Hậu Giang: Nông nghiệp phát triển nhờ khoa học và công nghệ
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật mà huyện Vị Thủy đã có 1.000m2 lươn đạt tiêu chuẩn VietGAP. |
Nền tảng quan trọng
Nông nghiệp là “trụ cột” quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội huyện Vị Thủy. Vụ lúa Hè thu năm 2024, huyện xuống giống hơn 17.000ha và thu hoạch được trên 109.100 tấn lúa. Huyện còn có khoảng 2.700ha rau màu các loại; 2.560ha cây ăn trái, cây lâu năm và 650 ha đất trồng dừa. Tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện là hơn 19.200 con và diện tích nuôi thủy sản trên 1.950ha.
Để đảm bảo tăng trưởng nhanh, bền vững, huyện Vị Thủy đã đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào lĩnh vực nông nghiệp. Tiêu biểu là triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp huyện như: “Xây dựng mô hình trồng rau khí canh trụ đứng trong nhà lưới theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm”, “Ứng dụng nấm Beauveria bassiana và nấm Metarhizium anisopliae để quản lý vi sinh vật gây hại trên cánh đồng sản xuất theo đề án 1 triệu ha”,…
Năm qua, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh còn triển khai mô hình “Nuôi lươn trong bể theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm” tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hai Huynh, ở ấp 7, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy. Theo đó, hỗ trợ nguồn giống, chuyển giao kỹ thuật, giúp 1.000m2 nuôi lươn của 8 thành viên hợp tác xã đạt tiêu chuẩn VietGAP, với năng suất cao và đầu ra ổn định hơn.
Từ thành công đó, huyện Vị Thủy tiếp tục mở rộng diện tích nuôi lươn đạt tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn. Ông Trần Phi Hùng, ở ấp 7, xã Vị Thắng, có 3 năm kinh nghiệm nuôi lươn, chia sẻ: “Để nuôi lươn đạt chất lượng thì kỹ thuật nó quan trọng dữ lắm. Nguồn nước phải sạch, đúng thức ăn thì lươn mới phát triển tốt. Nhờ tham gia hợp tác xã mà tôi được hỗ trợ từ vốn đến kỹ thuật nuôi, nên tôi cứ “bám theo” hoài để làm. Sắp tới tôi cũng đăng ký để nuôi lươn theo tiêu chuẩn VietGAP luôn”.
Theo ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Thủy: “Khi phát triển ứng dụng KH&CN, chúng tôi thấy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã nâng lên rõ rệt. Ý thức người dân trong sản xuất được nâng lên, sản phẩm nông nghiệp có thị trường ổn định, mang lại doanh thu cao. Từ đó thu nhập của người dân tăng lên, góp phần giảm nghèo và cải thiện bộ mặt nông thôn. Nhiều sản phẩm OCOP mang thương hiệu địa phương cũng được hình thành từ đây”.
Tăng cường ứng dụng KH&CN vào sản xuất
Toàn huyện Vị Thủy hiện có 28 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao và 23 sản phẩm đạt 3 sao. Hầu hết đều áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, chế biến, bảo quản để nâng cao năng suất, chất lượng. Huyện còn xây dựng được 4 mã số vùng trồng cho các loại cây là bưởi, dưa hấu, xoài cát hồng và lúa để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ,… Tăng cường ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Năm nay, Hợp tác xã Nông nghiệp Hai Huynh tiếp tục được chọn để triển khai mô hình “Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm”, với quy mô khoảng 30ha. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 60% để cung cấp lúa giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa trong vụ Đông xuân tới đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Hỗ trợ vốn để hợp tác xã mua máy cày, phục vụ cơ giới hóa sản xuất.
Ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hai Huynh, cho biết: “Tham gia mô hình thì người nông dân chúng tôi giảm được chi phí hơn rất nhiều. Nếu áp dụng mô hình thành công, với năng suất bằng hoặc hơn sản xuất theo hướng truyền thống thì chúng tôi sẽ nhân rộng ra trên địa bàn trong thời gian tới. Vì nếu đạt tiêu chuẩn thì giá lúa sẽ cao và ổn định hơn nhiều so với trước”.
Huyện Vị Thủy còn đang triển khai các mô hình như: “Nuôi cá thát lát theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm”; “Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn (sản xuất kết hợp lúa - cá - vịt)”, “Trình diễn xử lý rơm rạ trên đồng ruộng của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam”,… Tiếp tục đề xuất, định hướng triển khai nhiều mô hình, đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trên các loại cây trồng đặc trưng, chủ lực của huyện. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân trên địa bàn huyện.
Nguồn: Nông nghiệp phát triển nhờ khoa học và công nghệ