Hậu Giang: Triển vọng từ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp
Cán bộ Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang thăm vườn mít của hộ dân tham gia Mô hình trồng mít ruột đỏ ứng dụng công nghệ tưới nước phun, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ. |
Khi người nông dân làm chủ công nghệ
Nhận định nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu, Hậu Giang đã có những chủ trương, chính sách phát triển, ứng dụng các công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả, bền vững, có năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh.
Theo đó, nhờ ứng dụng công nghệ cao, nhiều sản phẩm nông nghiệp của địa phương đã được chứng nhận nhãn hiệu, liên kết sản xuất theo chuỗi và ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường. Nhiều nông dân cho rằng, ứng dụng các thành tựu công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp sẽ tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, giảm thiểu công lao động, an toàn môi trường, tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng giá trị sản phẩm nông sản trên thị trường.
Được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, nông dân Võ Văn Trưng, ở xã Bình Thành, đã đầu tư dây chuyền công nghệ tưới nước của Israel vào mô hình trồng dưa lưới nhà kính, mang tên HTX dưa lưới Thuận Phát của gia đình. “Với hơn 600 triệu đồng đầu tư, tôi nhận thấy công nghệ tưới này tiết kiệm được 80% lượng nước, 50% chi phí nhân công. Đồng thời, hạn chế được dịch bệnh lên đến 90%. Và chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, tôi có thể quản lý được quá trình sinh trưởng và phát triển của cả vườn dưa dù đang ở bất cứ đâu”, ông Trưng chia sẻ.
Ông Trưng cho biết thêm: “Ứng dụng công nghệ cao, HTX mong muốn đem đến những sản phẩm có giá trị cao, chất lượng, an toàn đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, sẽ giúp thay đổi tập quán canh tác của nông dân. Chúng tôi mong muốn sẽ tạo được sản phẩm sạch, chất lượng cao và mang thương hiệu nông sản Hậu Giang đi xa hơn trong thời gian tới”.
Nhờ hoạt động hiệu quả, sản phẩm dưa lưới của HTX đã đạt chứng nhận GlobalGAP, có thực hiện ghi chép nhật ký và truy xuất nguồn gốc nông sản. Sản lượng và chất lượng sản phẩm của HTX rất ổn định và được công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương và tăng thu nhập cho thành viên.
Tận dụng tiềm năng
Với quy mô 5.200ha, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang tại huyện Long Mỹ đã và đang dần trở thành một mảng xanh trong phát triển kinh tế của tỉnh. Đây được xem là trung tâm khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, là đầu tàu quan trọng để đưa kết quả ươm tạo, nghiên cứu vào sản xuất. Tại đây diễn ra những lớp đào tạo, chuyển giao công nghệ, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư để xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng và cạnh tranh cao.
Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang, cho biết: Thời gian qua đã triển khai nhiều dự án nghiên cứu khoa học tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, Ban quản lý đã triển khai 22 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa, cây ăn trái, rau màu và nấm ăn. Một số mô hình đã triển khai rộng rãi trên địa bàn như mô hình sản xuất lúa hữu cơ, mô hình trồng mít ruột đỏ ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất nấm mối đen và xây dựng mô hình, chuyển giao công nghệ sản xuất dưa lưới trong nhà màng và chế biến đa dạng hóa sản phẩm từ trái dưa lưới.
“Hiện tại, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đã và đang tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi. Tính đến nay, Khu đã thu hút được 5 dự án về sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản và phân vi sinh; đầu tư xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Sắp tới, Khu dự định hình thành phân khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với sản phẩm chủ lực của địa phương để nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân, làm mô hình để mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho tỉnh Hậu Giang và các địa phương trong vùng”, ông Nguyễn Việt Triều thông tin thêm.
Từ những mô hình nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả, cho thấy sự mạnh dạn của các doanh nghiệp, HTX, nông dân trong việc tìm tòi, học hỏi, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Thông qua các mô hình, người dân đã có cơ hội tiếp cận và nắm bắt được các tiến bộ khoa học kỹ thuật; từ đó, giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, người dân chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nguồn: Triển vọng từ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp