Hưng Yên đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ tiêu thụ vải lai chín sớm
Toàn huyện Phù Cừ hiện trồng 1.200ha vải, gồm vải lai chín sớm Phù Cừ (850 ha) và vải trứng Hưng Yên (350 ha) được sản xuất theo quy trình VietGAP. Vải lai chín sớm Phù Cừ được trồng chủ yếu ở các xã phía Nam của huyện như xã Tam Đa, Minh Tiến, Tiên Tiến. Điều kiện đặc biệt về thổ nhưỡng, khí hậu đã giúp cây vải lai chín sớm trồng trên đất Phù Cừ có những ưu thế vượt trội: thời điểm thu hoạch sớm hơn so với vải thiều chính vụ từ 2 đến 3 tuần.
Ưu thế chín sớm cộng với mã sáng, đẹp, vị ngọt thanh đặc trưng đã khiến cho quả vải lai chín sớm Phù Cừ trở thành một nông sản thu hút khách hàng. Sản phẩm vải lai chín sớm Phù Cừ đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; được UBND tỉnh Hưng Yên xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao.
Trên địa bàn huyện Phù Cừ hiện có 3 vùng đã được cấp chứng nhận vùng có đủ điều kiện xuất khẩu ra thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu (vùng được cấp mã số OTAS). UBND huyện Phù Cừ cho biết, niên vụ 2024, vải lai chín sớm Phù Cừ dự kiến cho thu hoạch rộ từ ngày 25/5, sớm hơn các loại vải khác trên thị trường từ 10-15 ngày. Sản lượng vải quả năm 2024 toàn huyện ước đạt từ 13.500-14.000 tấn.
UBND huyện Phù Cừ đẩy mạnh công tác xúc tiến tiêu thụ vải tại các địa phương. Ảnh: VH. |
Những năm gần đây, Minh Tiến là xã trọng điểm trồng cây vải lai chín sớm Phù Cừ với diện tích lên trên 250 héc-ta. Năm nay, dự tính sản lượng vải lai chín sớm toàn xã đạt gần 7.000 nghìn tấn. Thời điểm hiện tại, đã có nhiều thương lái các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An đến tận vườn để đặt hàng và thu mua vải quả tươi cho người dân trong xã.
Thời gian qua, để xây dựng thương hiệu vải lai chín sớm Phù Cừ, huyện Phù Cừ đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân sản xuất vải lai chín sớm đạt tiêu chuẩn VietGAP, OTAS và đăng ký sản phẩm OCOP. Cùng với việc hướng dẫn người dân tuân thủ quy trình sản xuất, chính quyền địa phương phối hợp với các ngành chức năng chủ động liên kết tiêu thụ, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân...
Năm nay, công tác xúc tiến thương mại tiêu thụ vải lai chín sớm được UBND huyện đặc biệt quan tâm. UBND huyện Phù Cừ khẳng định, huyện sẽ tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thương nhân ký kết thu hoạch, chế biến, lưu thông và tiêu thụ vải lai chín sớm; đồng thời các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, nhà vườn trên địa bàn huyện tiếp tục thực hiện tốt việc chăm sóc vải cho đến khi thu hoạch, đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm, chất lượng cũng như quy định về nhãn hiệu trong quá trình thu hoạch, tiêu thụ.
Trên cơ sở thời điểm thu hoạch vải, huyện sẽ phối hợp với Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức phiên chợ vải nhằm phát huy tối đa hiệu ứng của sự kiện tới việc tiêu thụ năm nay. Thời gian tới, huyện tiếp tục chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao gắn với thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi; trong đó, trọng tâm là chuyển đổi mạnh sang trồng cây trồng chủ lực là vải trứng Hưng Yên tại các xã phía Bắc và trồng vải lai chín sớm tại các xã phía Nam.
Cùng đó, huyện tiếp tục xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực; sử dụng tem truy xuất nguồn gốc nhằm bảo vệ thương hiệu, khẳng định chất lượng và uy tín của sản phẩm. Đồng thời, huyện sẽ hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng
Thời gian qua, Hải Dương và Bắc Giang đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải. Tại Hải Dương, vải thiều là 1 trong 8 loại nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương. Tỉnh hiện có 8.850 ha vải, riêng huyện Thanh Hà có 3.285 ha vải thiều gồm 1.950 ha vải sớm. Hàng năm, sản lượng vải toàn tỉnh duy trì 55.000 - 60.000 tấn. Năm 2024, do ảnh hưởng thời tiết nên sản lượng vải của tỉnh chỉ ước đạt 40.000 - 45.000 tấn.
