Hậu Giang: Tất bật mưu sinh mùa nắng nóng
Dẫu trời trưa nắng, bà Mười vẫn miệt mài với công việc của mình. |
Nắng trưa gay gắt, bà Nguyễn Thị Mười, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, lặng lẽ bước từng bước chân trên mặt đường nhựa để đẩy chiếc xe mua phế liệu về phía trước, chốc chốc bà dừng lại để lượm vài cái vỏ lon, chai nhựa. Dù trời có nắng như thế nào, bà Mười vẫn cố gắng đi lượm và mua ve chai, bởi gánh nặng cơm áo gạo tiền. Nắng trưa gay gắt, mồ hôi chảy ròng ròng ướt đẫm lưng áo, bà Mười cho biết: “Đối với những lao động tự do như chúng tôi, điều đáng lo nhất không phải là sự vất vả mà là không có việc làm thường xuyên. So với những tháng tết tuy thu nhập không bằng, nhưng so với mấy tháng mưa thì trời nắng đi lượm và mua vẫn thuận tiện hơn. Cuộc sống khó khăn, dù thời tiết oi bức, khó chịu lắm nhưng tôi không dám nghỉ”.
Mấy hôm trời nắng gắt, chiếc xe chở phế liệu như oằn nặng hơn, đẩy đi được một đoạn ngắn là bà phải dừng ở nơi có bóng mát ngồi, bớt mệt thì đi bán tiếp. Dù vất vả đẩy xe cả ngày phồng cả tay, chân, nhưng bà Mười vẫn phải cố gắng để có tiền lo cho gia đình, ngày nào lượm và mua được nhiều, thì bà mới lời được 70.000-80.000 đồng. Bà Mười cho biết: “Nhà không có đất sản xuất, buổi sáng tôi đi lượm ve chai đến trưa đem bán, chiều có chút vốn thì đi mua, còn ông nhà hôm nào không ai thuê mướn cũng đi lượm ve chai với tôi. Có nhiều người thấy chúng tôi nghèo khó họ thương, nên kêu cho chai nhựa, giấy vụn, vỏ lon này nọ. Chúng tôi cố gắng lặn lội kiếm được đồng nào hay đồng nấy”. Trò chuyện được ít câu, bà Mười vội vã lê từng bước chân trên con đường nhựa nóng hổi với công việc thường nhật của mình, bởi bà hiểu rằng cuộc sống túng thiếu, nếu ngày nào bà lượm và mua được ít đồ thì tiền đâu lo miếng cơm, manh áo hàng ngày.
Thời tiết nắng nóng nhiều người ngại khi phải đi ra đường, nhất là vào buổi trưa. Thế nhưng với những lao động nghèo, họ vẫn phải cố gắng làm việc. Trốn nắng dưới bóng cây, ông Phạm Văn Mít, ở xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, liên tục lau mồ hôi. Ông Mít làm nghề chạy xe ôm, vì ở quê nhà ít khách, nên ông qua thành phố Vị Thanh để hành nghề, tính đến nay cũng được hơn 6 năm. Ông Mít cho biết: “Thời tiết nắng nóng, nhưng tôi cũng chẳng dám nghỉ, bởi nghỉ những khách quen khi không thấy mình sẽ đi xe khác, mất mối. Trời nắng quá, khách hàng chủ yếu đi taxi, xe buýt, họ đi xe Honda ôm thì chỉ đi gần đây, lâu lâu mới có khách đi ngoại tỉnh. Buổi trưa nóng nực, tôi thường núp dưới những bóng cây cho đỡ nóng”.
Mặc cho hơi nóng và bụi đường, khói xe cuốn theo những cơn gió phả vào da người, những người bán vé số vẫn đi dọc các con đường, gồng mình chống chọi với sự oi bức của thời tiết. Ông Bùi Văn Tám, ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Nhà không ruộng đất, nhờ nghề này tôi có khoản thu nhập, lớn tuổi lại bị khuyết tật đâu có làm công việc nặng nhọc nổi”. Những tháng nắng nóng như thế này, ông Tám tranh thủ đi bán thật sớm, trưa về cơm nước nghỉ ngơi 1, 2 tiếng đồng hồ rồi đi bán tiếp. Ông Tám sống một mình, dẫu bị khuyết tật ở chân, đi đứng khó khăn, nhưng ông luôn vui vẻ, lạc quan và cố gắng lao động. Tuy nhiên, do ông bị bệnh nên việc bán vé số không được thường xuyên. Những hôm nào khỏe, dẫu trời nắng gắt như lúc này ông cũng đi bán vé số, hy vọng thu nhập có thể tăng thêm chút ít. “Trời nắng nóng đi bán cũng mệt lắm, nhưng hôm nào nghỉ bán là sợ mất khách quen, họ chuyển qua mua của người khác. Với thời tiết oi bức này, tôi chỉ mong có nhiều sức khỏe và có nhiều người ủng hộ mua vé số”, ông Tám chia sẻ.
Mỗi người một câu chuyện mưu sinh cho riêng mình, nhưng tất cả đều có điểm chung là “sống chung với nắng nóng”. Không chỉ những bác xe ôm, những người bán vé số, những người mua bán ve chai mà tất cả những lao động nghèo, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng họ vẫn kiên trì và quyết tâm vươn lên bằng sức lao động của mình.
Rồi sau những giờ lao động cật lực, niềm vui của họ là khi thấy bữa cơm tươm tất hơn và có thể lo cho gia đình, người thân từ số tiền mà họ kiếm được mỗi ngày…
Nguồn: Tất bật mưu sinh mùa nắng nóng