Khai thác hiệu quả, ngăn chặn tình trạng suy giảm nguồn nước
An ninh nguồn nước trong biến đổi khí hậu: Giải pháp bền vững? 9 nhiệm vụ về đảm bảo an ninh nguồn nước |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam là nước nông nghiệp với hàng chục triệu người sống dựa vào nguồn nước ngọt để bảo đảm sinh kế. Tuy nhiên, nguồn nước phân bố không đều theo không gian và thời gian dẫn đến tình trạng quá thừa nước trong mùa mưa, gây ra lũ, lụt, ngập úng tại hầu hết lưu vực sông trên cả nước, gây tình trạng thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn về mùa khô tại nhiều vùng, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Việt Nam đã xây dựng và phát triển tương đối đồng bộ hệ thống công trình kết cấu hạ tầng nguồn nước cùng với hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ như các Luật: Thủy lợi, Đê điều, Phòng, chống thiên tai, Tài nguyên nước, Trồng trọt, Chăn nuôi, Lâm nghiệp, Bảo vệ môi trường, Đất đai, Biên giới quốc gia.... để quản lý, khai thác, tận dụng tối đa khả năng nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và phòng, chống lũ, lụt, và các tác hại khác do nước gây ra.
Nguồn nước giữ vai trò quan trọng trong bảo đảm sinh kế cho người dân đối với quốc gia nông nghiệp như Việt Nam. |
Theo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay cả nước có hơn 86.200 công trình thủy lợi, trong đó 6.750 hồ chứa, 27.754 cống các loại, 16.057 đập tạm; 900 hệ thống thủy lợi có quy mô phục vụ từ 200ha trở lên, 122 hệ thống thủy lợi vừa và lớn với diện tích phục vụ hơn 2.000ha. Cả nước cũng có hơn 30.000 cống, bọng tiêu các loại, hơn 28.000 trạm bơm. Bảo đảm nhiệm vụ tiêu cho 1,72 triệu ha đất nông nghiệp và một phần diện tích khu đô thị, công nghiệp.
Hệ thống công trình kết cấu hạ tầng nguồn nước đảm bảo cấp nước cho 4,28 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, 686.600 ha nuôi trồng thủy sản và khoảng 6,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp; đảm bảo cung ứng điện khoảng 37% tổng năng lượng điện của cả nước; phòng, chống lũ, lụt và bảo vệ cho hơn 23 triệu dân cùng toàn bộ hạ tầng xây dựng, công nghiệp, giao thông, quốc phòng, an ninh văn hóa, du lịch...; kiểm soát lũ cho hơn 1,2 triệu ha cơ sở hạ tầng và sản xuất nông nghiệp vùng lũ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long...
Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều dạng khan hiếm nước khác nhau – quá ít, quá nhiều, chất lượng kém và sử dụng quá mức. Nguồn nước mặt của nước ta phụ thuộc nhiều vào nguồn nước từ các quốc gia ở thượng nguồn. Hơn nữa, biến đổi khí hậu làm gia tăng các hình thái thời tiết cực đoan liên quan đến nước, tăng tính bất định, trái quy luật thông thường và khó dự báo; nguy cơ ngập do nước biển dâng. Ô nhiễm nguồn nước đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Để giải quyết thực trạng nguồn nước tại Việt Nam, tháng 6/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 với mục tiêu tổng quát là bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống, đồng thời điều hòa nhu cầu sử dụng nước của các ngành kinh tế khác, đặc biệt là khi tốc độ đô thị hóa tăng cao. Do đó, việc quản lý tài nguyên nước tổng hợp bền vững là một yếu tố then chốt ở Việt Nam và trên thế giới với việc vận dụng hiệu quả các sáng kiến liên quan đến nước nhằm hỗ trợ chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp, lương thực, thực phẩm và đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDG).
