Hậu Giang: Tôn vinh nét văn hóa độc đáo các dân tộc
Múa “Hương sen ngày hội” của huyện Vị Thủy. |
Đa dạng sắc màu
Hậu Giang tuy không có quá nhiều các dân tộc anh em sinh sống như các tỉnh, thành khác, chỉ có dân tộc Hoa, Khmer, Chăm, cùng cộng đồng dân tộc Kinh, phân bố ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Tuy nhiên, những sắc màu văn hóa của các dân tộc đủ để các đơn vị xây dựng những tiết mục đặc sắc, thể hiện được nét riêng, độc đáo của từng dân tộc, thể hiện qua những lời ca, điệu múa, để giới thiệu nét riêng, giúp mọi người hiểu và thêm trân trọng, cùng gìn giữ, phát huy.
Ông Nguyễn Hoàng Triệu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Đơn vị đã xây dựng kế hoạch sớm, để các đơn vị dự thi chủ động xây dựng các tiết mục và có thời gian tập luyện. Hơn 100 diễn viên của 8 huyện, thị, thành và Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam mang đến liên hoan những tiết mục được dàn dựng công phu, thể hiện được chủ đề, xây dựng nên những câu chuyện đặc sắc về nét văn hóa riêng của từng dân tộc, sự giao thoa, kết nối và đoàn kết, gắn bó của các dân tộc cùng tạo nên vẻ đẹp của văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Nét độc đáo của dân tộc Chăm, Khmer được huyện Long Mỹ thể hiện trong 2 tiết mục: Múa “Dưới ánh trăng” và hát Aday “Tưng bừng đón ngày hội”. Bà Bùi Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Dân tộc nào cũng có nét văn hóa rất độc đáo. Lợi thế là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, nhưng chúng tôi vẫn chọn thể hiện thêm nét văn hóa của đồng bào Chăm, với mong muốn góp thêm sự đa dạng, phong phú sắc màu văn hóa”. Trong khi đó, mạnh dạn chọn một bài hát về đồng bào dân tộc H’Mông, thị xã Long Mỹ mang đến câu chuyện đẹp về tình yêu của đôi trai gái người dân tộc H’Mông và nét độc đáo của phiên chợ vùng cao, nơi thể hiện nét văn hóa riêng và cũng là nơi bắt đầu cho những chuyện tình đẹp.
Bên cạnh khai thác nét riêng của từng dân tộc, các đơn vị còn chọn những tiết mục ca ngợi quê hương, ca ngợi truyền thống của dân tộc Việt Nam, từ trang sử hào hùng, các thế hệ cháu con người Việt Nam hôm nay đang ra sức học tập, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh...
Có sự đầu tư, chăm chút
Các tiết mục tham dự liên hoan lần này được đầu tư hoành tráng, khai thác được nét riêng trong nhiều nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Cái khó không chỉ là tìm ra nét riêng để khai thác, mà còn ở chỗ chọn lực lượng để thể hiện. Biên đạo múa Thanh Đẳng, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Chúng tôi luôn theo sát phong trào văn hóa, văn nghệ để kiếm tìm và nuôi dưỡng lực lượng cộng tác viên. Liên hoan này chúng tôi xây dựng tiết mục múa Khmer nên phải tìm đội ngũ và tổ chức tập luyện mất khá nhiều thời gian, vì các diễn viên đa dạng từ học sinh, nông dân... nên khung thời gian không giống nhau. Tuy nhiên, chính sự nhiệt tình, mong muốn giới thiệu nét đẹp văn hóa dân tộc của họ làm cho tôi thỏa thích sáng tạo trong tác phẩm của mình sao cho sâu sắc nhất, thể hiện từng động tác đẹp nhất”.
Các đơn vị khác như huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, huyện Châu Thành A, thành phố Vị Thanh có sự đầu tư đồng bộ, khai thác nét đẹp văn hóa các dân tộc, sự đổi thay của quê hương giàu truyền thống và sự phát triển từng ngày. Bằng tình yêu và sự sáng tạo, các biên đạo, diễn viên, ca sĩ... đã cùng tạo nên những tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo nên điểm nhấn chất lượng cho liên hoan lần này.
Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban Giám khảo, cho biết, điều làm ông bất ngờ ở liên hoan lần này là sự đầu tư, chăm chút của các đơn vị cho từng tiết mục. Cũng có đơn vị đầu tư sơ sài do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, phần lớn đều đầu tư hoàn thiện, nâng tầm chất lượng, thể hiện được dấu ấn nghệ thuật trong từng tác phẩm ca múa, tốp ca múa, múa...
Nguồn: Tôn vinh nét văn hóa độc đáo các dân tộc