Kết nối tài chính xanh với tín chỉ carbon để sớm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh
Biến đổi khí hậu tạo áp lực thúc đẩy xanh hóa nền kinh tế Việt Nam quyết tâm cao hướng tới tăng trưởng xanh |
Tín dụng xanh - công cụ giải quyết thách thức về môi trường
Vấn đề tài chính xanh và thị trường carbon (tín chỉ carbon) là những cơ chế tài chính đóng góp vào công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu và giải quyết các thách thức môi trường.
Nếu như tín dụng xanh cung cấp vốn cho các dự án được chứng nhận bằng các tín chỉ carbon, thì tín chỉ carbon như “tấm thẻ bài” đưa hàng sang các nước. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam mới khởi động những bước đi đầu tiên.
Hội thảo tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon, do Báo Sài Gòn Giải phóng tổ chức ngày 6/9 tại TP. Hồ Chí Minh. |
Để ứng phó trước vấn nạn ô nhiễm môi trường, khí thải nhà kính, TS. Trần Văn - Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển kinh tế số cho biết, các thị trường tài chính trên thế giới đã nắm bắt xu thế phát triển xanh, sạch và đưa ra nhiều công cụ tài chính tương ứng.
Theo Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu khí hậu (CBI), đến năm 2023, có khoảng 2.334 tỷ USD trái phiếu xanh đã được phát hành, bằng 5% giá trị thị trường nợ toàn cầu và dự kiến tới năm 2025 là 5.000 tỷ USD.
Tại Việt Nam, Chiến lược tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050 tập trung vào 3 nhiệm vụ gồm: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Nêu bật vai trò quan trọng của tín dụng xanh, TS. Hồ Quốc Tuấn - Đại học Bristol (Anh) cho biết, tín dụng xanh là xu hướng chung, tất yếu của thế giới. Trong đó, tín dụng xanh cung cấp nguồn vốn với lãi suất ưu đãi cho các dự án tạo ra tác động tốt đến môi trường.
Đồng quan điểm, nhóm nghiên cứu Đại học Bristol (Anh) và Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong xu hướng chuyển đổi xanh, số lượng và chất lượng các dự án xanh trong những năm tới sẽ tăng lên đáng kể, đòi hỏi thị trường vốn xanh cần được phát triển với quy mô tương ứng. Để điều hướng dòng vốn đến các dự án giảm phát thải, việc tăng tiếp cận đến các cơ hội từ trái phiếu xanh, cho vay xanh và thị trường carbon trong nước và quốc tế rất quan trọng.
Để thực hiện hiệu quả và huy động các nguồn lực tham gia thị trường carbon, TS. Nguyễn Linh Ngọc - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 đã được thông qua, theo đó lần đầu tiên đưa ra quy định về việc tổ chức và phát triển thị trường carbon trong nước.
“Việt Nam cần xúc tiến triển khai nhanh hơn, hiện nay là quá chậm. Nếu chúng ta không khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện thì các cơ hội sẽ trôi mất, thậm chí gây nhiều bất lợi”, TS. Nguyễn Linh Ngọc nói.
Trong khi đó, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội từ thị trường carbon tự nguyện trong nước và quốc tế có giá trị khoảng 0,7 - 1,4 nghìn tỷ USD.
Cần tạo “cú hích” thúc đẩy tín dụng xanh
Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh bền vững đến năm 2050 theo mục tiêu đã đề ra, Việt Nam cần có một định chế tài chính thúc đẩy tín dụng xanh.
Để điều hướng dòng vốn đến các dự án giảm phát thải, việc tăng tiếp cận đến các cơ hội từ trái phiếu xanh, cho vay xanh và thị trường carbon trong nước là rất quan trọng. |
TS. Trương Văn Phước - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia khuyến nghị, nên có một định chế tài chính quốc gia để thúc đẩy tín dụng xanh. Vị chuyên gia này cho rằng, tài chính xanh và thị trường carbon chỉ là công cụ để hướng tới mục tiêu đến năm 2050 giảm phát thải ròng bằng 0.
Do đó, cần quan tâm đến các vấn đề cụ thể, chẳng hạn như đối với những doanh nghiệp xuất khẩu, các thị trường đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện các vấn đề về môi trường để từ đó giúp các doanh nghiệp một cách thiết thực nhất. Để thực hiện việc này, các bộ, ngành phải phác thảo vấn đề này thật sớm, còn liên quan đến tín dụng xanh hãy để cho thị trường quyết định.
“Nhà nước phải đứng ra để hỗ trợ thúc đẩy tín dụng xanh không thể phụ thuộc hoàn toàn vào các ngân hàng thương mại. Mặc dù hiện các ngân hàng thương mại vẫn cho vay tín dụng xanh, nhưng để tạo “cú hích” cần phải có một định chế tài chính quốc gia đứng ra đảm nhiệm”, TS. Trương Văn Phước nhìn nhận và khuyến nghị.
Nhìn nhận về cơ hội của Việt Nam trong tiếp cận tài chính xanh, bà Đỗ Ngọc Diệp - Quản lý Dự án công trình xanh và biến đổi khí hậu của Tổ chức Tài chính quốc tế - IFC cho biết, các cơ hội tài chính xanh quốc tế đang tiếp cận với thị trường Việt Nam.
Dẫn chứng cụ thể, bà Diệp cho hay, Chương trình tăng cường thị trường xây dựng xanh (MAGC) do Chính phủ Anh hợp tác với IFC triển khai, sẽ cung cấp tài chính ưu đãi qua các ngân hàng trung gian để thúc đẩy hoạt động xây dựng xanh tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Hiện nay, các khoản tín dụng xanh được cung cấp cho nhiều đối tượng vay, với phí vốn thấp hoặc điều khoản trả nợ có lợi. Hầu hết doanh nghiệp đều có thể tiếp cận các tín dụng xanh bằng cách tách chi tiêu cải thiện xanh khỏi chi tiêu chung, chia thành từng khoản cho việc lắp đặt thiết bị sưởi hoặc làm mát tiết kiệm năng lượng hơn.
Ở góc nhìn chuyên gia, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế cho biết, nhiều năm trước, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030. Tuy nhiên, đến nay, các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn hạn chế, trái phiếu xanh tại Việt Nam hiện chưa có nhiều. Thực trạng này cho thấy vấn đề tài chính xanh, trái phiếu xanh vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam.
Để trái phiếu xanh phổ biến tại Việt Nam, các nhà phát hành phải quan tâm đến 4 vấn đề: sử dụng vốn thế nào, cho công trình, dự án gì; dự án đó phải được thẩm định chặt chẽ; các nhà phát hành phải cho nhà đầu tư biết việc quản lý dòng vốn để có nguồn trả nợ cho trái phiếu như thế nào; báo cáo từ nhà phát hành, công ty kiểm toán, cơ quan chức năng thật minh bạch.
Kiến nghị cụ thể, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu rõ, các cấp có thẩm quyền nên đưa ra các tiêu chí, quy chuẩn về trái phiếu xanh, để các doanh nghiệp áp dụng. Trong khi đó, hiện thị trường trái phiếu thông thường tại Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, còn 3-5 năm tới, trái phiếu xanh cũng sẽ khó triển khai trên thực tế.
Nguồn:Kết nối tài chính xanh với tín chỉ carbon để sớm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh