Hậu Giang: Tận dụng cơ hội, lợi thế để phát triển du lịch
Thành phố Vị Thanh đang tập trung xây dựng sản phẩm du lịch từ vùng khóm Cầu Đúc. Ảnh: TRUNG QUÂN |
Phát triển sản phẩm du lịch đa dạng
Là trung tâm của tỉnh, thành phố Vị Thanh có những thuận lợi nhất định để phát triển, trong đó du lịch là một trong những lĩnh vực đang được quan tâm.
Sản phẩm du lịch đầu tiên là sản phẩm đặc trưng của thành phố, được tỉnh đầu tư trong những năm qua là phát triển du lịch cộng đồng vùng khóm Cầu Đúc, tập trung ở xã Hỏa Tiến. Từ đó, địa phương không ngừng nỗ lực tận dụng mọi tiềm năng, lợi thế để bắt tay xây dựng sản phẩm du lịch này hoàn thiện. Bà Trần Thị Hoàng Dung, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Để xây dựng sản phẩm du lịch là một câu chuyện dài. Chúng tôi đã rà soát, nắm bắt nhu cầu, hỗ trợ người dân vùng khóm nắm được những định hướng phát triển du lịch của thành phố nói riêng, của tỉnh nói chung. Từ đó, tạo điều kiện để họ có thêm kiến thức về làm du lịch cộng đồng, được tham quan những mô hình du lịch cộng đồng trong và ngoài khu vực ĐBSCL”...
Cùng với việc làm này, thành phố tập trung phát triển hạ tầng giao thông, kết nối tua, tuyến để đưa du khách về vùng khóm tham quan, trải nghiệm.
Bên cạnh chọn du lịch cộng đồng làm điểm nhấn, thành phố còn phát triển sản phẩm du lịch sinh thái. Trên địa bàn xã Vị Tân có Vườn dâu Bé Hai đã mở cửa đón khách trong vài năm qua. Cuối năm nay, Điểm du lịch sinh thái Lam Tuyền cũng trên địa bàn xã này, sẽ mở cửa đón khách. Đây là điểm du lịch được đầu tư hơn 2 năm nay, cải tạo 15.000m2 đất, vừa trồng đa dạng các loại cây ăn trái, đặc biệt là nho, vừa thả nhiều loại cá nuôi và đang xây dựng nhiều khu đặc biệt, như hồ rùa, đồi cừu, cù lao thỏ... Du khách đến đây sẽ được thưởng lãm không gian xanh, trải nghiệm những trò chơi dân gian, mò cua, bắt ốc, bắt cá và thưởng thức những món ăn dân dã, đặc trưng của ẩm thực Nam bộ nói chung, Hậu Giang nói riêng.
Luôn tạo điều kiện để du lịch phát triển
Để du lịch phát triển, cần rất nhiều yếu tố, trong đó việc quan tâm đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện toàn diện để phát huy tiềm năng và lợi thế bằng những chính sách phù hợp là điều kiện quan trọng.
Thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Vị Thanh bám sát Nghị quyết số 04 của của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 04, xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển du lịch thành phố Vị Thanh theo giai đoạn và từng năm. Từ đó, cụ thể hóa bằng những phần việc cụ thể. Thành phố đang tranh thủ nguồn vốn từ doanh nghiệp để đầu tư 5 tàu du lịch, mỗi tàu có sức chứa từ 20-30 người...
Thành phố còn tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến để giới thiệu những dự án đang kêu gọi đầu tư, như Khu du lịch sinh thái Hồ Đại Hàn, Kênh Lầu, Khu du lịch Hồ Sen, Hồ Tam Giác. Mỗi nơi có mức tổng đầu tư từ hơn 90 đến hơn 180 tỉ đồng. Thành phố còn sửa chữa, giặm vá tuyến đường vào vùng khóm Cầu Đúc với kinh phí 2 tỉ đồng, trình UBND tỉnh xin đầu tư, nâng cấp tuyến đường từ xã Tân Tiến đi Hỏa Tiến, vào vùng khóm phục vụ du lịch với tổng kinh phí trên 97 tỉ đồng.
Vừa qua, thành phố tổ chức tọa đàm chuyên đề, để tháo gỡ những khó khăn trong phát triển du lịch cộng đồng. Đây là dịp để lãnh đạo thành phố lắng nghe những chia sẻ của những chuyên gia về du lịch, doanh nghiệp lữ hành, người dân làm du lịch, để có chỉ đạo, hỗ trợ đúng hướng, kịp thời, giúp du lịch Vị Thanh phát triển.
Ông Lưu Văn Dủ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho biết: “Chúng tôi đã nỗ lực bằng rất nhiều cách, để tiếp thêm sức mạnh, tạo điều kiện để du lịch phát triển. Dù còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng chúng tôi quyết tâm phát huy tiềm năng, thế mạnh, tận dụng mọi cơ hội, nguồn lực để phát triển du lịch. Trong đó, quan trọng là xây dựng được những sản phẩm du lịch đặc trưng, phát huy sản vật riêng biệt của quê hương Vị Thanh để thu hút du khách”.
Nguồn: Tận dụng cơ hội, lợi thế để phát triển du lịch