Khai thác cát trái phép vẫn hoành hành trên sông Lam
Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát |
Phát hiện liên tiếp nhiều vụ khai thác cát trái phép
Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Lam qua các huyện Thanh Chương, Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đang có nhiều diễn biến phức tạp. Địa phương này tiếp giáp với các huyện của tỉnh Hà Tĩnh nên dễ bị nhiều đối tượng lợi dụng khai thác cát trái phép.
Bến tập kết cát sạn với nhiều tàu hút cát đang neo đậu dưới chân cầu Rộ tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. |
Theo đội cảnh sát đường thuỷ, công an tỉnh Nghệ An, chỉ trong thời gian ngắn Đội đã phát hiện hàng chục vụ khai thác trái phép, tạm giữ 8 tàu vỏ sắt và gần 207m3 cát…Vào đầu tháng 1 năm 2022, Công an huyện Hưng Nguyên phát hiện trên địa bàn có 2 đối tượng sử dụng 1 tàu vỏ sắt có trọng tải 755 tấn, được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, công suất khai thác cát lớn để khai thác cát trên dọc tuyến sông Lam kéo dài từ xã Hưng Lợi đến xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên. Đây là phương tiện khai thác cát lớn nhất từ trước đến nay ở khu vực 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đặc biệt, các đối tượng lợi dụng khu vực giáp ranh giữa huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) với huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh), khu vực giáp ranh giữa vùng được cấp phép và vùng chưa được cấp phép để khai thác cát trái phép.
Điển hình tháng 1/2022, Đội Cảnh sát đường thuỷ, Công an huyện Hưng Nguyên phối hợp Phòng Cảnh sát môi trường bắt quả tang tàu vỏ sắt có số hiệu VR-15040110 đang khai thác cát trái phép, thu giữ gần 130m3 cát. Sáu công dân vi phạm đã bị cơ quan chức năng xử lí theo quy định của pháp luật. Ngày 22/3 Đội Cảnh sát đường thủy phát hiện, bắt giữ 2 vụ khai thác cát trái phép trên sông Lam thuộc địa bàn xóm 5, xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An; ngày 13/4, phát hiện tàu vỏ sắt biển kiểm soát NA2631 khai thác cát ngoài khung giờ theo quy định, thu giữ gần 20m3 cát…
Ngày 16/5, cơ quan Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi "Vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" quy định tại điều 227 Bộ luật Hình sự. Trước đó, vào đêm 28/4/2022 cơ quan chức năng đã bắt quả tang Nguyễn Văn Thắng (SN 1978), Nguyễn Văn Bình (SN 1971) và Ngũ Thị Hòa (SN 1974) đều trú tại khối 4A, thị trấn Thanh Chương (Thanh Chương), khi các đối tượng này đang sử dụng thuyền máy vỏ sắt với công suất lớn để khai thác khoáng sản trái phép tại lưu vực sông Lam đoạn chảy qua xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương. Đây chỉ là một trong số ít các vụ khai thác cát, sạn trái phép trên sông Lam bị khởi tố.
Hiện tại, trên địa bàn huyện Thanh Chương có 5 công ty được phép khai thác cát, sỏi trên sông với 8 điểm mỏ, và 16 bến cát được cấp phép.
Còn ở huyện Tân Kỳ, trên khu vực sông Con chảy qua với chiều dài khoảng 60km cũng đã có 16 điểm mỏ được cấp phép đang hoạt động. Do nhu cầu sử dụng cát sỏi xây dựng lớn nên tình trạng khai thác trái phép cũng thường xuyên xảy ra.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh – Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tân Kỳ cho biết: Nhiều năm nay, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quản lý nghiêm hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, tình trạng khai thác trái phép vẫn thường xuyên xảy ra. Những tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng tỉnh và huyện cũng đã xử lý 3 đơn vị khai thác vi phạm về kê khai sản lượng khoáng sản, và đã xử phạt hành chính gần 500 triệu đồng.
Thiếu trang thiết bị để phát hiện
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Nghệ An, tính đến hết năm 2021 toàn tỉnh đã cấp 61 giấy phép khai thác cát, sỏi với trữ lượng 21.165.000 m3, với công suất khai thác là 1.140.361 m3/năm.
