Hậu Giang: Nông dân đầu tư tiền tỉ trồng rau công nghệ cao
Bình quân mỗi vụ rau trồng theo phương pháp khí canh của ông Lượm chỉ tầm 15 ngày cho thu hoạch. |
Khoảng 2 tháng nay, nhiều người qua lại tuyến đường Gỗ, ấp Phú Lễ, xã Phú Tân, vô cùng ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến được vườn rau công nghệ cao mà trước giờ chỉ được nhìn thấy trên báo, đài hoặc trong những chuyến du lịch, tham quan ở các địa phương khác.
Tận dụng khoảng sân trống trước nhà, ông Bé Lượm đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để thực hiện vườn rau sạch ứng dụng công nghệ khí canh trụ đứng với quy mô hiện tại hơn 320 trụ.
Ông Bé Lượm chia sẻ: “Tôi ấp ủ mô hình sản xuất công nghệ cao đã rất lâu rồi nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Cách đây 2 năm, sau khi sang tỉnh khác học tập mô hình sản xuất rau công nghệ cao, trở về tôi quyết tâm thực hiện mô hình này”.
Theo ông Bé Lượm, ngày khởi nghiệp, ông chỉ có vỏn vẹn 20 triệu đồng làm vốn đầu tư. Để tiết kiệm chi phí, ông không thuê người thực hiện mà bản thân tự tìm hiểu, nghiên cứu, thiết kế và thực hiện tất cả các công đoạn của vườn rau từ việc tạo hệ thống trụ, ống dẫn nước, hệ thống tưới phun tự động… Sau nhiều lần rút tỉa kinh nghiệm, ông mạnh dạn đầu tư và cho ra đời vườn rau công nghệ cao đầu tiên trên địa bàn huyện với quy mô 700 trụ rau.
Khi vườn rau bắt đầu thu hoạch rộ đợt đầu tiên thì dịch Covid-19 bùng phát, thời điểm đó, cả tỉnh thực hiện giãn cách xã hội nên vụ rau đó gia đình ông bán chỉ được một phần. Vừa qua thời gian đó, vườn rau gia đình lại trúng ngay dự án quy hoạch của huyện phải thu hồi đất nên gia đình ông di chuyển chỗ ở từ thị trấn Mái Dầm sang xã Phú Tân.
Tuy gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại nhưng với đam mê và quyết tâm của bản thân, sau thời gian ổn định cuộc sống tại nơi ở mới, ông lại bắt tay vào việc tạo lập lại vườn rau. Hiện tại, ông đã đầu tư được 328 trụ rau. Vụ rau đầu tiên cũng sắp cho thu hoạch.
“Tôi rất thích trồng rau và cứ luôn ao ước có vườn rau công nghệ cao như vậy. Được sự ủng hộ của gia đình nên tôi càng quyết tâm thực hiện cho bằng được. Dù có nhiều khó khăn, trở ngại nhưng không làm tôi nản chí. Hiện nay, tôi đang tiếp tục mở rộng quy mô vườn rau. Với diện tích đất hiện tại quanh nhà, tôi đang tiến hành lắp đặt thêm khoảng 1.300 trụ rau khí canh, nâng quy mô vườn rau khoảng 2.000 trụ”, ông Bé Lượm chia sẻ.
Cũng theo ông Bé Lượm, trồng rau khí canh có rất nhiều ưu điểm so với phương pháp trồng rau truyền thống. Cái lợi đầu tiên là tiết kiệm được diện tích đất sản xuất. Với hơn 300 trụ rau của ông hiện tại chỉ tốn khoảng 400m2 diện tích đất nhưng sản lượng rau cho thu hoạch tương đương với 1.000m2. Mỗi trụ rau trong một năm có thể sản xuất được khoảng 24 vụ rau ăn lá các loại như: cải ngọt, cải xanh, xà lách… so với trồng trên đất thì một năm chỉ sản xuất tối đa khoảng 7 vụ, do phải cần thời gian xử lý đất sau mỗi vụ. Bên cạnh đó, nhờ việc ứng dụng công nghệ khí canh tưới phun tự động nên rất nhẹ công chăm sóc rau, đồng thời người trồng cũng chủ động hơn trong việc kiểm soát chế độ dinh dưỡng cho cây nên năng suất, sản lượng rau cũng đạt hơn. Rau sử dụng dinh dưỡng từ dung dịch thủy canh, trong nhà màng, không phun thuốc hóa học diệt sâu bọ nên an toàn và tốt hơn cho sức khỏe người sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Tuy nhiên, cái khó của mô hình này là kinh phí đầu tư quá lớn, nên đa phần nông dân ngán ngại áp dụng. Bình quân mỗi trụ rau có chi phí đầu tư khoảng 1 triệu đồng. Bên cạnh đó, đầu rau của rau hiện nay chủ yếu vẫn bán cho các chợ, chưa có sự chênh lệch giá so với rau trồng truyền thống.
Ông Bé Lượm cho biết: “Mong muốn của tôi hiện nay là xây dựng được thương hiệu để làm điều kiện tìm các nguồn tiêu thụ rau sạch như: siêu thị, cửa hàng rau sạch, bếp ăn tập trung… Nếu có được đầu ra như vậy thì sản phẩm rau sản xuất ra mới bán được đúng giá trị của nó”.
Theo ông Đỗ Trung Nam, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành, mô hình trồng rau bằng phương pháp khí canh hiện nay chưa phổ biến tại địa phương. Tuy nhiên, đây là mô hình có tiềm năng phát triển bền vững do đáp ứng được xu thế sản xuất an toàn, tiêu dùng thực phẩm an toàn của người dân. Do vậy, Hội Nông dân huyện đang làm đầu mối phối hợp với cơ quan chuyên môn để giúp mô hình xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho rau và quảng bá giới thiệu công nghệ sản xuất giúp nông dân có nhu cầu tiếp cận và nhân rộng.
Với sự quyết tâm của ông Bé Lượm cộng với sự vào cuộc hỗ trợ nhiệt tình từ Hội Nông dân huyện Châu Thành sẽ góp phần cho mô hình phát triển hơn. Tin rằng trong thời gian tới đây, khi mà sản phẩm rau sạch từ công nghệ khí canh của gia đình ông Bé Lượm có được thương hiệu sẽ giúp nâng giá trị sản phẩm, tạo đầu ra ổn định. Thành công của mô hình này cũng sẽ tạo động lực để nông dân mạnh dạn thay đổi phương pháp sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ góp phần xây dựng nên nông nghiệp hiện đại phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.
Nguồn: Nông dân đầu tư tiền tỉ trồng rau công nghệ cao