Hậu Giang: Trọn nghĩa vẹn tình với đồng đội
Đại tá Đỗ Hà Thái chia sẻ vui mọi người gọi ông là “Ông Từ” ở Khu tưởng niệm. |
“Ông Từ đại tá” 75 tuổi ở Khu tưởng niệm
Khu nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Lữ đoàn pháo binh 6-Quân khu 9 hoàn thành là tâm huyết, công sức của bao người, trong đó có những đồng đội năm xưa cùng vận động và chung tay, góp sức. “Trận chiến Pháo binh tại Vịnh Chèo năm 1974” đã được UBND tỉnh Hậu Giang xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Công trình được khởi công năm 2020, có tổng diện tích 5.000m2, với tổng kinh phí khi đó dự kiến trên 21 tỉ đồng, trong đó Hậu Giang hỗ trợ và vận động hỗ trợ trên 2 tỉ đồng, số còn lại do Ban Liên lạc truyền thống Lữ đoàn Pháo binh 6 vận động xã hội hóa. Đây là nơi tưởng niệm 51 liệt sĩ Lữ đoàn Pháo binh 6 đã anh dũng hy sinh tại Vịnh Chèo vào năm ấy. Trong đó, đại tá Đỗ Hà Thái đã góp công, góp sức và tình nguyện ở lại nơi đây hương khói cho đồng đội...
Đến Khu tưởng niệm, lúc nào cũng gặp ông, chỉ trừ những khi có việc phải chạy về Cần Thơ thăm nhà, giải quyết việc riêng. Ông cười thật tươi khi được mọi người gọi là “Cai” khi công trình đang xây dựng và “Ông Từ” khi công trình hoàn thành... Công việc hàng ngày của ông ở khu di tích này vẫn quanh quẩn mấy việc quét, lau chùi, thắp hương và ngồi ngắm nhìn đàn chim bay đi tìm mồi, bay về tổ mỗi sáng chiều. Khách đến, ông kiêm luôn thuyết minh, lịch sử câu chuyện để có được khu nhà này cũng như sự chiến đấu ngoan cường, hy sinh anh dũng của 51 liệt sĩ Lữ đoàn 6 pháo binh vào năm 1974, bởi không ai có thể kể chân thật bằng ông, một nhân chứng lịch sử sống.
Ông hào hứng “kết sổ” công trình đã hoàn thành vượt dự kiến và số tiền, hiện vật xã hội hóa đến nay đã lên đến 27 tỉ đồng. Ông Thái chia sẻ đã hoàn thành trách nhiệm với đồng đội của mình. Không gì có thể diễn tả niềm hạnh phúc, bởi khi bắt tay vào làm công trình, chỉ là con số 0 tròn trĩnh với đầy những khó khăn. Rồi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang hỗ trợ, đồng hành, mạnh thường quân chung tay, góp sức, công trình dần hoàn thành trong sự trông chờ và hạnh phúc của đồng đội và người thân 51 liệt sĩ đã nằm lại ở mảnh đất này, góp phần tạo nên khúc ca khải hoàn cho ngày đất nước thống nhất.
Được ở đây hàng ngày, chăm chút hương khói cho đồng đội là ông thấy vui và khỏe. 75 tuổi, thời gian cũng không còn nhiều, ông nguyện làm hết những gì mình có thể làm, bởi những đồng đội ông đã mãi gửi lại tuổi trẻ nơi đây, không may mắn như ông, vẫn sống đến ngày hôm nay, để nhìn thấy quê hương đổi thay, đất nước phát triển phồn vinh, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc!
Gác ước mơ, hạnh phúc riêng vì miền Nam ruột thịt...
Ông là người con đất Bắc, sinh ra ở Bắc Giang, trong một gia đình nông dân, nhưng cha mẹ quyết chí cho con ăn học. Thời đó, ông học hết lớp 10, hệ 10 năm, rồi đi bộ đội, gác lại chuyện học, tình nguyện vào Nam chiến đấu, góp sức cho ngày non sông liên một dãy. Ông được đào tạo về pháo binh, đặc công và tình nguyện vào Nam chiến đấu vào những năm 1969, gác lại ước mơ học đại học, gác lại mối tình ngây thơ thời tuổi trẻ.
Những năm tháng chiến đấu, đối diện sự sống, cái chết trong gang tấc, cảm nhận nỗi đau khi phải tự tay chôn cất bạn thân, cùng đồng cam cộng khổ với mình, là Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Vũ Xuân... Nỗi nhớ nhà dần nguôi ngoai khi ông liên tục di chuyển và dần quen với chiến trường miền Nam, cuộc sống của người dân miền Tây, đặc biệt là vùng Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng...
Ông nhớ lại: “Dù thời chiến, làng xóm hoang tàn, dân chúng khổ lắm, nhưng tôi thấy miền Nam khí hậu ôn hòa, con người hiền lành, chất phác, nên trong suy nghĩ lúc đó là sau này, sẽ chọn nơi đây làm quê hương thứ hai”. Trong những ngày chiến đấu tại vùng đất Vịnh Chèo này, ông đã gặp và thương người con gái hiền lành, đúng chất miền Tây và nên duyên, trong sự chúc phúc của gia đình nhà gái và đồng đội. Đơn giản nhưng hạnh phúc và đầy những chuỗi ngày nhớ nhung xa cách. Vì bộ đội luôn di chuyển. Lúc tưởng chừng như được ở bên nhau thì chiến tranh biên giới phía Bắc, ông lại lên đường đi chiến đấu, dài đằng đẵng. Rồi lại về Hà Nội học đại học mất 5 năm. Trở về, có lúc ông ở Quân khu 9, có thời gian ông được điều về Sóc Trăng, rồi lại trở về Quân khu 9...
Nỗi gian khó của một người phụ nữ tảo tần để ông an tâm dành hết thời gian và tuổi trẻ cho quê hương, đất nước, là điều ông không thể quên khi nhắc về vợ mình - bà Nguyễn Thị Trường, người con của quê hương Long Mỹ, đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để vẹn toàn chuyện gia đình, chăm chút cho bốn người con, cho ông an tâm công tác.
Ở tuổi đáng ra phải an dưỡng cùng gia đình, ông lại tự nguyện làm ông từ giữ nhà tưởng niệm và chạy đi, về giữa hai nơi Hậu Giang - Cần Thơ. Ông nói ở đâu cũng quen thuộc, cũng là quê hương của mình. Với gia đình, ông đã trọn tình, chăm lo cho các con học hành, có công ăn, việc làm ổn định, dựng vợ, gả chồng đàng hoàng, với đồng đội ông cũng cố gắng tròn cái nghĩa.
Ông luôn sắp xếp để đưa vợ con về quê nội Bắc Giang, chăm lo cho người thân ở quê, mồ mả ông bà cho vẹn tròn. Một con người vẹn nghĩa trọn tình ấy đã luôn nghĩ đến người khác, nghĩ đến đồng đội, để mỗi khi ai đến Khu tưởng niệm ở ấp 6, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, được nghe những câu chuyện một thời hoa lửa, những hy sinh cao cả của thế hệ đi trước cho hòa bình, độc lập hôm nay, lại thấy tự hào biết bao!
Nguồn: Trọn nghĩa vẹn tình với đồng đội