Mục tiêu phát triển bền vững “Đảm bảo nguồn cung cấp và quản lý bền vững tài nguyên nước và các điều kiện vệ sinh an toàn cho tất cả mọi người” (SDG6) đến năm 2030 có 6 mục tiêu SDGs cụ thể gồm các nội dung như: Hiệu quả sử dụng nước, giải quyết tình trạng khan hiếm nước, phục hồi các hệ sinh thái liên quan đến nước, sự tham gia của các cộng đồng địa phương nhằm cải thiện việc quản lý nước vốn đang được thực hiện thông qua các văn bản pháp quy của lĩnh vực tài nguyên nước hiện có như các quy trình vận hành liên hồ chứa có xem xét tính toán nước cho các hệ sinh thái liên quan; ưu đãi cho sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm và hiệu quả; thành lập các tổ chức lưu vực sông.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam cho rằng, trước tình trạng biến đổi khí hậu, Việt Nam phải chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp - lương thực nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho con người, bảo vệ hành tinh, đồng thời phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu. FAO cũng đang hợp tác với Việt Nam và các quốc gia khác trong việc thực hiện các nội dung chính của Chương trình Nghị sự Hành động vì Nước của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là liên quan đến xây dựng các Lộ trình Nước Quốc gia, xác định quyền sử dụng nước, quản lý rủi ro hạn hán, giám sát dữ liệu về nước và số liệu bốc thoát hơi nước. Chương trình Nghị sự này là một phần của Hội nghị Nước Liên hợp quốc năm 2023 mà FAO chủ trì.
Tài nguyên nước cần được khai thác hiệu quả, bền vững đồng thời ngăn chặn nguy cơ suy giảm nguồn nước. |
Thời gian tới, nhằm khai thác hiệu quả, ngăn ngừa tình trạng suy giảm chất lượng nguồn nước, cần hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước cũng như an toàn đập, hồ chứa nước. Đổi mới cơ chế tài chính và huy động nguồn lực cho xây dựng lộ trình thực hiện giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, dịch vụ khác; huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, trong đầu tư, quản lý, khai thác các công trình thủy lợi. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, điều tra cơ bản; chủ động phát triển, tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, cấp, tiêu, thoát nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Đồng thời, tăng cường phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; phòng, chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai liên quan đến nước; nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập; tăng cường hợp tác quốc tế.
Đáng chú ý, Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1622/QĐ-TTg là cột mốc quan trọng, đánh dấu quy hoạch ngành quốc gia đầu tiên được lập trong lĩnh vực tài nguyên nước, là định hướng điều hòa, phân bổ tài nguyên nước đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030.
Theo Quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, điều hòa, phân phối tài nguyên nước công bằng, hợp lý giữa các ngành, địa phương, các đối tượng khai thác, sử dụng nước theo quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, đảm bảo chiến lược phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Đến năm 2025, 100% lưu vực sông lớn, quan trọng có quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; bảo đảm nguồn nước góp phần nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt của dân cư đô thị đạt từ 95% đến 100% và 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch...
Kiểm soát cơ bản 90% các hoạt động khai thác, sử dụng nước; nâng cao hiệu quả, năng lực khai thác, sử dụng nước và giảm thất thoát nước trong hệ thống các công trình thủy lợi; giảm tỷ lệ thất thoát nước trong hoạt động cấp nước xuống 10%; khắc phục hiệu quả tình trạng hạn hán, thiếu nước vào mùa khô ở các lưu vực sông, các vùng khó tiếp cận nguồn nước, đặc biệt là các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa và các đảo...
Quy hoạch cũng đưa ra các yêu cầu bảo vệ, kiểm soát, ngăn chặn và giảm tình trạng gia tăng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; phấn đấu đến năm 2030 thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường đạt từ 30% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại II trở lên và 10% tại các đô thị từ loại V trở lên... Cải thiện, phục hồi các nguồn nước quan trọng bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, ưu tiên các đoạn sông chảy qua khu vực dân cư tập trung, các nguồn nước có vai trò quan trọng cho cấp nước sinh hoạt, các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội theo hướng xã hội hóa, nhất là trên dòng chính sông Hồng, sông Cả, sông Vu Gia-Thu Bồn và sông Ba...
Tầm nhìn đến năm 2050, nâng chỉ số an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh nguồn nước hiệu quả trên thế giới; hướng tới chủ động về nguồn nước trong mọi tình huống, dự báo, điều tiết nước, phòng ngừa lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó biến đổi khí hậu…
Nguồn:Khai thác hiệu quả, ngăn chặn tình trạng suy giảm nguồn nước