Hậu Giang: Trồng sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao
Người dân huyện Châu Thành A trồng sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Tiềm năng kinh tế
Sầu riêng là một trong những loại trái cây có giá trị kinh tế cao, được ưa chuộng trên thị trường nội địa và quốc tế. Với giá trị dinh dưỡng cao và hương vị đặc trưng, sầu riêng không chỉ là một món ăn ngon mà còn được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghiệp thực phẩm và mỹ phẩm.
Đoán trước xu hướng của thị trường, ông Trương Văn Hạp, ở ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất vườn kém hiệu quả sang trồng sầu riêng. Cây sầu riêng được gia đình ông lựa chọn là giống Ri6, có ưu điểm cơm vàng, hạt lép, phẩm chất ngon, được thị trường ưa chuộng. Ông Hạp cho biết: “Lúc đầu là tôi tự mày mò và học hỏi kinh nghiệm sản xuất qua sách báo, mạng internet và của những người đi trước. Đồng thời mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sau đó được địa phương quan tâm hỗ trợ mà vườn sầu riêng của tôi đã tạo ra được những trái sầu riêng đạt chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Hiện tại, diện tích trồng sầu riêng của gia đình ông Hạp là khoảng 1ha, các gốc sầu riêng đã được 7 năm tuổi, năng suất ước đạt khoảng 16 tấn. Thời điểm giá bán sầu riêng tăng cao, dao động từ 80.000-90.000 đồng/kg thì lợi nhuận thu về khoảng 960 triệu đồng/ha/năm. Ông Hạp chia sẻ: “Bình quân mỗi cây từ lúc trồng đến thu hoạch mất gần 5 năm. Chi phí đầu tư mỗi gốc khoảng 5 triệu đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận từ cây trồng này khá cao, nếu canh tác đúng quy trình, kỹ thuật, mỗi cây có thể thu lợi nhuận trên 10 triệu đồng/năm”.
Tương tự, ông Thái Ngọc Hầu, người dân trồng sầu riêng ở ấp Nhơn Hòa, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, bộc bạch: “Trồng sầu riêng hiện giờ rất khó khăn do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như môi trường, cây giống,… cũng như giá trị của trái sầu riêng phụ thuộc rất nhiều vào thị trường. Vì vậy, khi để sầu riêng thuận mùa khó có thể cạnh tranh được với các địa phương khác như Tiền Giang và các tỉnh miền Đông. Do đó, việc xử lý cho trái nghịch vụ (thu hoạch sau tháng Giêng) được xem là phương pháp hữu hiệu để ứng phó với tình trạng “được mùa, rớt giá”.
“Với diện tích 1ha, do là những vụ đầu tiên, cây còn tơ nên năng suất thu về còn thấp, khoảng 12 tấn, sau khi trừ đi tất cả chi phí đầu tư như phân thuốc, nhân công, cây giống,… gia đình tôi đạt lợi nhuận khoảng 720 triệu đồng”, ông Hầu cho biết.
Chìa khóa thành công
Mô hình trồng sầu riêng hiệu quả không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người trồng, giải quyết trước mắt được đất trồng cây kém hiệu quả trước đây do giá cả như cây cam, xoài,… mà còn góp phần vào phát triển kinh tế địa phương. Bằng cách tạo ra sản phẩm chất lượng và ổn định, mô hình này thu hút và tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.
Theo thống kê, hiện diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn huyện Châu Thành A là 784ha. Tập trung nhiều ở thị trấn Rạch Gòi (100ha); Nhơn Nghĩa A (142ha); Trường Long A (207ha); Tân Hòa (83ha) và thị trấn Một Ngàn (70ha). Sản lượng năm nay ước đạt 3.965 tấn. Hiện tại diện tích đang cho trái là 251ha, ước năng suất đạt 15,8 tấn/ha.
Ông Trần Văn Xinh, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành A, đánh giá: Đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân trực tiếp trồng; đồng thời địa phương cũng tăng trưởng kinh tế do giá trị trái sầu riêng mang lại. Tuy nhiên, về lâu dài, không khuyến cáo trồng sầu riêng theo hướng tự phát, do bà con trồng sầu riêng là làm kinh tế nông nghiệp, sản xuất hàng hóa đến lúc lượng cung lớn hơn cầu thì thị trường mất giá. Tương tự như năm nay, trong tháng 1 và tháng 2, sầu riêng nghịch mùa có giá từ 160.000-180.000 đồng/kg, tùy loại; đến tháng 3 và tháng 4 thì giá còn 100.000-110.000 đồng/kg. Và hiện tại vào chính vụ thì giá còn trên dưới 50.000 đồng/kg.
Mô hình trồng sầu riêng hiệu quả không chỉ là chìa khóa để tạo ra nguồn thu nhập ổn định, mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo bà con có dự định trồng sầu riêng thì đến gặp chính quyền địa phương để tư vấn, xem nơi mình sắp trồng có nằm trong quy hoạch vùng trồng cây ăn trái không và nhờ cán bộ kỹ thuật tư vấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. Bên cạnh đó, khi bà con trồng sầu riêng, để tránh rủi ro, được mùa mất giá, hoặc bán không được thì nên xây dựng mã số vùng trồng để thuận lợi khi xuất khẩu. Như vậy, bà con sản xuất sầu riêng theo hướng an toàn thực phẩm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp địa phương, khuyến cáo sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc thực vật và sinh học, hạn chế hóa chất.
Đồng thời, ngành nông nghiệp cho rằng trồng sầu riêng phải được tổ chức liên kết chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp và cơ quan chuyên môn để mang lại hiệu quả và bền vững. Nếu muốn trồng sầu riêng để xuất khẩu thì ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con phải tuân thủ tuyệt đối điều kiện của nước nhập khẩu đưa ra, nhất là trái sầu riêng khi phân tích thì không có tồn dư kim loại nặng, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn lưu tồn trong trái...
Nguồn: Trồng sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao