Hậu Giang: Phát huy thế mạnh nông nghiệp.
Nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Minh. |
Chuyển đổi cây trồng phù hợp
Sản xuất nông nghiệp là thế mạnh của xã, trong đó cây ăn trái là cây trồng chủ lực. Hiện nay, diện tích vườn cây ăn trái của xã được 1.128,5ha. Trong đó, cây có múi diện tích trồng 628,1ha. Các loại cây trồng được trồng nhiều tại địa phương phải kể đến là nhãn Ido và sầu riêng.
Được thành lập vào tháng 6-2024, Hợp tác xã (HTX) sầu riêng Nhơn Hòa có 30 thành viên là các hộ chuyên canh cây sầu riêng trên địa bàn xã, diện tích gần 17ha. Ông Thái Ngọc Hậu, Giám đốc HTX sầu riêng Nhơn Hòa, chia sẻ: “Việc thành lập HTX sẽ giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản được tốt hơn, tránh tình trạng bị ép giá, cũng như hỗ trợ, trao đổi khoa học kỹ thuật, có nguồn cung ứng giống, phân, thuốc để đảm bảo chất lượng sản phẩm cho các hộ dân trong HTX”.
Ông Hậu trước đó từng trồng cam mật nhưng giá trị kinh tế mang lại không cao, nhận thấy tiềm năng cây sầu riêng, ông mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, đến nay vườn sầu riêng với hơn 300 gốc cho thu nhập khá.
Chia sẻ về những dự định phát triển trong thời gian tới, ông Hậu mong muốn trái sầu riêng của địa phương có thể mở rộng thị trường tiêu thụ ở các tỉnh thành khác như Tiền Giang, hướng đến xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Tý, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Nghĩa A, cho biết: “Trong thời gian tới, để hoạt động của các HTX ngày càng phát triển, địa phương sẽ phối hợp cùng các ngành có liên quan, đồng hành trong hỗ trợ kỹ thuật, giới thiệu với các đơn vị trong và ngoài địa bàn về các dịch vụ cung ứng của HTX, để HTX mang lại lợi ích cho các thành viên tham gia”.
Toàn xã Nhơn Nghĩa A có 4 HTX nông nghiệp với 132 thành viên và 6 tổ hợp tác sản xuất với 66 thành viên. Từ đó, giúp giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế đã đề ra.
Xây dựng sản phẩm OCOP chất lượng
Vừa qua, sản phẩm Mật ong hoa nhãn Tám Minh, của ông Trần Văn Minh, tại ấp Nhơn Thuận 1A, được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Chia sẻ về hành trình xây dựng sản phẩm này, ông Minh kể: Sau khi nghỉ hưu và trở về quê hương Nhơn Nghĩa A, ông Minh nhận thấy đây là vùng đất có rất nhiều tiềm năng để nuôi ong lấy mật khi có diện tích vườn nhãn rất lớn nhưng chưa có ai thực hiện mô hình này. Kinh nghiệm sẵn có từ trước đó, ông Minh đầu tư nuôi 27 thùng ong với mục đích ban đầu để tạo việc làm lúc nhàn rỗi và bán cho những người thân quen.
Nhờ áp dụng tốt kỹ thuật, mô hình nuôi ong lấy mật của ông Minh phát triển, cho năng suất ổn định, được mọi người tin dùng vì chất lượng sản phẩm tốt nên đôi lúc lượng hàng không đáp ứng đủ nhu cầu người mua. Giá thành bán ra thị trường 300.000 đồng/lít, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình ông.
“Nuôi ong dễ mà khó, mình không tốn nhiều thời gian, không mất chi phí thức ăn nhưng phải am hiểu tập tính của loài ong nếu không là nó bỏ đi hết. Sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP, tôi dự định sẽ đưa sản phẩm lên bán trên các sàn thương mại điện tử và đưa mật ong đi xa hơn ở các tỉnh, thành khác. Tôi sẽ mở rộng diện tích đàn ong để đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng, không để lượng hàng bị ngắt quãng”, ông Minh cho biết thêm.
Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Nghĩa A Nguyễn Văn Tý đánh giá: “Từ mô hình nuôi ong lấy mật của ông Minh đã tận dụng rất tốt lợi thế sẵn có của địa phương. Chúng tôi kỳ vọng vào tiềm năng phát triển kinh tế của sản phẩm mật ong hoa nhãn đem lại. Mong muốn của xã là tới đây mô hình sẽ được nhân rộng, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương”.
Nhiều điểm sáng trong phát triển giúp Nhơn Nghĩa A ngày càng đổi thay tích cực, tạo gam màu tươi sáng cho bức tranh kinh tế địa phương này, là nền tảng để xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm nay.
Nguồn: Phát huy thế mạnh nông nghiệp