Hố chôn lấp rác lớn nhất tỉnh Ninh Bình đứng trước nguy cơ quá tải
Khánh Hòa nghiệm thu công trình hố chôn lấp rác thải sinh hoạt tại bãi rác Hòn Rọ |
Theo đại diện Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình (tại xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, Ninh Bình) thông tin, bình quân hàng năm, Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình thực hiện xử lý rác thải sinh hoạt của các đơn vị trên địa bàn tỉnh khoảng 125.000 tấn/năm. Trong đó, xử lý theo hình thức phân loại sản xuất phân vi sinh là 12.000 tấn/năm, xử lý theo hình thức chôn lấp là 113.000 tấn/năm. Toàn bộ rác thải sinh hoạt của 8/8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều được đưa về đây để xử lý.
Các hố chôn lấp rác thải của Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình được thiết kế theo tiêu chuẩn của Hàn Quốc với sức chứa 350.000 tấn rác (chủ yếu là phục vụ chôn lấp rác thải vô cơ sau khi đã phân loại rác thải hữu cơ để chế biến phân vi sinh) và dự kiến 30 năm mới đầy. Tuy nhiên, do không thể phân loại tại nguồn nên phần lớn rác thải sinh hoạt đổ về đây là chôn lấp, chỉ một phần nhỏ rác thải sinh hoạt từ thành phố Ninh Bình là phân loại được để sản xuất phân vi sinh. Chính vì vậy, chỉ sau 10 năm đi vào hoạt động, hố chôn lấp rác này đã quá tải.
Bãi xử lý rác thải duy nhất của tỉnh Ninh Bình (tại xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, Ninh Bình) hiện nay đã rơi vào tình trạng quá tải. Ảnh: D.A |
Lượng rác thải sinh hoạt của các huyện, thành phố, các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh tăng nhanh qua từng năm và phần lớn rác thải sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, nên gây khó khăn rất lớn cho nhà máy trong việc phân loại và xử lý.
Liên quan đến vấn đề trên, ngày 21/4/2023, UBND thành phố Tam Điệp có văn bản báo cáo UBND tỉnh Ninh Bình về những khó khăn, vướng mắc của Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình. Trong đó, đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình giao cơ quan chuyên môn tham mưu xây dựng và sớm ban hành giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với thực tế của nhà máy, đảm bảo nhà máy cân đối được thu - chi, giảm thiểu việc xử lý rác thải sinh hoạt theo hình thức chôn lấp.
Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh xem xét mở rộng thêm các hố chôn lấp rác hoặc cải tạo hố rác cũ và đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng nhà máy điện rác để giảm tải cho Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình.
Ngày 5/5/2023, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tham mưu phương án giải quyết. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phương án cụ thể để giải quyết tình trạng trên.
Theo Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nông thôn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2020 - 2025. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn đạt khoảng 85%; 100% các thôn, xóm có tổ thu gom rác thải sinh hoạt; xử lý triệt để các điểm tồn đọng rác thải tại các khu dân cư, các trục đường giao thông, các bãi rác cũ và chấm dứt xử lý rác thải tại các bãi chôn lấp nhỏ lẻ trước năm 2025. Cùng với đó, cải tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng các lò đốt rác đang hoạt động tại huyện Yên Khánh; tăng cường đầu tư các phương tiện, thiết bị để thu gom, vận chuyển rác đến khu vực xử lý, phấn đấu trang bị xe chở rác chuyên dụng đủ năng lực vận chuyển cho tất cả các huyện, thành phố; xây dựng các khu xử lý rác thải theo quy hoạch, có công nghệ xử lý phù hợp, đảm bảo tỷ lệ chôn lấp còn dưới 20%. Ngoài ra, xây dựng cơ chế để khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; có giải pháp thu hút các dự án xử lý chất thải rắn có công nghệ đốt tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường theo quy hoạch tại Quyết định số 321/QĐ-UBND ngày 6/3/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Ninh Bình đến năm 2030.
Nguồn:Hố chôn lấp rác lớn nhất tỉnh Ninh Bình đứng trước nguy cơ quá tải