Khi tiết kiệm điện cũng là chấp hành pháp luật
Đến năm 2030, 50% tòa nhà công sở và nhà dân sử dụng điện mặt trời Bộ Công thương xin lỗi nhân dân vì để thiếu điện |
Chuyện tiết kiệm điện khi thời tiết mát mẻ, mưa gió thường ít khi xuất hiện. Cứ khi nắng như lửa táp vào mặt thì có vẻ như là cơ hội cho việc bàn chuyện tiết kiệm điện, một số người nhanh lời bảo vậy.
Cũng có người nói, tiết kiệm điện là … gì vậy. Mà… chuyện này xưa quá rồi.
“Tôi dùng thì tôi trả tiền, có gì đâu mà nói chuyện tiết kiệm ở đây”, đó dường là lý do đích đáng cuối cùng.
Nhưng cũng lại có người nghĩ khác. Rằng tiết kiệm điện luôn là chuyện của ngày hôm nay thì phải. Chẳng cũ tí nào.
Gần xứ Việt ta như Trung Quốc, Nhật Bản và xa hơn như ở bên châu Âu, nghĩa là những nước có kinh tế phát triển hơn ta, điện năng dồi dào hơn, nhu cầu cuộc sống cao hơn vẫn thấy bàn chuyện tiết kiệm điện, lo mất điện ngay từ khi bước chân khỏi taxi, tàu điện ngầm để đến công sở hay về nhà.
Ảnh minh hoạ |
Hoá ra câu chuyện tiết kiệm điện không phụ thuộc vào mức sống mà phụ thuộc vào điều được gọi là ý thức công dân.
Có nhiều khía cạnh làm nên điều được gọi là ý thức công dân. Nhưng để không đẩy câu chuyện đi quá xa ở đây chỉ xin bàn đến khía cạnh quen thuộc như đã từng được tung hô trong tác phẩm “Ba chàng ngự lâm” của A. Dumas theo đó “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.
Câu chuyện của ba chàng lính ngự lâm thế kỷ XIX vẫn hoàn toàn áp dụng được cho câu chuyện thế kỷ XXI hôm nay đó là điện. Khi dòng điện phát lên luới đi muôn nẻo, những điện tích trên đường dây không thể biết mình sẽ đến đâu, đô thị hay làng quê, nhà giàu hay nhà nghèo. Điện cho mọi người dù kinh tế, hầu bao thế nào đều có cơ hội được tiếp cận. Và ngược lại khi được tiếp cận, người ta luôn cần ý thức rằng việc khi bản thân nhiều cơ hội tiếp cận hơn vì một lý do nào đó cũng tức là người khác sẽ ít cơ hội tiếp cận hơn.
Điện là một mặt hàng tiêu dùng đặc biệt, đặc biệt vì nó chưa thể lưu trữ, sản xuất ra đến đâu dùng đến đó. Các chuyên gia, nhà kinh tế vẫn bảo thế!
Nhưng để làm nên điều đặc biệt đó lại chính là do mối quan hệ rất nhiều đến cái ý thức công dân ở trên bởi điện cũng như thời gian: những kW điện bạn đã dùng sẽ không bao giờ còn quay lại với bạn.
Khi thể hiện ý thức công dân của bạn chẳng hạn trong việc dùng điện, cần nhớ là không chỉ mình ta dùng điện. Còn nhiều, rất nhiều người cũng như ta có khi chỉ dùng điện thắp một bóng điện để hoàn thành nốt công việc tối thiểu của thời gian cuối ngày khi mà quanh ta: tivi cỡ lớn đang chạy một chương trình phim Neflix, chiếc điều hoà hàng chục ngàn BTU đang phả ra những luồng gió mát, ngoài kia vợ đang nấu món súp trên chiếc bếp từ, còn con gái đang bận sấy mái tóc vừa gội.
Nếu sống chậm một chút hẳn ta đã có thể nghĩ rằng, không phải tất cả mọi người đều được như ta. Và cũng rằng, nếu ai đó có một phút sống chậm như thế hẳn ý thức công dân đã thăng hoa trong họ.
Ý thức công dân cao nhất chính là chấp hành pháp luật. Vẫn biết rằng đôi khi chấp hành pháp luật không phải là lựa chọn dễ dàng.
Bằng phép suy diễn toán học đơn giản, đến đây hẳn bạn đã rõ rằng, tiết kiệm điện chính là chấp hành pháp luật.
Hãy luôn chấp hành pháp luật trong mọi hoàn cảnh, ít nhất cũng bắt đầu từ việc tiết kiệm điện.
Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành mới đây đã khơi dậy ý thức công dân cũng như ý thức tiết kiệm điện rất rõ. Ai cũng có thể thực hiện được, ai cũng có thể làm được.
Xin có vài lời lạm bàn như thế khi mà việc căng thẳng trong cung ứng điện đã dịu đi phần nào nhưng chưa hẳn là đã hết.
Nguồn:Khi tiết kiệm điện cũng là chấp hành pháp luật