Khi nhựa dùng một lần trở thành kẻ thù của thế giới
Các nước “tuyên chiến” với nhựa dùng một lần
Gần đây, Thái Lan đã cấm dùng bao bì bằng xốp và nhựa dùng một lần trong các vườn quốc gia khi thảm họa rác thải không ngừng đe dọa cuộc sống động vật hoang dã. Các vùng biển ngoài khơi bờ biển Thái Lan đang ô nhiễm nhựa nghiêm trọng. Đại dịch Covid-19 đã kéo theo sự gia tăng chất thải nhựa khi nhu cầu về thực phẩm mang đi ngày càng tăng.
Rác thải nhựa trở thành vấn đề nghiêm trọng của thế giới khi số lượng nhựa tiêu thụ đã tăng gấp bốn lần trong vòng 30 năm qua - Ảnh: Getty Images |
Tổ chức Hòa bình xanh Thái Lan giải thích, nhựa có thể làm tắc ruột động vật và gây rối loạn hệ tiêu hóa. Những con voi ở Vườn Quốc gia Khao Yai (cách Bangkok ba giờ lái xe về phía đông bắc) được cho là đã ăn bao bì và túi ni-lông; hậu quả là chúng khó tiêu, chán ăn. Rác thải nhựa trên đất liền cũng có thể bị cuốn vào các đường dẫn nước, đe dọa hệ sinh thái sông và sinh vật biển. Thái Lan đã cấm bán túi nhựa dùng một lần tại các siêu thị và cửa hàng bách hóa vào năm 2020 nhưng chúng vẫn được các hàng ăn đường phố, quán cà phê, chợ và các nhà bán lẻ nhỏ sử dụng. Chính phủ muốn chuyển sang sử dụng 100% nhựa tái chế vào năm 2027.
Tương tự ở Ấn Độ, lệnh cấm đối với hầu hết các loại nhựa dùng một lần sẽ có hiệu lực từ tháng 07/2022. New Delhi cũng đang tìm cách giải quyết những vấn đề quan trọng khác như chính sách điều chỉnh việc sử dụng các chất thay thế nhựa, cải thiện hệ thống tái chế và quản lý phân loại chất thải tốt hơn.
Theo cuộc thăm dò ý kiến của công ty nghiên cứu thị trường IPSOS với hơn 20.000 người tham gia tại 28 quốc gia, 3/4 người dân thế giới muốn đồ nhựa dùng một lần bị cấm càng sớm càng tốt. Trên thực tế, nhiều quốc gia đã cấm sử dụng nhựa dùng một lần. Từ tháng 07/2021, Chỉ thị về nhựa sử dụng một lần tại Liên minh châu Âu (EU) cấm một số loại nhựa dùng một lần nếu có sẵn sự lựa chọn thay thế.
Đối với các mặt hàng nhựa dùng một lần khác, các quốc gia thành viên EU phải hạn chế sử dụng thông qua các biện pháp giảm tiêu thụ, đặt mục tiêu tái chế riêng đối với chai nhựa, yêu cầu thiết kế đối với chai nhựa và nhãn dán để thông báo cho người tiêu dùng.
Sản phẩm bao bì mới từ protein bắp do nhóm các nhà khoa học Mỹ và Singapore chế tạo |
Ngoài ra, chỉ thị mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, buộc họ trả các chi phí quản lý chất thải, thu thập dữ liệu và nâng cao nhận thức đối với một số sản phẩm nhất định. Hy Lạp cũng đã cấm nhiều loại nhựa dùng một lần kể từ tháng 07/2021 với hai mục tiêu chính: giảm 30% mức sử dụng vào năm 2024 và 60% vào năm 2026. Ngoài ra còn có kế hoạch giảm việc sử dụng chai nước nhựa vào năm 2024.
Tác động đến sức khỏe
Vì nhựa rẻ, nhẹ và dễ sản xuất, nó đã dẫn đến sự bùng nổ sản phẩm nhựa trong thế kỷ qua và dự kiến còn tiếp tục trong những thập niên tới. Tuy nhiên, các quốc gia hiện đang gặp khó khăn trong việc quản lý lượng rác thải nhựa họ đã tạo ra. Bên cạnh nguy cơ đối với môi trường tự nhiên, nhựa đã dần đi vào cơ thể con người, gây ra những mối lo ngại trực tiếp về sức khỏe. Một số nghiên cứu gần đây báo cáo những phát hiện mới về vi nhựa trong cơ thể con người, góp phần dẫn đến viễn cảnh đáng lo ngại về tác động từ những mảnh nhựa nhỏ xíu nằm sâu trong phổi hoặc bơi theo dòng máu đến các cơ quan trong cơ thể.
Dù tại thời điểm này, y học vẫn chưa thể chứng minh rõ ràng hạt vi nhựa nguy hiểm cho cơ thể, không loại trừ khả năng chúng có thể gây bất lợi cho sức khỏe. Theo một nghiên cứu của World Wide Fund for Nature, hầu hết người dân trên thế giới có thể ăn khoảng 5g nhựa mỗi tuần (tương ứng trọng lượng một thẻ tín dụng).
