Hợp tác công-tư trong khai mở nguồn năng lượng mới
Nhìn lại thị trường Năng lượng thế giới tuần qua (27/6 - 3/7): “Lợi bất cập hại” khi cố gắng giới hạn giá dầu của Nga Một giải pháp tài trợ mới cho các thị trường năng lượng mới nổi |
Sau nhiều lần lỗi hẹn, nhà máy điện rác Thiên Ý vừa hòa lưới điện quốc gia. Ảnh: Viết Niệm |
Nguồn năng lượng đang bị lãng phí
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2015 đến năm 2019, lượng rác thải rắn cần thu gom đã tăng gấp đôi, và chắc chắn sẽ không dừng ở đó. Nếu chỉ tính năm thành phố trực thuộc trung ương, gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, tổng lượng rác thải đô thị đã chiếm tới 40%. Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thải ra 16.000 tấn rác/ngày, tương đương 33,6% cả nước. Năm 2019, chỉ 85% lượng rác thải rắn thu gom được xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, tăng 10% so mức 75% của năm 2015.
Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2025 tăng tỷ lệ xử lý lên 90% với rác thải ở đô thị và 85% ở khu vực nông thôn, phấn đấu xử lý 100% vào năm 2050. Tuy nhiên, phương thức quản lý và xử lý rác thải đang áp dụng còn nhiều bất cập. Có hơn 70% lượng rác thải tại Việt Nam đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, trong đó 80% là bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, gây ra nhiều hệ lụy tương đối nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe như: ô nhiễm nước ngầm, ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí... Chi phí cho việc thu gom, vận chuyển cũng ngày một tăng, trong khi tài nguyên rác bị lãng phí.
Theo các chuyên gia về môi trường và điện năng, công nghệ đốt chất thải để tạo ra điện giúp giảm được 90-95% thể tích và khối lượng chất thải, là giải pháp nhằm tận dụng nhiệt, giảm phát thải khí nhà kính so với biện pháp chôn lấp, giảm ô nhiễm nước, mùi hôi... Song, trên thực tế, điện rác chỉ có thể được sản xuất bởi một số loại rác thải nhất định. Thành phần chất thải sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn công nghệ phù hợp để xử lý chất thải, cũng như thu hồi năng lượng.
Từ đó, có thể thấy để tối ưu hóa điện rác, mấu chốt là phân loại rác thải-vốn là vấn đề đã được xới xáo với nhiều nỗ lực nhưng hiệu quả chưa cao. Ông Hans Breukelman, Giám đốc Công ty BreAd, thành viên của Hiệp hội Chất thải rắn quốc tế (ISWA), chia sẻ trong buổi tọa đàm trực tuyến "Tối ưu hóa khai thác tiềm năng chất thải rắn tại Việt Nam", do Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) tổ chức: "Không có công nghệ nào là "liều thuốc tiên" cho xử lý rác thải, mà sẽ cần tới giải pháp riêng cho từng vùng. Đây là vấn đề cần sự hợp tác của nhiều bên: chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng và từng người dân. Trong đó hợp tác công-tư sẽ đóng vai trò thiết yếu với hiệu quả xử lý rác".
Giải pháp căn cơ
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã dành sáu điều quy định rõ về việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao; chi phí thu gom vận chuyển; xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Các quy định về phân loại tại nguồn và thu giá dịch vụ (theo khối lượng hoặc thể tích chất thải) phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024.
Trong thời gian chờ Luật Bảo vệ môi trường 2020 phát huy hiệu quả đối với công tác phân loại rác tại nguồn, thì áp dụng công nghệ xử lý, phân loại rác hiện đại trong các nhà máy điện rác đang được xem là giải pháp cấp bách. Ngày 25/7 vừa qua, nhà máy điện rác Sóc Sơn, dự án điện rác lớn nhất Việt Nam đã chính thức hòa lưới điện quốc gia.
