Hé lộ kế hoạch kinh doanh năm 2024 của loạt công ty chứng khoán
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán được nhận định sẽ có sự chuyển biến tích cực hơn, nhiều công ty chứng khoán tham vọng mở rộng quy mô hoạt động và đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2024.
Thị trường chứng khoán dự báo tăng mạnh theo đà hồi phục của nền kinh tế
Năm 2023 được đánh giá là năm nhiều biến động và dễ bị “tổn thương” trước nhiều biến động kinh tế & chính trị: hai ngân hàng Mỹ ngừng hoạt động do mất thanh khoản, khủng hoảng năng lượng do xung đột tại Ukraine và Trung Đông. Hoạt động xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung đã chịu nhiều tác động tiêu cực. Thị trường chứng khoán cũng đã cho thấy giai đoạn tạo đáy dài hạn.
Chia sẻ tại Hội thảo "Kinh tế hồi phục – ngân hàng dẫn sóng và triển vọng thị trường chứng khoán 2024", TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng và Giám đốc viện đào tạo, nghiên cứu BIDV dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 sẽ đạt 6 – 6,5% (năm 2023 đạt 5,05%), cao hơn so với thế giới và khu vực Đông Á & Thái Bình Dương nhờ các động lực đến từ công nghiệp & dịch vụ dự báo tăng 10 – 12%; xuất khẩu tăng 5 – 7%, tiêu dùng tăng 8 – 9%, và khu vực bao gồm đầu tư công, tư nhân và FDI cũng diễn biến tích cực.
Ngoài ra, cơ hội còn đến từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu, nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược dựa trên các nền tảng vĩ mô ổn định (CPI, tỷ giá, chính sách vẫn còn dư địa…).
Ông Nguyễn Minh Hoàng - Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS) kỳ vọng TTCK Việt Nam 2024 sẽ ghi nhận những diễn biến tích cực, khi thị trường đã bước vào pha tăng mới bằng việc đưa ra một loạt các thống kê về diễn biến thị trường chứng khoán và biến động của các cổ phiếu và các nhóm ngành trong năm 2023.
Cụ thể, mặc dù bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng đã có 206 mã cổ phiếu vượt đỉnh so với năm 2022 theo quy mô vốn hóa, VN-Index cũng đã tạo đáy vững chắc vào tháng 11/2022.
Ông Hoàng cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh trong năm 2024 theo đà hồi phục của nền kinh tế với các động lực chính đến từ môi trường lãi suất thấp được duy trì sẽ thẩm thấu và tác động rõ rệt lên nền kinh tế, cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Kế hoạch kinh doanh đầy 'tham vọng'
Mới đây, ngày 19/03, HĐQT Chứng khoán SSI (HOSE: SSI) đã thông qua kế hoạch lãi trước thuế hợp nhất năm 2024 ở mức 3.398 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước. Nếu hoàn thành, đây sẽ mức lợi nhuận cao kỷ lục của SSI. Tính đến thời điểm này thì SSI là đơn vị lên kế hoạch lợi nhuận cao nhất trong ngành chứng khoán.
Chứng khoán MB (HNX: MBS) dự kiến đạt 930 tỷ đồng lãi trước thuế năm 2024, tăng 36% so với thực hiện năm trước – đây cũng là mục tiêu Công ty đặt ra cho năm 2023 nhưng không hoàn thành. Mặt khác, để tạo động lực, ban lãnh đạo MBS đề xuất thưởng vượt chỉ tiêu cho cán bộ nhân viên, với 20% phần vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), với lãi trước thuế mục tiêu 913 tỷ đồng, tăng hơn 23%. Kế hoạch của Công ty trong năm 2024 rất rõ ràng, quyết tâm thăng lên top 5 thị phần môi giới cổ phiếu trên HOSE và tận dụng nguồn lực từ Tập đoàn mẹ Hàn Quốc để phục vụ cho các mục tiêu phát triển của Công ty.
Tương tự, Chứng khoán Vietcap (HOSE: VCI) cũng thiết lập mục tiêu tăng trưởng lãi sau thuế 23%, tiến lên 700 tỷ đồng. VCI nhận thấy mảng ngân hàng đầu tư (IB) sẽ có đóng góp nhiều vào doanh thu cũng như lợi nhuận của Công ty trong năm 2024; đồng thời tiếp tục tập trung vào mảng môi giới bán lẻ cho nhà đầu tư cá nhân.
