Hiện đại hóa công tác dự báo khí tượng thủy văn
Để triển khai có hiệu quả Quyết định 1261/QĐ-TTg ngày 27/10/2023 của Thủ tướng Chính Phủ về Đề án "Hiện đại hóa Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2025 và thời kỳ 2026-2030" tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quá trình đổi mới, hiện đại hóa hệ thống dự báo, giám sát, quan trắc KTTV.
Cụ thể, Đài KTTV tỉnh Vĩnh Phúc đang áp dụng 5 ứng dụng để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong công tác KTTV bao gồm, hệ thống hỗ trợ dự báo khí tượng SmartMet; ứng dụng giám sát số liệu về KTTV; ứng dụng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; hệ thống cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á và hệ thống đo mưa tự động Vrain.
Đặc biệt trong số đó, hệ thống hỗ trợ dự báo khí tượng SmartMet tích hợp số liệu quan trắc bề mặt, sản phẩm ảnh rada, vệ tinh, mô hình dự báo… trên cùng một phần mềm.
Lãnh đạo Đài KTTV tỉnh Vĩnh Phúc thông tin, việc tích hợp số liệu trên một hệ thống phần mềm dùng chung đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong việc cập nhật, lưu trữ, sắp xếp khoa học, chi tiết thông tin, dữ liệu theo từng khoảng thời gian, giúp dự báo viên đưa ra thông tin thời tiết nhanh chóng, kịp thời và chính xác, giúp tiết kiệm thời gian và sức lao động, nhân lực.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số còn giúp Đài KTTV tỉnh Vĩnh Phúc theo dõi chặt chẽ diễn biến KTTV trên địa bàn tỉnh, nhanh chóng cập nhật thông tin về Đài KTTV khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, qua đó, các hiện tượng thời tiết bất thường như bão, áp thấp nhiệt đới, rét đậm, rét hại, hạn hán… được cảnh báo kịp thời, giúp người dân có phương án sản xuất phù hợp, phục vụ công tác Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân trước những biến động khó lường của thiên tai, tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, phương án ứng phó kịp thời với mọi tình huống, trong đó ứng dụng công nghệ trong tác nghiệp hoạt động KTTV đã góp phần nâng cao chất lượng công tác dự báo, nâng cao tính chủ động ứng phó, giảm nhẹ tối đa thiệt hại từ thời tiết nhất là sự cố thiên tai cho người dân, đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước sớm lên được kế hoạch ứng phó khi thiên tai xảy ra.
Ảnh minh họa. |
Để triển khai công tác quản lý nhà nước về hoạt động KTTV, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 20 /2022/QĐ-UBND ngày 23/6/2022 về Quy chế phối hợp trong công tác quản lý hoạt động KTTV trên địa bàn tỉnh; và Quyết định số 2278/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tại Quyết định số 20/2022/QĐ-UBND, Đài KTTV tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phối hợp với Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cá nhân, tổ chức, cộng đồng, doanh nghiệp trong công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, phòng chống thiên tai, KTTV…
Còn theo Quyết định số 2278/QĐ-UBND, kế hoạch phát triển đến năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục duy trì 01 trạm quan trắc đã có, đến năm 2025 phát triển thành 03 trạm sử dụng công nghệ quan trắc tự động, yếu tố quan trắc gồm nhiệt độ không khí, lượng mưa, hướng và tốc độ gió, độ ẩm. Về trạm quan trắc thủy văn kết hợp quan trắc lượng mưa duy trì số lượng trạm đã có là 36 trạm đo mưa, 34 trạm thủy văn; dự kiến phát triển thêm đến năm 2025 là 10 trạm, sử dụng công nghệ quan trắc tự động; yếu tố quan trắc, mực nước, lượng mưa.
Giai đoạn 2026 – 2030, tiếp tục phát triển mạng lưới trạm tại các vùng trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội, các vùng sinh thái nhạy cảm với môi trường trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng công tác quan trắc, dự báo, cảnh báo KTTV; Nâng cấp cơ sở dữ liệu KTTV, bảo đảm thông tin thông suốt, đồng bộ, có độ tin cậy cao, phù hợp tiến trình phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Dự kiến đến năm 2030 sẽ phát triển thêm 13 trạm quan trắc thủy văn kết hợp quan trắc lượng mưa và 5 trạm quan trắc lượng mưa.
Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong công tác dự báo, cảnh báo KTTV có ý nghĩa quan trọng, trở thành xu hướng tất yếu trong thời kỳ cách mạng 4.0. Để hướng tới ứng dụng công nghệ hiệu quả, ngành KTTV Vĩnh Phúc đã luôn nỗ lực tận dụng mọi nguồn lực, nhân lực, giúp cho nhân dân trên địa bàn có thể chủ động tiếp cận thông tin, kịp thời ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, góp phần phục vụ phát triển bền vững.
Nguồn:Hiện đại hóa công tác dự báo khí tượng thủy văn