Khai thác lợi thế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu cà phê
Giá cà phê xuất khẩu quay về vùng giá cao nhất 28 năm Giá xuất khẩu cà phê năm 2024 được dự báo ra sao? |
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cà phê năm 2023 đạt 1,62 triệu tấn, giảm 8,7% so với năm 2022; nhưng kim ngạch đạt mức cao kỷ lục hơn 4,24 tỷ USD, tăng 4,6%. Giá cà phê xuất khẩu bình quân trong năm 2023 đạt 2.614 USD/tấn, tăng 14,5% so với năm 2022. Thời gian qua, thị hiếu tiêu dùng cà phê của người dân tại thị trường Liên minh châu Âu EU có sự thay đổi và hiệp định thương mại tự do song phương EVFTA giúp ngành cà phê Việt Nam gia tăng giá trị và tiếp tục mở rộng thị phần tại EU trong thời gian tới.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nhập khẩu cà phê nhân của Liên minh châu Âu (EU) sẽ phục hồi và tăng hơn 2,5 triệu bao so với niên vụ trước lên mức kỷ lục 47 triệu bao (60 kg/bao) trong niên vụ 2023/2024 (tháng 10/2023 - tháng 9/2024). Trong khi nhập khẩu cà phê rang và hòa tan dự kiến sẽ không đổi, lần lượt đạt 1,4 triệu bao và 3,7 triệu bao. Ngoài EU, một thị trường khác là Nhật Bản cũng tăng nhập khẩu cà phê Việt Nam. Dự báo năm 2024, ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá cà phê Robusta sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí có thể lập đỉnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Các chuyên gia cho biết, xuất khẩu cà phê sẽ tiếp tục thiết lập kỷ lục mới trong năm nay, khi mặt hàng này còn nhiều dư địa để duy trì mức giá cao. Cụ thể, giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới được dự báo sẽ không giảm cho đến khoảng hết nửa đầu năm 2024 do lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung cùng căng thẳng trên biển Đỏ; giá cà phê Arabica cũng chưa thể giảm do tồn kho đạt chuẩn vẫn đang rất thấp. Đặc biệt, nguồn cung cà phê thế giới trong năm 2024 được các cơ quan chuyên môn dự báo khá lo ngại khi sản lượng tại các quốc gia xuất khẩu đứng đầu đều giảm mạnh. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng tại hai quốc gia cung ứng lớn là Brazil và Indonesia giảm lần lượt 6,2% và 8% so với niên vụ 2022/2023.
Dự báo năm 2024, ngành cà phê Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá cà phê Robusta sẽ duy trì ở mức cao. |
Hiện tượng thời tiết El Nino trên vành đai Thái Bình Dương đã gây ra mối lo nguồn cung từ các quốc gia tại khu vực sản xuất Robusta lớn nhất thế giới. Tại Đông Nam Á, nguồn cung còn bị chậm trễ khi vận tải biển ách tắc, cùng với nông dân trữ hàng không bán. Bên cạnh lợi thế về giá, khả năng làm chủ thị trường xuất khẩu cà phê, đặc biệt là Robusta trong những tháng đầu năm 2024 sẽ đưa đến ưu thế kép trong quá trình gia tăng giá trị xuất khẩu. Indonesia dự kiến vẫn thu hẹp hoạt động xuất khẩu, đồng thời dư lượng cho cung ứng cà phê trong nửa đầu năm 2024 của Brazil giảm dần sau khi ồ ạt bán hàng trong nửa cuối năm 2023. Trong khi đó, cà phê của Việt Nam đang ở thời điểm dồi dào nguồn cung nhất trong năm khi hoạt động thu hoạch dự kiến kết thúc vào khoảng cuối tháng 1/2024.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam đã xác lập kỷ lục mới với kim ngạch đạt 4,24 tỷ USD trong năm 2023. Tháng đầu năm 2024, giá cà phê Robusta lại tiếp tục ghi thêm nhiều đỉnh mới. Năm 2022, Việt Nam đã xuất đi một lượng cà phê lớn kỷ lục trong khi sản lượng thu hoạch lại giảm 10-15% so với vụ trước, cho nên lượng cà phê sẵn sàng cho xuất khẩu năm 2023 thấp. Nhu cầu đối với Robusta tăng mạnh trước bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu vì lãi suất tăng cao và kinh tế ảm đạm, đã thúc đẩy giá tăng mạnh hơn.
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, niên vụ 2023/2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống 1,6 – 1,7 triệu tấn, thấp hơn so với 1,78 triệu tấn niên vụ 2022/2023. Trước những yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường nhập khẩu, đặc biệt là EU, năm 2024, ngành cà phê Việt Nam chú trọng nhiều giải pháp cho việc phát triển bền vững, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là việc đáp ứng quy định chống mất rừng EUDR của EU.
Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2024 dự báo có thể đạt mốc 4,6-5 tỷ USD. Hiện cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới. So với các nước sản xuất cà phê trên thế giới, diện tích cà phê của Việt Nam chỉ đứng thứ 6 sau các nước: Brazil tổng diện tích gần 1,9 triệu ha, Indonesia tổng diện tích trên 1,2 triệu ha, Colombia và Ethiopia hơn 800.000 ha, Bờ Biển Ngà gần 800.000 ha.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, để đạt mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê Việt, ngành cà phê cần được quan tâm đồng bộ với giải pháp tổng thể, trong đó, đẩy mạnh sản lượng và chất lượng vùng cà phê nguyên liệu, đồng thời, gia tăng tỷ lệ chế biến sâu. Đặc biệt, các địa phương cần quy hoạch vùng cà phê trọng điểm; đẩy mạnh tái canh, áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững mới đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu gắt gao của các thị trường hiện nay.
Nguồn:Khai thác lợi thế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu cà phê