Khi nào nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ đạt đỉnh?
Liệu đầu tư vào năng lượng mặt trời sẽ sớm "vượt mặt" khai thác dầu mỏ? IEA: Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng lên mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2023 |
Tình hình tiêu thụ
Trong vòng 5 năm tới, IEA dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm đáng kể “chừng nào mà quá trình chuyển dịch năng lượng vẫn còn diễn ra”. Dựa trên những chính sách hiện tại và xu hướng thị trường, trong giai đoạn năm 2022 - năm 2028, nhu cầu này có thể tăng 6% và đạt 105,7 triệu thùng/ngày vào thời điểm 5 năm tới.
Mức tăng trưởng nhu cầu tiệu thụ dầu đang giảm dần so với giai đoạn cùng kỳ năm trước: Theo đó, mức tiêu thụ toàn cầu dự kiến sẽ tăng 2,4 triệu thùng/ngày trong năm 2023 (so với năm 2022). Còn vào năm 2028, mức tăng trưởng chỉ là 0,4 triệu thùng/ngày (so với năm 2027). Ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành của IEA, thậm chí còn cho rằng " nhu cầu dầu của thế giới có thể sẽ đạt đỉnh trước khi thập kỷ này kết thúc".
IEA dự kiến, mức tiêu thụ dầu trong ngành giao thông vận tải sẽ giảm sau năm 2026 (và từ năm 2023 đối với xăng), chủ yếu là do xe điện phát triển. Bù lại, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hóa dầu lại tăng rất mạnh. Những sản phẩm LPG, ethane và naphtha có thể sẽ chiếm hơn một nửa tỷ lệ gia tăng nhu cầu dầu toàn cầu trong giai đoạn năm 2022 - năm 2028.
Về mặt địa lý, IEA dự kiến: Vào giai đoạn năm 2022 – 2028, mức tiêu thụ dầu sẽ suy giảm tại châu Âu (-0,6%/năm) và Bắc Mỹ (-0,8%/năm).
Cơ quan cũng nhấn mạnh, giá dầu tiếp tục có ảnh hưởng lên nhu cầu trong tương lai (theo giả định của kịch bản chính mà IEA lấy làm tham khảo, giá dầu thô Biển Bắc là 76 USD/thùng xuyên suốt giai đoạn năm 2022 - 2028). Còn trong kịch bản “giá cao” (giá tăng +2,5%/năm), nhu cầu dầu toàn cầu năm 2028 có thể giảm 430.000 thùng/ngày so với kịch bản chính. Ngược lại, nếu xảy ra kịch bản giá dầu giảm, nhu cầu tiêu dùng sẽ đẩy mạnh (+670.000 thùng/ngày vào năm 2028 so với kịch bản chính).
Khai thác
Theo IEA, những quốc gia khai thác dầu lớn đang “duy trì kế hoạch tăng cường năng lực khai thác ngay cả khi tăng trưởng nhu cầu đang chậm lại”. Từ năm 2023 cho đến năm 2028, dự kiến Mỹ sẽ là quốc gia có năng lực khai thác tăng cao nhất (+2,6 triệu thùng/ngày). Ở mức độ thấp hơn, ta còn có Brazil (+1,0 triệu thùng/ngày) và Guyana (+0,9 triệu thùng/ngày). Trong OPEC+, năng lực khai thác của Ả Rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Iraq sẽ gia tăng, dự kiến để bù đắp vào lượng dầu thô đã bị cắt giảm từ những thành viên khác của nhóm xuất khẩu dầu mỏ lớn này.
IEA ước tính, tổng cộng, thị trường dầu mỏ sẽ có "công suất chưa sử dụng ít nhất là 3,8 triệu thùng/ngày" vào năm 2028.
Đáng chú ý, như những lần khác, IEA khẳng định có nhiều yếu tố không chắc chắn đang đè nặng lên những dự báo của họ, kể cả trong trung hạn. Trong số những "rủi ro" đã được xác định, có điều kiện kinh tế không chắc chắn, những quyết định của OPEC+ và kế hoạch lọc dầu của Trung Quốc.
Gần đây, Ả Rập Xê-út – quốc gia dẫn đầu OPEC+, đã công bố quyết định mới về việc cắt giảm hạn ngạch sản lượng dầu để thúc đẩy giá dầu. Quốc gia này cũng có kế hoạch nâng công suất khai thác lên 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027, bằng cách tập trung mở rộng những mỏ dầu khổng lồ của nước này.
Nguồn:Khi nào nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ đạt đỉnh?