Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo
Ứng dụng KH-CN để khai thác hiệu quả, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo bền vững |
Việt Nam có bờ biển dài khoảng 3.260 km, trong đó 28/63 tỉnh, thành tiếp giáp với vùng biển chủ quyền rộng khoảng một triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền. Biển Việt Nam tương đối giàu tài nguyên, các giá trị văn hóa - lịch sử. Tài nguyên biển và hải đảo bao gồm tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật thuộc khối nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng đất ven biển và quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
Các khu vực biển và ven biển của Việt Nam mang lại nguồn tài nguyên thủy sản to lớn với tổng sản lượng khai thác cho phép là 1,8 - 2,0 triệu tấn mỗi năm. Nhiều loài cá, tôm và mực có giá trị kinh tế cao và là sản phẩm xuất khẩu quan trọng. Có 14 ngư trường ở biển Đông là: Bạch Long Vĩ, Vịnh Bắc Bộ, Hòn Mát, Hòn Đá - Thuận An, Đông Đà Nẵng, Đông Quy Nhơn, Đông Bắc Cù Lao Thu, Nam Cù Lao Thu, Côn Sơn, Cửa sông Cửu Long, bờ biển Tây Nam, Tây Nam Phú Quốc, Nam Hoàng Sa và Tây Nam Trường Sa
Trong vùng biển, ven biển Việt Nam có hơn 20 hệ sinh thái điển hình, tiêu biểu là rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển với hơn 11.000 loài sinh vật cư trú, trong đó có khoảng 6.000 loài động vật đáy; 2.038 loài cá (có hơn 100 loài cá kinh tế); 653 loài rong biển; 657 loài động vật phù du; 537 loài thực vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn; 225 loài tôm biển; 14 loài cỏ biển; 15 loài rắn biển; 12 loài thú biển; 5 loài rùa biển và 43 loài chim nước,...
Các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển khác phân bố dọc theo bờ biển Việt Nam bao gồm cửa sông, đầm phá, bãi cát, ruộng lúa, đầm, ao nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, ở vùng ven biển Việt Nam cũng có hệ sinh thái đảo. Hầu hết trong số hơn 3000 hòn đảo nằm trong vùng biển của tỉnh Quảng Ninh, tạo thành Di sản Thế giới của Vịnh Hạ Long. Một số đảo lớn khác là Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Phú Quốc (Kiên Giang), Côn Đảo, Thổ Chu, được đặc trưng bởi nhiều hệ sinh thái đặc hữu và các loài đặc hữu. Đặc biệt, một số khu rừng đã được đưa vào danh sách các vườn quốc gia cần bảo vệ đa dạng sinh học đặc biệt.
Nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, giá trị của biển và hải đảo Việt Nam tạo thuận lợi cho nước ta phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển. |
Tài nguyên nước ở vùng ven biển Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Lượng mưa dao động từ khoảng 1.000 đến 3.000 mm mỗi năm, tạo ra nguồn nước phong phú. Nhiều hồ chứa tự nhiên và nhân tạo được phân bố ở các khu vực khác nhau, thuận lợi cho việc cung cấp nước ngọt quanh năm cho cuộc sống hàng ngày và sản xuất.
Dự trữ dầu khí của Việt Nam là lớn thứ tư ở Đông Nam Á, sau Malaysia, Indonesia và Philippines. Thăm dò gần đây đã xác định các bể chứa dầu khí tiềm năng như sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, v.v. Vùng duyên hải Việt Nam cũng giàu than và các khoáng sản khác. 500 mỏ với 64 loại khoáng sản đã được tìm thấy ở khu vực ven biển, bao gồm nhiên liệu, kim loại, phi kim, đá quý và nước khoáng. Nhiều mỏ thủy tinh chất lượng tốt có tại Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận ... với tổng trữ lượng khai thác trên 300 triệu tấn (dự trữ hơn 700 triệu tấn).