Nhà máy sử dụng năm lò ghi cơ học kiểu Waterleau của Bỉ. Khi đi vào hoạt động, năm lò đốt có tổng công suất lớn sẽ xử lý được 4.000 tấn rác khô, tương đương 5.000 tấn rác tươi mỗi ngày, giải quyết được từ 60-70% lượng rác đang chôn lấp của Hà Nội hiện nay. Điều đặc biệt là, nhờ công nghệ hiện đại, nhà máy sẽ xử lý trực tiếp rác thải sinh hoạt không phân loại của 12 quận và năm huyện (Thanh Trì, Gia Lâm, Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn).
Nhưng để đạt được hiệu suất đó, tổng mức đầu tư cần thiết là khoảng 7.000 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc chúng ta cần thêm nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng này. ThS Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc điều hành VIETSE, bày tỏ quan điểm: "Để thu hút các nhà đầu tư chúng ta cần có quy hoạch nguồn và mật độ nhà máy tiềm năng phù hợp với nguồn nguyên liệu và các cơ chế giá mua điện hoặc khí sinh học. Các hỗ trợ từ phía Chính phủ cần tạo điều kiện xác định vùng nguyên liệu, rút ngắn thời gian phát triển nhà máy điện rác, chia sẻ rủi ro trong đầu tư cũng như bảo đảm tiêu thụ điện, khí sản xuất được từ các khu xử lý rác thải. Sau nữa là bảo đảm nguồn rác đầu vào cho nhà máy sản xuất điện - điều tưởng chừng đơn giản, nhưng lại khó khăn hơn chúng ta nghĩ!".
Kiến nghị giải pháp cho vấn đề này, VIETSE đã tiến hành nghiên cứu các giải pháp nhằm tối ưu hóa tiềm năng chất thải rắn của quốc gia. Một trong những công cụ quan trọng nhất được VIETSE phát triển là bản đồ hiện trạng chất thải rắn hằng ngày ở quy mô đô thị và công nghiệp. Kho dữ liệu này được xây dựng trên phạm vi toàn quốc, và được thực hiện bằng phương pháp nội suy dựa trên số liệu điều tra về lượng chất thải rắn phát sinh hằng ngày trên đầu người tại các tỉnh, thành phố cũng như số liệu điều tra dân cư cấp xã.
Các kết quả phân tích được trực quan hóa trên hệ thống tin địa lý GIS. Hệ thống bảng tin (dashboard) của bản đồ gồm có bốn hạng mục chính Quản lý chất thải rắn y tế, xây dựng và công nghiệp; Quản lý các cơ sở xử lý rác thải; Các hoạt động thu gom và xử lý rác thải; Chất thải rắn sinh hoạt. Ngoài khả năng cung cấp dữ liệu linh hoạt theo yêu cầu người dùng, hệ thống này còn dễ dàng chia sẻ dữ liệu tới nhiều người dùng trên nền tảng điện toán đám mây của Google, dễ dàng cập nhật dữ liệu từ xa, cung cấp khả năng cùng thao tác chỉnh sửa bởi nhiều người dùng tại một thời điểm, cung cấp các công cụ phân tích, tổng hợp dữ liệu theo các chuyên đề khác nhau… Hệ thống thông tin GIS về tiềm năng rác thải Việt Nam có thể truy cập theo địa chỉ: https://vietse.vn/waste-map-vietnam/.
Bà Trần Hoàng Anh, chuyên gia phân tích năng lượng của VIETSE đánh giá: "Hệ thống thông tin GIS về tiềm năng chất thải rắn tại Việt Nam sẽ góp phần nhận diện tiềm năng tương lai của lĩnh vực này trong quá trình chuyển dịch năng lượng với các mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ khí hậu. Công cụ này sẽ hỗ trợ cho quá trình ra quyết định đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn, cũng như xây dựng chính sách quản lý và xử lý chất thải một cách hiệu quả, thật sự hiện thực hóa phương châm "rác là tài nguyên", qua đó đóng góp vào sự phát triển của ngành năng lượng và bảo vệ môi trường".
Nguồn: Hợp tác công-tư trong khai mở nguồn năng lượng mới