Tàu vỏ sắt được trang bị trang thiết bị hiện đại để khai thác cát trái phép. |
Đơn cử như, huyện Nam Đàn hiện có 8 đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản đá, cát, sỏi xây dựng thông thường. Trong đó có 3 mỏ đá và 5 mỏ cát, sỏi xây dựng. Các mỏ cát, sỏi chủ yếu tập trung trên sông Lam, tại các xã Thượng Tân Lộc, Trung Phúc Cường, Khánh Sơn, Hồng Long. Ngoài ra còn có 20 bến bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi xây dựng thông thường, trong đó khu vực thị trấn Nam Đàn có 9 bến, Hồng Long có 2 bến, Hùng Tiến 2 bến, Trung Phúc Cường 3 bến, Khánh Sơn 1 bến, Xuân Lâm 2 bến, Nam Giang 1 bến.
Thông tin từ Ủy ban nhân dân huyện Nam Đàn, trong 4 năm từ 2018 đến 2021, huyện đã phối hợp với các đoàn kiểm tra của tỉnh, xử lý vi phạm với số tiền 276,5 triệu đồng. Trong đó, năm 2018 xử phạt 16 trường hợp với số tiền 84 triệu đồng; năm 2019 xử phạt 11 chủ thuyền với số tiền 33 triệu đồng và xử phạt 1 bến cát kinh doanh cát sỏi trái phép 11,5 triệu đồng; năm 2020 xử phạt 7 chủ thuyền số tiền 13,5 triệu đồng. Đặc biệt trong năm 2021 mặc dù diễn biến dịch Covid-19 hết sức phức tạp, trên địa bàn cũng đã xử phạt 4 trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép và tịch thu phương tiện (quy đổi bằng tiền) với 114,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Huyện Nam Đàn việc kiểm tra, tuần tra quản lý việc khai thác cát sỏi trên sông còn gặp nhiều khó khăn. Theo quy định, sau khi được tỉnh cấp phép, các mỏ cát sạn sẽ được giao cho địa phương theo dõi, quản lý. Tuy nhiên do không có thiết bị GPS cũng như xuồng máy và các trang thiết bị khác nên chính quyền địa phương rất khó xử lý. Trong khi đó, các thuyền hút cát thường cố tình hút trộm ngoài mốc vào ban đêm, hoặc thời điểm mưa gió, sóng trên sông đánh mạnh.
Ông Hồ Sỹ Hải – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Đàn thông tin, hiện huyện Nam Đàn, hiện nay có một số mỏ được cấp phép nhưng đã được chuyển nhượng qua tay nhiều chủ. Thủ tục hồ sơ lại làm trực tiếp tại tỉnh, không thông qua huyện nên nhiều khi Ủy ban nhân dân huyện không nắm được thông tin của các chủ mới, điều này cũng gây ra những khó khăn không nhỏ trong công tác kiểm tra, quản lý.
Theo Bộ Xây dựng, trong 5 tháng đầu năm 2022, giá cát vẫn tăng mức tăng bình quân 1,51%. Riêng biến động giá cát bê tông tăng 9,37 - 12,5%; giá cát san nền, xây trát tăng bình quân từ khoảng 4 - 6% tùy khu vực. Trong đó, giá cát ở các tỉnh phía Bắc tăng với tỷ lệ mạnh hơn bình quân 3,2% hàng tháng. Do yếu tố nguồn khai thác và nhu cầu sử dụng tại các tỉnh phía Nam lớn hơn so với khu vực miền Bắc và miền Trung nên so sánh tương quan giá cát bình quân tại khu vực miền Nam thường cao hơn các tỉnh miền Bắc và miền Trung từ 1,4 - 1,7 lần. Với biến động giá cát như trên, nếu các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không tích cực kiểm tra, quản lý thì tình trạng “cát tặc” dai dẳng nhiều năm sẽ vẫn chưa có hồi kết. |
Nguồn: Khai thác cát trái phép vẫn hoành hành trên sông Lam