Sản phẩm từ lá chuối của Công ty Banana Leaf Technology (Ấn Độ) có thể giữ hình dạng đến ba năm |
Vì nhựa không phân hủy, chúng chỉ vỡ ra thành các mảnh nhỏ hơn mà con người vô tình ăn phải hoặc hít vào. Albert A. Rizzo - Giám đốc y tế của Hiệp hội Phổi Mỹ - cho hay với các vi hạt nhựa lơ lửng trong không khí, phổi là “tuyến phòng thủ đầu tiên” khi chúng xâm nhập vào cơ thể. Len Horovitz - bác sĩ chuyên khoa phổi tại Bệnh viện Lenox Hill và Weill Cornell ở New York (Mỹ) - cho biết: “Với đồ nhựa, bạn đừng quên nguy cơ gây ung thư. Vi nhựa cũng có thể gây ra rủi ro lớn hơn cho một số người. Những người làm việc trong lĩnh vực xây dựng hoặc có sở thích cắt, lắp ráp đồ nhựa nên đặc biệt cẩn thận, tốt nhất nên đeo khẩu trang N95 để lọc không khí”.
Lượng tiêu thụ nhựa toàn cầu đã tăng vọt trong vài thập niên qua. Theo chương trình môi trường của Liên Hiệp Quốc, chưa đến 10% trong số 7 tỷ tấn nhựa sản xuất trên khắp thế giới được tái chế. Nhựa cũng đã xâm nhập vào nguồn hải sản. Một nghiên cứu gần đây cho thấy những mẩu nhựa có kích thước nhỏ hơn 5mm được phát hiện trong loài vẹm xanh ở vùng biển phía nam nước Úc.
Lựa chọn thay thế nhựa
Nhiều doanh nghiệp hiện đang ứng dụng những cách thức mới để thiết kế và sản xuất sản phẩm, cố gắng giảm bớt vật liệu đóng gói và phụ kiện từ nhựa. Điều này hình thành một làn sóng các giải pháp thay thế thân thiện với môi trường; từ nhựa có thể tái chế đến bao bì phân hủy sinh học. Ở châu Á, lá chuối thường được sử dụng để đóng gói thực phẩm. Tuy nhiên, chúng rất dễ bị phân hủy. Một nhà phát minh trẻ người Ấn Độ đã tìm cách chế biến lá chuối thành vật liệu đóng gói và giữ các đặc tính kết cấu của nó đến ba năm.
Công ty Banana Leaf Technology bắt đầu được ươm mầm vào năm 2010 khi Tenith Adithyaa (11 tuổi) chứng kiến những nông dân ở miền Nam Ấn Độ đổ đống lá chuối như rác do thiếu công nghệ bảo quản. Sau nhiều cuộc thử nghiệm, chàng trai trẻ đã thành công trong việc bảo quản những chiếc lá chuối trong khoảng một năm mà không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào. Sau bốn năm, anh đã hoàn thiện công nghệ trên và nhận được giải thưởng quốc tế đầu tiên cho công nghệ bảo quản lá chuối vào năm 2014, tại hội chợ phát minh toàn cầu ở Texas (Mỹ).
Mới đây, một nhóm nhà khoa học từ Trường Y tế Công cộng Đại học Harvard T.H. Chan (Mỹ) và Đại học Công nghệ Nanyang (NTU - Singapore) đã phát triển loại bao bì thực phẩm có thể phân hủy sinh học làm từ protein bắp và các chất phân hủy sinh học có nguồn gốc tự nhiên khác, phủ hỗn hợp dầu kháng khuẩn tự nhiên giúp kéo dài thời hạn sử dụng của trái cây đến ba ngày so với hộp nhựa truyền thống.
Trong khi đó, W-Cycle - một công ty khởi nghiệp về công nghệ thực phẩm của Israel - cũng vừa phát triển SupraPulp, loại vật liệu đóng gói làm từ bã mía, hoàn toàn có thể phân hủy, an toàn nhưng đủ bền để sử dụng cho thực phẩm nhiều dầu mỡ, ẩm ướt, nóng. Thực phẩm đóng gói với SupraPulp có thể được đông lạnh hay làm nóng bằng lò nướng, nồi hấp, lò vi sóng đến 270°C và đông lạnh đến -40°C. Sau khi sử dụng, bao bì có thể được xử lý như rác hữu cơ.
Theo công ty tư vấn doanh nghiệp Mordor Intelligence tại Ấn Độ, thị trường bao bì phân hủy sinh học được định giá 81,70 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ đạt 118,85 tỷ USD vào năm 2026. Sự gia tăng nhu cầu chủ yếu từ xu hướng sử dụng thực phẩm đóng gói trên toàn cầu trong đại dịch COVID-19. Với rất nhiều sự lựa chọn thay thế thân thiện với môi trường và có giá thành rẻ, ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra cơ hội trong việc chuyển đổi bao bì “xanh” nhằm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Nguồn: Khi nhựa dùng một lần trở thành kẻ thù của thế giới