Khai trương dự án lưu trữ CO2 dưới đáy biển tại Đan Mạch
Đan Mạch lần đầu tiên cấp giấy phép lưu trữ CO2 tại Biển Bắc Thụy Sĩ: Thu giữ CO2 từ không khí và lưu trữ ở dạng đá dưới lòng đất |
Ngày 8/3, Đan Mạch đã khai trương dự án lưu trữ khí thải CO2 ở độ sâu 1.800m dưới Biển Bắc, trở thành nước đầu tiên trên thế giới chôn khí thải CO2 nhập khẩu từ nước ngoài.
Dự án Greensand sử dụng một mỏ dầu đã khai thác do tập đoàn hóa chất Ineos của Anh và tập đoàn dầu mỏ Wintershall Dea của Đức thực hiện, dự kiến đến năm 2030 cất giữ tới 8 triệu tấn khí thải CO2/năm. Hồi tháng 12/2022, dự án này được cấp phép bắt đầu giai đoạn thử nghiệm.
Các dự án thu giữ và lưu trữ khí thải CO2 (CCS) - hiện vẫn còn sơ khai và tốn kém - có mục đích thu giữ và sau đó lưu trữ CO2 để giảm thiểu tình trạng ấm lên toàn cầu. Khoảng 30 dự án hiện đang hoạt động hoặc đang được phát triển tại châu Âu.
Một nhà ga tiếp nhận carbon dioxide hóa lỏng đang được xây dựng ở Na Uy, khi nước láng giềng Đan Mạch động thổ dự án lưu trữ CO2. Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, không giống các dự án lưu trữ CO2 từ các khu công nghiệp ở gần, dự án Greensand thu giữ CO2 được chuyển đến từ các khu vực ở cách xa.
Với các dự án tương tự, trước tiên CO2 được thu giữ tại nguồn, tiếp đó được hóa lỏng (trong trường hợp Greensand là hóa lỏng tại Bỉ), sau đó được vận chuyển - hiện tại bằng tàu thủy nhưng tiến tới có thể vận chuyển qua đường ống - và lưu trữ trong các bể chứa như các hang địa chất hoặc các mỏ dầu khí đã khai thác cạn.
Tại dự án Greensand, khí thải CO2 được vận chuyển trong những thùng container chuyên dụng đến mỏ Nini West và tại đây sẽ được bơm vào bể chứa ở độ sâu 1,8 km dưới đáy biển. Một khi giai đoạn thử nghiệm hoàn tất, dự án sẽ sử dụng mỏ Siri bên cạnh.
Đan Mạch đặt mục tiêu đạt trung hòa khí thải CO2 vào năm 2045. Nhà chức trách nước này cho biết phương thức trên là công cụ rất cần thiết trong bộ công cụ chống biến đổi khí hậu của nước này.
Gần địa điểm đặt Greensand, tập đoàn TotalEnergies của Pháp cũng đang nghiên cứu khả năng chôn khí thải CO2 nhằm lưu trữ 5 triệu tấn/năm vào năm 2030.
Ở nước Na Uy láng giềng, các cơ sở thu giữ và lưu trữ khí thải CO2 đã được đưa vào hoạt động để cân bằng phát thải CO2 trong nước, tuy nhiên nước này cũng sẽ nhận nhiều tấn khí thải CO2 hóa lỏng trong thời gian vài năm tới, được vận chuyển từ châu Âu bằng tàu biển. Là nước sản xuất dầu lớn nhất Tây Âu, Na Uy cũng có tiềm năng lớn nhất về lưu trữ khí thải CO2 trên lục địa, đặc biệt là ở các mỏ dầu đã khai thác cạn kiệt.
Theo Cơ quan môi trường châu Âu (EEA), các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) phát thải 3,7 tỷ tấn khí thải CO2 chỉ riêng trong năm 2020 - năm chứng kiến hoạt động kinh tế giảm do dịch COVID-19.
Lâu nay được xem là giải pháp phức tạp ít được sử dụng, thu giữ khí thải CO2 được Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IEA) thúc đẩy, coi đây là giải pháp cần thiết.
Tuy nhiên, đây chưa thể là một phương thuốc thần kỳ cho tình trạng ấm lên toàn cầu.
Theo tổ chức nghiên cứu IEEFA của Australia, bản thân quá trình thu giữ và lưu trữ khí thải CO2 cũng phát thải lượng khí CO2 tương đương 21% lượng CO2 thu giữ được. Và công nghệ này không phải là không có rủi ro, theo đó có khả năng rò rỉ có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
Nguồn:Khai trương dự án lưu trữ CO2 dưới đáy biển tại Đan Mạch