực hiện 3 lớp đào tạo, tập huấn nông dân về canh tác lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP và 4 lớp đào tạo tập huấn nông dân về quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thuộc dự án GIC. Thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn: Nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả và an toàn