Hậu Giang: Tập trung phát huy thế mạnh nông nghiệp
Hậu Giang: Điểm sáng ở huyện nông nghiệp Hậu Giang trồng hơn 5.000 cây tràm và dừa làm kè chống sạt lở bờ sông |
Diện tích vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện Vị Thủy tăng đáng kể trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025. |
Theo ông Nguyễn Thanh Tươi, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vị Thủy, trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025 tình hình sản xuất nông nghiệp của huyện tiếp tục tăng trưởng. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và cơ giới hóa vào sản xuất được mở rộng, diện tích gieo trồng lúa cả năm của huyện đạt 49.954ha, góp phần đưa tổng sản lượng trong 2,5 năm qua đạt trên 775.000 tấn. Đây là năm thứ 24 liên tiếp huyện Vị Thủy có sản lượng lúa đạt trên 310.000 tấn, trong đó có 80% là sản lượng lúa chất lượng cao.
Nhằm phát huy thế mạnh chủ lực của cây lúa, thời gian qua, huyện Vị Thủy thực hiện tốt chủ trương quy hoạch sản xuất, đặc biệt là quy hoạch cánh đồng lớn dần phát huy hiệu quả. Địa phương từng bước kêu gọi nhà đầu tư cùng Nhân dân thực hiện liên kết trong sản xuất nhằm tạo đầu ra cho nông sản. Hàng năm đã thực hiện liên kết được 4.374ha/5.022 hộ, với trên 1.706ha được tiếp cận hình thức hỗ trợ một phần kinh phí sản xuất như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...
So với năm 2020 thì hiện nay nông dân trên địa bàn huyện đã tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất lúa sang giống chất lượng cao như: ST, RVT, Đài thơm 8... góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng diện tích. Nếu năm 2020 sản lượng lúa chất lượng cao của huyện chỉ chiếm 50% thì hiện nay toàn huyện đã có khoảng 90% lúa chất lượng cao trong sản lượng lúa của huyện.
Từ năm 2020 đến 2022, chuyển dịch cơ cấu cây trồng của huyện có bước chuyển biến khá về diện tích cây ăn trái. So với đầu nhiệm kỳ tăng 600ha trong tổng 2.500ha diện tích cây ăn trái của huyện. Huyện còn tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP). Năm 2020, huyện chỉ xây dựng đạt 1 sản phẩm OCOP thì đến nay đã có 18 sản phẩm đạt OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao và 14 sản phẩm đạt 3 sao.
Theo ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã tập trung việc đầu tư cơ sở hạ tầng ngành nông nghiệp. Đầu nhiệm kỳ đến nay, Vị Thủy đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp trên 27 cống, đập kiên cố, xây dựng mới 2 cống hở, nâng tổng số toàn huyện có 49 trạm bơm điện, 354 cống hở, 276 cống nội đồng phục vụ tốt cho khoảng 60% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện. Toàn huyện có 16 máy cấy, có 2 trạm quản lý sâu rầy ứng dụng công nghệ tự động phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý dịch bệnh trên cây trồng.
Ngoài ra, huyện còn quan tâm củng cố, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp. Đến nay, huyện có 30 hợp tác xã, trong đó có 27 hợp tác xã nông ngiệp, 3 hợp tác xã phi nông nghiệp. Có 54 tổ hợp tác và 2 làng nghề truyền thống đang hoạt động hiệu quả.
“Trong những năm tới, ngành nông nghiệp huyện tập trung triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy và của huyện về phát triển nông nghiệp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chuyển đổi sản xuất nông nghiệp trên các lĩnh vực để tăng thu nhập cho người dân. Huyện sẽ phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án về phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2020-2025. Trong đó tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và sản xuất cho các hợp tác xã thuộc đề án. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nhằm đảm bảo tính bền vững...”, ông Trí cho biết.
Qua 2,5 năm thực hiện nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ về “Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững; hoạt động có hiệu quả, thực hiện chuỗi giá trị sạch, an toàn và canh tác thông minh; nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới”, đến nay tình hình sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn của huyện phát triển khá toàn diện, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa; diện tích, năng suất, chất lượng, hiệu quả, cơ cấu lúa có giá trị cao tiếp tục tăng; sản lượng, rau màu, sản lượng cây ăn quả tăng cùng với phát triển của đàn gia súc, gia cầm làm cho lĩnh vực nông nghiệp của huyện có mức tăng trưởng khá.
Huyện thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương, phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất được triển khai ngày càng mở rộng, tập trung sản xuất nông sản theo các tiêu chuẩn chất lượng; an toàn, sạch VietGAP, Global GAP, hữu cơ và canh tác thông minh. Tiếp tục củng cố, nâng chất lượng hoạt động các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ...; chỉ đạo xây dựng mô hình mới có lợi nhuận cao; tập trung cải tạo vườn. Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện có 5/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 14-18 tiêu chí.
Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ và các chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ đề ra trong nhiệm kỳ, từ nay đến cuối nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Vị Thủy tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển chuỗi giá trị sản xuất sạch, an toàn, ưu tiên mặt hàng lúa gạo và thủy sản. Chuyển tư duy phát triển nông nghiệp từ ưu tiên tăng sản lượng sang tư duy phát triển chất lượng cao theo định hướng thị trường, chuỗi giá trị sạch, an toàn và canh tác thông minh, xây dựng cánh đồng lớn. Tập trung phát triển nông nghiệp xanh, hướng tới nền nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và tiếp cận nông nghiệp 4.0 vào quá trình sản xuất một số loại nông sản, thủy sản chủ lực.
Nguồn: Tập trung phát huy thế mạnh nông nghiệp