Trước đó, từ cuối năm 2023, Chứng khoán Phú Hưng (UPCoM: PHS) đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 ấn tượng với lãi trước thuế ở mức 132 tỷ đồng, gần gấp đôi so với thực hiện năm trước. PHS lấy hoạt động cho vay (378 tỷ đồng) và môi giới (259 tỷ đồng) làm chủ lực, góp phần đưa doanh thu hoạt động tiến 33% lên mức 745 tỷ đồng.
Tương tư, dựa trên đánh giá tổng quan thị trường chứng khoán và các chương trình trọng yếu sẽ triển khai trong năm 2024 nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh. Chứng khoán ACB đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng trưởng 52% so với lợi nhuận trước thuế dự kiến thực hiện năm 2023.
Trong khi đó, Chứng khoán LPBank (LPBS) 'tham vọng' thu về 40 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 185% so với thực hiện năm trước; đồng thời hướng đến gia tăng nhân lực gấp 7 lần, đưa số lượng nhân viên tại Công ty lên 200 người trong năm 2024.
LPBS xác định nghiệp vụ môi giới chứng khoán niêm yết là hoạt động trọng tâm, dự kiến triển khai nghiệp vụ này cùng các dịch vụ có liên quan từ quý 2/2024. Hiện, Công ty đang thực hiện các thủ tục để trở lại làm thành viên của HOSE và HNX sau 10 năm.
Thận trọng hơn với chỉ tiêu lợi nhuận
Trong khi đó, Chứng khoán FPT (FPTS, HOSE: FTS) Chứng khoán FPT đặt kế hoạch doanh thu 845 tỷ đồng, giảm 8,29% so với 2023, lợi nhuận trước thuế 420 tỷ đồng, giảm 17,65% so với thực hiện trong năm 2023.
Nguyên nhân là do FPTS dự báo thanh khoản và điểm số của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024 được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất thấp và việc Chính phủ tập trung vào các chính sách kích thích tăng trưởng. Tuy vậy, lo ngại biến động mạnh tỷ giá sẽ có tác động tiêu cực tới thị trường.
Ngoài ra, hệ thống KRX có thể chính thức được vận hành. Tuy nhiên, không có thêm sản phẩm mới, không có nhiều cổ phiếu mới được niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường. Và đặc biệt, cạnh tranh về phí giao dịch, lãi suất cho vay margin giữa các Công ty chứng khoán khốc liệt hơn trước.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, HOSE: VDS) cũng đặt mục tiêu đi lùi với lợi nhuận trước thuế 360 tỷ đồng, giảm gần 13% dù đặt mục tiêu doanh thu 983 tỷ đồng, tăng 18% so với thực hiện năm 2023 do mức chi phí ước tăng 49%.
VDSC nhận định, nền kinh tế vĩ mô năm nay tiếp tục ổn định và phục hồi đà tăng trưởng, GDP dự kiến tăng 6 - 6,5%, lạm phát ở mức 3,5%, lãi suất điều hành ổn định, lãi suất tiền gửi 12 tháng duy trì mức 5-6%/năm, tỷ giá ổn định quanh 25.000 đồng/USD, tín dụng tăng trưởng 14 - 15%.
Thị trường chứng khoán được dự báo tăng trưởng nhờ kinh tế vĩ mô phục hồi, môi trường lãi suất thấp, triển vọng nâng hạng thị trường và hệ thống KRX đưa vào vận hành. Tuy nhiên vẫn có những rủi ro ngắn hạn do những biến động khó lường của kinh tế thế giới. Công ty chứng khoán dự phóng VN-Index dao động trong khoảng 1.080 đến 1.380 điểm, thanh khoản bình quân phiên đạt 18.000 - 20.000 tỷ đồng.
Chứng khoán Maybank (MSVN) cũng lên kế hoạch thận trọng hơn, nguồn thu chủ lực vẫn từ cho vay và phải thu, kỳ vọng mang về 486 tỷ đồng, tăng 20%; xếp sau là doanh thu từ hoạt động môi giới, kế hoạch gần 214 tỷ đồng, tăng 10%. Hai chỉ tiêu này lần lượt chiếm 61% và 27% trong cơ cấu doanh thu kế hoạch năm 2024 (804 tỷ đồng). Lãi trước thuế dự kiến đạt 283 tỷ đồng, tăng 2,4%.
Vừa trải qua một đợt cơ cấu cổ đông lớn, Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS) đặt mục tiêu lãi vỏn vẹn gần 356 triệu đồng năm 2024, con số này của năm trước là âm 7 tỷ đồng.
Nguồn:Hé lộ kế hoạch kinh doanh năm 2024 của loạt công ty chứng khoán