Tuy nhiên, tài nguyên, các nguồn lợi biển đang bị khai thác quá mức và thiếu bền vững. Đa dạng sinh học biển trên đà suy thoái nhanh. Chức năng sinh thái và năng suất sinh học của các hệ sinh thái biển bị ảnh hưởng. Nguồn lợi hải sản giảm nhanh, ở nhiều vùng biển gần bờ đã bị suy kiệt. Chất lượng nước biển đang có xu hướng suy giảm. Trước thực trạng này, Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh tài nguyên môi trường biển và hải đảo là nền tảng và nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, phải được khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu đáng kể; đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo được bảo vệ, duy trì và phục hồi; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa biển được bảo tồn và phát huy; tác động của thiên tai được hạn chế thấp nhất có thể, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng.
Đồng thời, quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, tăng diện tích các khu bảo tồn biển, khu vực biển, ven biển được bảo tồn đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, bao gồm các khu bảo tồn biển và ven biển; khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản, đường di cư của các loài thủy sản, các khu dự trữ sinh quyển, khu đất ngập nướcRAMSAR...; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000. Đến năm 2050, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lành, xã hội hài hoà với thiên nhiên.
Khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo cần chú trọng đến ảo đảm môi trường biển, các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo. Ảnh: TTX. |
Nhằm khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, việc phân vùng không gian biển được đánh giá là nhiệm vụ quan trọng, qua đó khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo về lợi ích khai thác, sử dụng tài nguyên giữa các ngành, các cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và sinh kế của người dân, bảo đảm môi trường biển, các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo được bảo vệ hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Trong đó, ưu tiên bố trí không gian biển cho các hoạt động sau: Phát triển du lịch sinh thái, du lịch địa chất thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa; du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 11 - 12%/năm, về khách quốc tế từ 8 - 10% /năm và khách nội địa từ 5 - 6%/năm; Phát triển hệ thống cảng biển xanh, thiết lập các khu vực biển đặc biệt nhạy cảm, tuyến hàng hải, có tính đến bối cảnh biến động trong khu vực và quốc tế. Các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp; các bến cảng tại các huyện đảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển đảo. Đảm bảo đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.140 đến 1.423 triệu tấn (trong đó hàng container từ 38 đến 47 triệu TEU); hành khách từ 10,1 đến 10,3 triệu lượt khách;
Tìm kiếm thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí, các dạng hydrocarbon phi truyền thống, các bể trầm tích tại các khu vực biển Việt Nam đảm bảo năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175 - 195 triệu TOE (tấn dầu quy đổi); Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, khai thác thủy sản xa bờ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản nhằm mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0 - 4,0%/năm; tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7,0 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn; Phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển và các đảo với các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ nền tảng, công nghệ nguồn. Phấn đấu số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 20%/năm;
Phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới thân thiện môi trường, đảm bảo tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp đạt 32,3%; Xác định các khu vực có thể lấn biển, đảo nhân tạo để phát triển kinh tế - xã hội và khu vực nhận chìm ở biển trong trường hợp các vật liệu nạo vét không đổ được trên bờ; Hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống cảng các, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, bảo đảm đủ công suất cho tàu cá thực hiện cập cảng, neo đậu.
Ưu tiên nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động, mô hình khai thác, sử dụng tài nguyên hiệu quả, thân thiện môi trường, các dự án đáp ứng tiêu chí kinh tế tuần hoàn, phù hợp với trữ lượng tài nguyên và sức chứa sinh thái; hạn chế các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên bằng các công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp, gây tổn hại đến tài nguyên, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học.
Thúc đẩy hoạt động đồng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chia sẻ trách nhiệm và quyền hưởng lợi trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo; đào tạo, hỗ trợ chuyển đổi nghề, đa dạng hóa sinh kế cho cộng đồng; bảo tồn các di sản văn hóa biển bằng các giải pháp chính sách, pháp luật, tài chính, nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị...
Nguồn: Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo