Hậu Giang: Trồng màu mùa nước nổi cho hiệu quả kinh tế cao
Hậu Giang tạo dấu ấn cho Festival bằng con đường lúa gạo Hậu Giang: Đất khóm đã khác xưa... |
Ông Lâm bên rẫy dưa leo cho năng suất cao được trồng trong mùa nước nổi. |
Anh Nguyễn Văn Thanh, ở ấp 2, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, trong mùa nước nổi này thay vì trồng lúa Thu đông như hàng năm thì anh chuyển sang trồng dưa leo. Hiện dưa leo đã cho trái thu hoạch khoảng nửa tháng nay, trung bình mỗi ngày bẻ từ 150-200kg, thương lái vào tận rẫy cân với giá 6.000 đồng/kg. Anh Thanh cho biết do đây là vụ trồng đầu tiên nên dây dưa bị chết nhiều, chưa có nhiều kinh nghiệm trong đào rãnh thoát nước cũng như cách chăm sóc. Nhưng tính ra 2 công dưa trồng đợt này thì lợi nhuận cũng không dưới 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Còn ông Sáu Thăng, ở ấp 7, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, trồng 8 công ấu Đài Loan đã cho thu hoạch gần 2 tháng nay, năng suất hơn 1 tấn/công. Trung bình mỗi ngày thu hoạch khoảng 150kg bán lẻ dọc theo Đường tỉnh 931 với giá 15.000 đồng/kg. Đây là vụ trồng đầu tiên của gia đình, chi phí đầu tư không quá 4 triệu đồng/công. Theo tính toán thì lợi nhuận mang về không dưới 10 triệu đồng/công.
Ông Thăng cho biết: “Trồng ấu không tốn nhiều chi phí nhưng tốn thời gian thu hoạch củ ấu hàng ngày. Đây là loại cây trồng không lo nước ngập như các cây khác, nhưng chỉ lo phần sâu bệnh, ốc ăn cây con lúc còn nhỏ. Thấy làm hiệu quả, tới đây gia đình dự tính sẽ mở rộng thêm diện tích và tính tới trồng mùa nghịch, cũng như nhân giống ấu để bán”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lâm, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, trồng 5 công dưa leo, cao điểm thu hoạch lên tới 700-800kg/ngày, giá bán từ 8.000-10.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Ông Lâm cho biết: “Trồng dưa leo thì nặng công chăm sóc và chi cũng cao hơn trồng lúa. Trong thời điểm thu hoạch dưa như hiện nay thì 3 ngày phải bón phân 1 lần để dây dưa phát triển, đủ sức cung cho trái. Trung bình một năm gia đình trồng 3 vụ, nhưng trong vụ này thì nặng thêm chi phí phần bơm nước. Từ trồng đến kết thúc vụ khoảng 2,5 tháng. Nếu giá dưa leo như hiện nay thì cho lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/công”.
Theo ông Lâm, sau khi trồng thì có thương lái đến đặt hàng, chờ ngày thu hoạch là đến cân, lấy tiền. Theo kinh nghiệm mấy vụ vừa qua thì trồng màu mùa nước nổi này có lợi nhuận cao hơn các mùa khác. Tuy nhiên, để trồng được rau màu trong mùa lũ thì ông Lâm cũng đã làm bờ bao chắc chắn và sẵn sàng máy bơm túc trực khi có nước dâng cao và mưa lớn. Bên cạnh dưa leo thì ông Lâm còn trồng thêm bí đao và một số loại rau màu khác để nâng cao thu nhập, đặc biệt là xen kẽ giữa các vụ để thu hoạch không bị gián đoạn.
Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp tỉnh thì trong năm 2023 này sẽ tăng thêm 2.000ha rau màu. Nên từ đó mà nhiều tháng qua, ngành nông nghiệp các địa phương trong tỉnh đã hướng dẫn người dân tận dụng diện tích đất vườn còn trống, cũng như chuyển đổi đất trồng kém hiệu quả và diện tích không đáp ứng đủ điều kiện sản xuất vụ Thu đông sang trồng rau màu để phục vụ nhu cầu của thị trường và đảm bảo diện tích gieo trồng đạt khoảng 27.500ha, tăng 2.000ha so với kế hoạch năm. Tính đến cuối tháng 10 thì cây rau màu các loại toàn tỉnh đã xuống giống được 28.926ha, đạt 105,2% kế hoạch. Trong đó, cây rau đậu là 26.351ha, cây bắp là 2.135ha và cây có chất bột là 440ha. Thu hoạch từ đầu năm đến nay được 26.109ha, chủ yếu là cây rau đậu các loại và bắp 1.965ha.
Bên cạnh khuyến cáo nông dân mở rộng diện tích thì ngành nông nghiệp tỉnh cũng hỗ trợ xây dựng mô hình trồng rau màu như hỗ trợ về giống, vật tư; đồng thời tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật để nông dân trồng đạt hiệu quả kinh tế cao, trong đó có rau màu trong mùa lũ.
Nguồn: Trồng màu mùa nước nổi cho hiệu quả kinh tế cao