Hoàn thiện pháp lý thúc đẩy tăng trưởng xanh
Thực tế ở Việt Nam, tăng trưởng xanh, hướng đến thịnh vượng kinh tế, bền vững môi trường, công bằng xã hội không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà là để bắt kịp xu thế thế giới, nhằm thực hiện cam kết mang tính bước ngoặt lịch sử là đưa phải thác ròng về 0 vào năm 2050.
Tăng trưởng xanh, hướng đến thịnh vượng kinh tế, bền vững môi trường, công bằng xã hội không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà là để bắt kịp xu thế thế giới - Ảnh minh họa: ITN |
Điều này được Chính phủ đặc biệt quan tâm, thể chế hoá bằng "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”. Chiến lược đặt ra mục tiêu tổng quát là: tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi về đường lối chính sách về xanh hoá nền kinh tế, tại các doanh nghiệp và địa phương, việc thực hiện đồng bộ, hài hòa các mục tiêu chiến lược còn gặp nhiều trở ngại đến từ phía nguồn vốn và nguồn lực đầu tư để thực hiện tất cả mục tiêu của các chiến lược.
Đặc biệt, dù đã áp dụng, lồng ghép Chiến lược tăng trưởng xanh vào các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, song nhiều địa phương đang đối mặt với không ít thách thức như thiếu hạ tầng chất lượng cao, công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực có kĩ năng cao và có thể tham gia ngay vào quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững.
Đặc biệt, tới đây, quy tắc về môi trường, khí hậu trong thương mại quốc tế đã và sẽ được áp dụng ngày càng nhiều trên thế giới. Những quy tắc đó sẽ là rào cản lớn khi hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nếu quá trình chuyển đổi xanh diễn ra càng chậm, doanh nghiệp càng mất đi cơ hội gia tăng xuất khẩu.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý cho toàn bộ các lĩnh vực - Ảnh minh họa: ITN |
Trong bối cảnh đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý cho toàn bộ các lĩnh vực, đặc biệt là khung pháp lý liên quan đến thúc đẩy và thực hành ESG.
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Nguyễn Xuân Khoát, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề nghị, tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý cho toàn bộ các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực chủ chốt, có ảnh hưởng lớn đến quá trình tăng trưởng xanh. Tăng trưởng xanh phải là động lực chính để phát triển bền vững và là công cụ hữu hiệu giúp Chính phủ cân đối nguồn lực trong nước và quốc tế hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
“Trong nhóm giải pháp về thể chế, chính sách, các bộ, ngành, địa phương cần hoàn thiện khung cơ chế, chính sách, pháp luật theo hướng phối hợp liên vùng, liên ngành và tích hợp các mục tiêu, giải pháp tăng trưởng xanh để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tối ưu hóa nguồn lực, đặc biệt trong xây dựng hạ tầng đa mục tiêu”, TS. Nguyễn Xuân Khoát nhấn mạnh.
Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng các công cụ kinh tế xanh đối với hoạt động sản xuất và tiêu dùng, hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại xanh quốc gia, đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, cập nhật thường xuyên cho các chương trình, dự án, sản phẩm, dịch vụ, công nghệ và ngành, nghề. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong giám sát, đánh giá thực hiện các Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường...
Đồng quan điểm, bà Tạ Thị Yên, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế xanh. Đây chính là yếu tố quan trọng, tiên phong quyết định hướng đi “xanh” của nền kinh tế.
“Tiếp đến, các cơ quan chức năng cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng bền vững thay thế cho nguồn năng lượng ảnh hưởng đến môi trường; đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, tập trung thiết kế ra các sản phẩm tái sử dụng được, sửa chữa, tái sản xuất và tái chế, để giảm thiểu phát sinh chất thải dễ gây ra ô nhiễm cho môi trường”, bà Tạ Thị Yên chia sẻ.
Còn theo ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, bên cạnh chủ trương, chính sách của Nhà nước, các doanh nghiệp cũng cần phải thấy rõ được bối cảnh, thách thức cũng như cơ hội trong phát triển xanh để tự xác định, dự liệu chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án của chính doanh nghiệp mình để nắm bắt được cơ hội, vượt qua được những khó khăn, thách thức, có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Được biết, về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Thủ tướng Chính phủ hệ thống phân ngành kinh tế xanh; xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi; nỗ lực hợp tác với các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp trách nhiệm xã hội và các doanh nghiệp tư nhân có thực hành ESG tốt.
Nguồn: Hoàn thiện pháp lý thúc đẩy tăng trưởng xanh