Khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế dược liệu
Gia Lai: Phú Thiện xây dựng thương hiệu sản phẩm dược liệu sấy khô Bảo tồn cây dược liệu quý sa sâm trên vùng đất cát Quảng Bình |
Huyện Cam Lộ là địa phương có tiềm năng lớn về cây dược liệu, có điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm dược liệu của tỉnh Quảng Trị. Cây dược liệu đã và đang mở hướng đi mới giúp người dân Cam Lộ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững. Tính đến tháng 4/2023, toàn huyện đã trồng được gần 280 ha cây dược liệu các loại có giá trị kinh tế cao. Trong đó, có gần 17 ha cây an xoa, năng suất bình quân đạt từ 15 - 17 tấn/ha/năm, doanh thu đạt từ 180-200 triệu đồng/năm.
Người dân ở huyện Cam Lộ đã liên kết với doanh nghiệp để trồng, tiêu thụ, chế biến sản phẩm từ cây an xoa, trong đó có sản phẩm cao an xoa. Từ năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp ở Cam Lộ đã xuất khẩu ba lô sản phẩm cao dược liệu an xoa sang thị trường Mỹ và Canada với tổng giá trị hơn 4,5 tỷ đồng.
Cây an xoa là một trong những cây dược liệu chủ lực được huyện Cam Lộ khai thác phát triển kinh tế dược liệu. Ảnh: NL. |
Năm 2021, cây an xoa được trồng thử nghiệm với diện tích 3,5 ha tại địa bàn các xã Cam Chính, Cam Thành và Cam Hiếu của huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Sau gần một năm xuống giống, cây dược liệu này tỏ ra thích ứng, phát triển tốt trên cả 3 vùng đất, gồm: đất đỏ bazan, đất bãi bồi ven sông và đất đồi. Cây an xoa là loài cây dược liệu này khá dễ trồng, ít sâu bệnh, năng suất cao và thu nhập gấp nhiều lần so với cây sắn. Trong quá trình chăm sóc, các hộ dân tư hệ thống tưới nhỏ giọt, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ bón phân chuồng và xử lý đất bằng chế phẩm vi sinh.
Đến nay, người trồng dược liệu trên địa bàn huyện Cam Lộ đã tự ươm giống, một doanh nghiệp đã đến liên kết, bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 12 nghìn đồng/kg. Để hỗ trợ người trồng cây an xoa, UBND huyện Cam Lộ đã trích ngân sách hỗ trợ vật tư đầu vào cho nông dân như giống, phân bón... Với mỗi ha cây an xoa, nông dân thu về từ 180 đến 200 triệu đồng/năm, cao hơn hàng chục lần so với trồng keo.
Trước đây, việc trồng và chế biến các sản phẩm từ dược liệu tại huyện Cam Lộ chỉ tồn tại một cách nhỏ lẻ, manh mún thì nay, cây dược liệu đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Đến nay, diện tích cây dược liệu trên địa bàn huyện hiện có trên 200 ha, một số cây có giá trị kinh tế cao như: quế, chè vằng, cà gai leo, cây an xoa, ba kích tím, đinh lăng, hà thủ ô đỏ.
Trong năm 2023, địa phương này tập trung quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, nhất là đối với cây dược liệu, phấn đấu xây dựng 1 - 2 mô hình điểm nhằm tạo điểm nhấn huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Tiếp tục chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển cây dược liệu; đồng thời tiếp tục theo dõi thí điểm trồng quế để có cơ sở xây dựng Đề án phát triển cây Quế trên địa bàn. Phát triển mạnh vùng dược liệu bằng việc mở rộng và nâng cao chất lượng các loại cây dược liệu hiện có và các cây dược liệu thử nghiệm có hiệu quả; mở rộng diện tích tràm năm gân lên quy mô 20 ha.
Tiếp tục tìm kiếm các loại cây mới, phát triển mạnh cây dược liệu theo hướng hữu cơ nhằm từng bước đưa Cam Lộ trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh, tạo những đột phát trong phát triển nhằm nâng cao giá trị sản xuất, đẩy nhanh tốc độ phát triển góp phần tăng thu nhập cho người dân. Huyện phấn đấu đến năm 2025 trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh Quảng Trị với quy mô 500 ha. Trong đó, tập trung phát triển một số cây dược liệu cho giá trị kinh tế cao như chè vằng 100 ha, an xoa 200 ha, cà gai leo 50 ha, tràm năm gần 100 ha và một số loại cây khác.
Ngoài cây an xoa, UBND huyện Cam Lộ hỗ trợ một phần cây giống cho người dân mở rộng trồng quế. Ảnh: AV. |
Tỉnh Quảng Trị hiện có khoảng hơn 3.550 ha cây dược liệu tập trung ở năm huyện: Hướng Hóa, Ðakrông, Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh. Qua khảo sát, cơ quan chức năng đã xác định có 14 loài cây dược liệu có tiềm năng phát triển gồm: Tràm các loại, nghệ, chè vằng, an xoa, thất diệp nhất chi hoa, giảo cổ lam, sâm cau, sả, dây thìa canh, sâm bố chính, cà gai leo, đảng sâm, quế.
Ðể nâng cao giá trị cho cây dược liệu, tỉnh Quảng Trị vừa đầu tư nghiên cứu chế biến sâu vừa gắn kết chặt chẽ với chương trình OCOP. Trong tổng số hơn 110 sản phẩm OCOP ở Quảng Trị giai đoạn từ năm 2019-2022, có gần một nửa sản phẩm là từ cây dược liệu hoặc có nguồn gốc nguyên liệu từ cây dược liệu như: Cà gai leo, chè vằng, an xoa. Giai đoạn từ năm 2022-2026, Quảng Trị dành hơn 52 tỷ đồng để thực hiện đề án khuyến khích phát triển dược liệu gắn với OCOP, với mục tiêu đến năm 2026, đưa diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đạt 4.500 ha. Trong đó, trồng mới ít nhất 1.000 ha, gồm 200 ha quy mô tập trung và 800 ha dưới tán rừng.
Tỉnh sẽ đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, từ đó, thu hút các dự án đầu tư sơ chế, chế biến dược liệu đạt tiêu chuẩn phục vụ cho việc tiêu thụ hết sản lượng nguyên liệu sản xuất; khuyến khích và hỗ trợ đầu tư thiết bị, công nghệ bào chế, chế biến dược liệu (thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu thô…) cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất để đủ điều kiện sản xuất tối thiểu theo yêu cầu. Toàn tỉnh có 34 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ dược liệu được công nhận và thị trường đón nhận. Quảng Trị đang chuyển hướng từ “sản xuất dược liệu” sang “kinh tế thảo dược” dựa trên lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, thị trường, giá trị gia tăng và nâng cao hiệu quả, hợp tác kinh tế.
Nguồn:Khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế dược liệu