Đến nay, Hải Dương đã có 52 vùng vải được chứng nhận sản xuất theo VietGAP và GlobalGAP; trong đó, có 41 vùng VietGAP với tổng diện tích 110 ha, riêng huyện Thanh Hà có 37 vùng. Toàn tỉnh hiện có 198 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu; trong đó, Thanh Hà có 167 mã số vùng trồng. Cùng với thị trường trong nước, vải thiều Thanh Hà đã được xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Nhật Bản, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Bỉ, Hà Lan, Thái Lan, Singapore và Trung Đông...
Để thúc đẩy tiêu thụ vải thiều và các nông sản tỉnh, Hải Dương đã và đang chủ động nhiều giải pháp, cụ thể: tập trung xây dựng hệ thống sản xuất, phân phối hàng hóa chuyên nghiệp và hiệu quả thông qua việc chủ động định hướng sản xuất, xây dựng liên kết trong sản xuất; Tăng cường quảng bá sản phẩm; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các đối tác, đặc biệt là đối tác nước ngoài. Đồng thời, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, định hướng về bảo quản, chế biến, tiêu thụ vải thiều; tích cực tổ chức đưa vải thiều và nông sản của tỉnh quảng bá tới các thị trường trong và ngoài nước.
Tỉnh Hải Dương cũng nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc kết nối với các bộ, ngành và thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu; hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp và cho các sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, tổ chức tọa đàm giữa chính quyền địa phương với các doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm phối hợp chặt chẽ giữa sản xuất, tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông nghiệp; lập cơ sở dữ liệu thông tin về sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh; cập nhật, dự báo thị trường, các rào cản kỹ thuật, các nhà nhập khẩu, tiêu thụ vải thiều và nông sản của tỉnh...
Tỉnh Bắc Giang, Hải Dương triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ vải thiều trong năm 2024. |
Mùa vải thiều năm nay được tỉnh Bắc Giang đánh giá có chất lượng cao nhất từ trước tới nay, dự báo sản lượng đạt 100.000 tấn. Hiện tỉnh đang thúc đẩy kết nối với một số thị trường của Trung Quốc để tiêu thụ vải thiều. Hiện tỉnh đang duy trì và kiểm soát chặt chẽ 223 mã vùng trồng vải thiều phục vụ xuất khẩu, với diện tích khoảng 17.198 ha; trong đó, thị trường Trung Quốc có 130 mã vùng trồng, diện tích 16.217 ha; đã có 39 cơ sở đóng gói quả vải tươi xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của nước bạn Trung Quốc.
Trong năm 2024, vải thiều Bắc Giang được đánh giá có chất lượng cao nhất từ trước tới nay, dự báo sản lượng đạt 100.000 tấn, trong đó, sản lượng vải sớm khoảng 50.000 tấn, vải chính vụ 50.000 tấn Trên thị trường, vải thiều Bắc Giang đã có mặt tại hơn 30 quốc gia, trong đó Trung Quốc là thị trường truyền thống, sẽ dự kiến tổng sản lượng vải thiều xuất khẩu khoảng 70.000 tấn (chiếm tỉ lệ 70%).
Để thúc đẩy tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm chủ lực, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ. Điển hình, những năm gần đây, quả vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm trên 98% tổng sản lượng xuất khẩu. Còn lại là các thị trường khác như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, EU, Thái Lan, UAE, Qatar và một số nước khu vực Trung Đông và khu vực Đông Nam Á…
Để chuẩn bị cho việc xuất khẩu trong mùa vải mới, các cấp, các ngành, địa phương của Bắc Giang đã chủ động, sẵn sàng, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ bà con cũng như doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước cho việc thu hái và bao tiêu. Bên cạnh đó, tỉnh đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, kết nối các thương nhân, doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản đến Bắc Giang khảo sát, thu mua, tiêu thụ vải thiều và hỗ trợ quảng bá vải thiều Bắc Giang đến đông đảo người tiêu dùng Trung Quốc.
Đồng thời, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều ở thị trường trong và ngoài nước gắn với quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh; quảng bá hình ảnh địa phương thông qua các sự kiện; tăng cường trao đổi, hợp tác thúc đẩy thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch; thực hiện chiến lược dài hạn trong tiêu thụ, nâng cao giá trị cho các sản phẩm; quảng bá, giới thiệu sản phẩm bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả.
Nguồn:Hưng Yên đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ tiêu thụ vải lai chín sớm