Khánh Hòa khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển
Khánh Hòa là tỉnh ven biển, có lợi thế vượt trội và tiềm năng phát triển kinh tế biển lớn khi nằm gần tuyến đường hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, có thềm lục địa hẹp, sườn lục địa dốc với khoảng 200 hòn đảo lớn, nhỏ và các vịnh ven bờ nổi tiếng, cùng với quần đảo Trường Sa ở ngoài khơi.
Không chỉ vậy, vùng biển, đảo và vùng ven biển Khánh Hòa có hệ sinh thái đa dạng, giàu tiềm năng, với nguồn tài nguyên thiên nhiên biển phong phú, bao gồm cả cảnh quan biển, đảo - tiền đề cho phát triển đa dạng các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, nhất là du lịch biển, cảng biển, đánh cá, nuôi trồng thủy, hải sản. Tỉnh Khánh Hòa còn có vị thế địa - chiến lược quan trọng, nơi có huyện đảo Trường Sa, quân cảng Cam Ranh, cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế Vân Phong,… cùng với các giá trị mang tầm cỡ khu vực của vịnh biển Nha Trang và là một trong năm trung tâm nghề cá của cả nước.
Bởi vậy, khai thác tiềm năng tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh được tỉnh Khánh Hòa đặt vào vị trí ưu tiên xuyên suốt, mang tầm chiến lược. Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, năm 2024, tỉnh đã hoàn thành đạt và vượt 22/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra hồi đầu năm. Trong đó, một số chỉ tiêu quan trọng như tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 10,16% so với năm 2023, xếp thứ 7 cả nước và xếp thứ 2 vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.044,7 triệu USD, tăng 16,5% so với năm 2023.
Thu ngân sách nhà nước đạt 20.100 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2023, trong đó thu nội địa đạt 17.321,8 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2023; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 80.569 tỷ đồng, tăng 13,1% so với năm 2023… Trong năm 2024, nhiều quy hoạch quan trọng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở để quản lý, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực như: Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045, Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040…Tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ phủ kín các quy hoạch phân khu (hiện đã có 4/19 quy hoạch phân khu tại Khu kinh tế Vân Phong, 3 quy hoạch phân khu tại huyện Cam Lâm và 2 quy hoạch phân khu tại TP. Nha Trang được phê duyệt). Điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất theo quy định.
Nuôi trồng thuỷ sản trên biển Khánh Hoà mang lại thu nhập ổn định cho người dân. (Ảnh minh hoạ). |
Nhiều dự án đầu tư trọng điểm, quy mô lớn được đẩy nhanh tiến độ triển khai hoàn thành và đi vào hoạt động, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2024, Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 của Tập đoàn Sumimoto (Nhật Bản) chính thức đi vào vận hành.. Đây là dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa đến thời điểm hiện nay, với tổng mức đầu tư gần 2,58 tỷ USD, gồm 2 tổ máy với công suất lắp đặt 1.432 MW, góp phần đưa tổng giá trị sản phẩm ngành công nghiệp năm 2024 của tỉnh tăng 18,5% so với năm 2023.
Bên cạnh đó, nhiều công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia cũng được tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công. Địa phương đã khởi công xây dựng nhiều công trình trọng điểm khác như đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận; đường ven biển từ xã Vạn Lương (huyện Vạn Ninh) đến thị xã Ninh Hòa; nâng cấp mở rộng tuyến Tỉnh lộ 1B…
Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khánh Hòa, tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tận dụng tối đa những cơ chế, chính sách đặc thù.
Trong đó, nhiệm vụ được xem là quan trọng hàng đầu là đẩy nhanh tiến độ lập, hoàn thành phê duyệt các quy hoạch, làm cơ sở để thu hút nhà đầu tư chiến lược, triển khai thực hiện chính sách thu hồi đất tại Khu kinh tế Vân Phong, huyện Cam Lâm và các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược tại Khu kinh tế Vân Phong.Bên cạnh đó, tỉnh cũng quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tăng cường xúc tiến đầu tư, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các tập đoàn, nhà đầu tư lớn đến từ các quốc gia có nền khoa học công nghệ tiên tiến như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Qua đó, mở rộng cơ hội tìm kiếm, thu hút các dự án đầu tư về đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin, công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, logistics…, phù hợp với lĩnh vực ưu tiên thu hút theo Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội.
Trong giai đoạn tới, Khánh Hoà đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư để phát triển đột phá. (Ảnh minh hoạ). |
Đến nay một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, đối với các cơ chế, chính sách về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, căn cứ Quyết định số 756/QĐ-TTg ngày 1/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa được bổ sung 60,4 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương theo Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội, cùng với nguồn thưởng vượt thu năm 2023 với số tiền là 9,4 tỷ đồng. Tỉnh đã thống nhất phân bổ số vốn trên để thực hiện dự án mua sắm trang thiết bị y tế nhằm nâng cao năng lực y tế, chất lượng chăm sóc sức khỏe của người dân. Tỉnh đã thực hiện phân bổ 186,6 tỷ đồng nguồn tăng thu các huyện, thị xã, thành phố để hỗ trợ huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và đầu tư các công trình, dự án có tính liên kết, kết nối các địa bàn xã, cải thiện đời sống người dân, thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Về quản lý đất đai, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành các nghị quyết cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa (dưới 500 ha) sang mục đích khác để thực hiện Dự án Cụm công nghiệp Diên Thọ (giai đoạn II);
Năm 2025, tỉnh Khánh Hòa đã có kế hoạch cụ thể để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, phát triển toàn diện, mạnh mẽ, hoàn thành mục tiêu quan trọng của Bộ Chính trị đặt ra đối với tỉnh là trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Cùng với đó, để phát huy vai trò là trung tâm liên kết vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Khánh Hòa đã chủ động tổ chức liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh trong khu vực.
“Tỉnh đã tích cực trong việc đề xuất, tham gia góp ý đối với các cơ chế, chính sách đặc thù của vùng, nhất là các chính sách về cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, sử dụng đất, mặt nước, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ để thu hút doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư hoạt động và hợp tác hình thành cụm liên kết ngành kinh tế biển. Sau khi các cơ chế, chính sách đặc thù được thông qua sẽ tạo điều kiện cho toàn vùng nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng bứt phá”, Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa chia sẻ…
Với lợi thế kinh tế biển, trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa tập trung vào các ngành kinh tế mũi nhọn như đánh bắt, nuôi trồng, chế biến sâu các loại thủy, hải sản. Đồng thời, tăng cường phát triển các cụm đảo, các khu du lịch biển, đảo; phát triển các hệ thống cảng biển, dịch vụ logistics để trung chuyển hàng hóa thông qua thu hút mạnh các nhà đầu tư.
Nguồn:Khánh Hòa khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển