Hậu Giang: Phát triển ổn định vùng mía
Hậu Giang: Tích cực phòng, chống xâm nhập mặn Hậu Giang: Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch |
Những diện tích mía kém hiệu quả, sẽ được chuyển đổi sang cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao hơn. |
Gắn bó hơn nửa đời người với cây mía và cũng nếm đủ cay đắng với loại cây trồng này, có những lúc ông Trần Vĩnh Tâm, ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tưởng chừng đã từ bỏ cây mía để chuyển qua một loại cây trồng khác. Nhưng suy đi tính lại, ông Tâm vẫn chọn cây mía để canh tác nhưng thay đổi hình thức sản xuất. Nếu trước đây, ông Tâm chủ yếu trồng mía để bán cho nhà máy đường thì hai năm vừa rồi, ông đã chuyển sang trồng bán cho thương lái mía chục. Hiệu quả được năm đầu, nhưng đến năm thứ hai thì giá mía chục lại tiếp tục rớt thê thảm. Những ngày gần đây, khi nghe nhà máy đường triển khai chính sách đầu tư bao tiêu vụ mới, ông dự định sẽ ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu với nhà máy.
Ông Tâm chia sẻ: “Nói chung, điểm nghẽn của cây mía thời gian qua ngoài việc giá cả bấp bênh thì khi đến vụ thu hoạch nông dân cũng khó bán. Nhưng hiện nay, khi nhà máy đường thực hiện chính sách đầu tư và bao tiêu với giá cụ thể thì nông dân cũng an tâm sản xuất. Căn cứ vào giá bao tiêu thì ngay từ đầu vụ nông dân cũng đã hạch toán được lợi nhuận nên cũng sẽ cân đối trong quá trình chăm sóc mía”.
Cũng theo ông Tâm, khi ký kết hợp đồng đầu tư và bao tiêu với doanh nghiệp thì trách nhiệm của nông dân là phải tuân thủ hợp đồng, thu hoạch và giao đủ sản lượng mía đã ký kết, sai hợp đồng sẽ bù cho doanh nghiệp. Còn nếu tới thời điểm đã ký kết hợp đồng, doanh nghiệp không thu mua thì sẽ mất phần đầu tư.
Theo chính sách được Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) vừa công bố trong niên vụ 2023-2024 này thì công ty sẽ đầu tư vùng mía nguyên liệu với diện tích tối thiểu là 700ha, tương đương với sản lượng 83.000 tấn. Trong đó, vùng nguyên liệu Phụng Hiệp - Ngã Bãy tối thiểu là 685ha, vùng Vị Thanh - Gò Quao tối thiểu 15ha. Tham gia ký kết hợp đồng đầu tư, nông dân trồng mía sẽ được công ty đầu tư tiền làm đất, tiền thuê đất, tiền mía giống, tiền công chăm sóc, phân bón. Chi phí đầu tư tối đa cho 1ha mía trồng mới là 55 triệu đồng, mía trồng lại là 40 triệu đồng, mía lưu gốc là 25 triệu đồng với giá bảo hiểm là 1.150 đồng/kg mía sạch 10 CCS tại ruộng, tương ứng với giá 1.250 đồng/kg mía sạch 10 CCS tại cầu cảng nhà máy đường Phụng Hiệp. Đến vụ thu hoạch công ty sẽ thu mua lại toàn bộ sản lượng mía đầu tư theo giá thị trường từng thời điểm nhưng đảm bảo không thấp hơn giá bảo hiểm.
Ông Trần Vĩnh Chung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Cần Thơ, cho biết thêm: Chính sách đầu tư năm nay được mở rộng, đối với nông dân có đủ diện tích 3 công là có thể ký kết hợp đồng đầu tư và được bao tiêu. Tuy nhiên, đối với những hộ còn nợ đầu tư vụ trước phải hoàn trả hết nợ mới nhận đầu tư vụ mới. Về giá mía bao tiêu năm nay cũng cao hơn mọi năm, giá bảo hiểm công ty đưa ra là 1.150 đồng/kg mía sạch 10 CCS tại ruộng, tăng 150 đồng/kg so với vụ trước.
Song song với giải pháp liên kết bao tiêu, hiện nay chủ trương của huyện Phụng Hiệp là giảm diện tích mía để phù hợp với cung cầu của các nhà máy đường trong tỉnh. Trước đây, Hậu Giang có 3 nhà máy đường, nhưng hiện nay toàn tỉnh chỉ còn nhà máy đường Phụng Hiệp hoạt động với công suất 300.000 tấn/năm. Như vậy, định hướng tới đây huyện chỉ duy trì diện tích mía khoảng 2.500-3.000ha để phục vụ mía nguyên liệu cho nhà máy. Những diện tích còn lại sẽ được chuyển đổi sang các loại cây trồng phù hợp.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Hiện nay, huyện đang trong giai đoạn quy hoạch lại vùng sản xuất, trong đó những vùng nguyên liệu mía đạt năng suất và chất lượng cao sẽ được giữ lại để trồng mía nguyên liệu phục vụ nhà máy như: xã Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng, thị trấn Búng Tàu. Một số nơi trồng mía không hiệu quả sẽ chuyển sang cây trồng khác để có giá trị kinh tế cao hơn.
Thực tế hiện nay cho thấy, giải pháp thu hẹp diện tích để áp dụng chính sách đầu tư và bao tiêu sẽ giúp nông dân an tâm sản xuất đang là hướng đi phù hợp. Bởi khi đó nông dân sẽ tập trung áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng, đưa cây mía phát triển bền vững.
Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, trong năm 2024 này, đối với cây mía sẽ quy hoạch và tổ chức lại sản xuất gắn kết chặt chẽ với nhà máy đường. Đồng thời, tiếp tục chuyển đổi diện tích mía kém hiệu quả sang cây trồng khác kết hợp chuyển đổi giống có năng suất, chất lượng, chữ đường cao... Diện tích mía năm nay khoảng 3.150ha, năng suất 100 tấn/ha, sản lượng 315.000 tấn. Bên cạnh đó, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn kết với thị trường, với Đề án “Phát triển ngành nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 định hướng 2030”. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường phổ biến, chuyển giao các giống cây trồng mới có chất lượng và giá trị cao vào sản xuất. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh; đồng thời, phát triển nông nghiệp đảm bảo an toàn chất lượng, tăng cường mạnh việc hướng dẫn, cấp chứng nhận mã số vùng trồng; khuyến khích nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh công tác quản lý vùng trồng để xuất khẩu và mở rộng thị trường cho nông sản.
Nguồn: Phát triển ổn định vùng mía