Hội Nông dân các cấp ở Bắc Giang chung tay hành động bảo vệ môi trường
HND huyện Tân Yên xác định bảo vệ môi trường là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, từ đó bám sát chỉ đạo của cấp trên và linh hoạt theo thực tiễn tại địa phương để triển khai, hướng dẫn HND cơ sở xây dựng, duy trì nhiều cách làm, mô hình hiệu quả. Điển hình như các hoạt động: Tham gia Tết trồng cây; hưởng ứng giờ trái đất, tuần lễ quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường, ngày môi trường thế giới; duy trì mô hình nông dân nói không với túi ni-lông; xây dựng đoạn đường tự quản; thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn; sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường…
Từ năm 2020 đến nay, 17/17 chi hội nông dân các tổ dân phố ở thị trấn Nhã Nam đều phụ trách một đoạn đường tự quản (trồng cau, hoa các loại). Đã thành thông lệ, vào mỗi dịp cuối tuần, hội viên nông dân các chi hội tích cực quét dọn, thu gom rác thải, chăm sóc cây xanh tại những đoạn đường này để tạo cảnh quan, không gian sạch đẹp. Ngoài ra, từ tháng 7/2024, Hội được UBND thị trấn phân công phụ trách thêm đoạn đường tự quản dài khoảng 1 km, nằm trên địa bàn các tổ dân phố Tiến Phan 2 và Tân Quang.
Bà Hoàng Thị Lê, Chủ tịch HND thị trấn Nhã Nam cho biết: “Hơn một năm trước, khu vực này tồn lưu rác thải, gây bức xúc trong người dân. Sau khi thu gom, xử lý sạch sẽ, HND thị trấn đã trồng 400 cây ban, phượng, giáng hương (kinh phí do UBND thị trấn hỗ trợ và nguồn xã hội hóa). Đến lịch đã thống nhất, các thành viên trong Ban Chấp hành Hội chủ động mang cuốc, xẻng, chổi và một số vật dụng cần thiết khác để dọn cỏ dại, thu gom rác thải, chăm sóc cây tại đoạn đường tự quản. Qua đó góp phần nâng cao tiêu chí về môi trường tại địa phương”.
HND thị trấn Nhã Nam (Tân Yên) vệ sinh môi trường tại đoạn đường tự quản |
HND huyện Yên Dũng cũng đang duy trì hoạt động của 160 tổ nông dân tự quản về môi trường, 40 mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. 100% chi hội trong huyện tổ chức cho các hộ cán bộ, hội viên ký cam kết thực hiện tốt công tác tự quản về môi trường; trong đó có nhiều mô hình hiệu quả. Điển hình như HND xã Quỳnh Sơn duy trì mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình và quản lý chất thải trong trang trại chăn nuôi lợn theo hướng kinh tế tuần hoàn; HND xã Lãng Sơn phát động phong trào đổi rác tái chế lấy cây xanh.
Theo Chủ tịch HND xã Lãng Sơn, đây là lần đầu tiên HND xã triển khai hoạt động này và được đông đảo cán bộ, hội viên hưởng ứng. Chỉ sau ít ngày phát động, HND xã thu về hơn 300 kg vỏ chai lọ, bìa cát tông, giấy báo cũ. Toàn bộ số rác tái chế được quy đổi ra gần 500 chậu cây xanh các loại để hội viên trưng bày, trang trí tại gia đình. HND xã sẽ duy trì và nhân rộng mô hình trên tại các chi hội. Số tiền quy đổi từ rác tái chế được đưa vào quỹ để có thêm kinh phí hoạt động.
Việc chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, cùng với các cấp, ngành, địa phương, đoàn thể, thời gian qua, HND các cấp đã triển khai nhiều phần việc ý nghĩa, thiết thực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Trước tiên là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, hội viên nông dân về tầm quan trọng của việc giữ môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; hậu quả của ô nhiễm môi trường... Việc tuyên truyền được triển khai thông qua hội nghị, tọa đàm, hội thi, tuyên truyền trực quan, đặc biệt là thông qua các mô hình thực
Cuối năm 2023, T.Ư HND Việt Nam hỗ trợ HND xã Thanh Lâm (Lục Nam) thực hiện mô hình điểm thu gom vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp, tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Theo đó, tổ chức hội cấp trên hỗ trợ xã 30 thùng đựng vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, 3 xe đẩy thu gom rác, 100 thùng đựng rác hai ngăn và nhiều chế phẩm xử lý rác. Nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn, ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của nông dân trên địa bàn xã chuyển biến rõ rệt.
Hay như việc xây dựng mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường làm điểm tại 18 xã thuộc 8 huyện, thị xã trong tỉnh (quy mô ít nhất 2 sào/xã), nông dân không còn đốt rơm rạ mà thực hiện xử lý phụ phẩm nông nghiệp bằng chế phẩm sinh học; biết bón phân và tưới nước đúng cách. Qua đó góp phần giảm phát thải ra môi trường, bảo vệ sức khỏe con người. Vụ mùa năm nay, HND các cấp tiếp tục hướng dẫn các địa phương duy trì, nhân rộng mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường với quy mô hơn 150 ha.
Việc làm cho môi trường sạch đẹp vốn khó, duy trì được lại càng khó hơn vì tiềm lực tại cơ sở còn hạn chế; ý thức bảo vệ môi trường sống của một bộ phận người dân chưa cao; công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số địa phương có lúc chưa kịp thời, sát sao; sự phối hợp giữa các lực lượng, đoàn thể có thời điểm chưa chặt chẽ… Để góp sức giữ môi trường phong quang, trong lành, theo ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch HND tỉnh, thời gian tới, HND các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của T.Ư, của tỉnh về nhiệm vụ bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động cho nông dân.
Toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 250 nghìn hội viên nông dân, các cấp HND cần xác định rõ đây là lực lượng đông đảo, nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường; quan tâm xây dựng, duy trì, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo; lấy chỉ tiêu có nhiều kết quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường làm cơ sở đánh giá chất lượng hoạt động, khen thưởng. Cùng đó quan tâm phối hợp giám sát, xử lý kịp thời những vi phạm gây ô nhiễm môi trường.
Nguồn: Hội Nông dân các cấp ở Bắc Giang chung tay hành động bảo vệ môi trường