Không khí ở Hà Nội đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng ô nhiễm không khí trên thế giới
Công nghệ màng gel mới giúp tạo ra nước sạch từ không khí Những điểm du lịch không nên bỏ qua ở Thái Nguyên |
Sáng 14/9, trên ứng dụng AirVisual (sản phẩm của Tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí, có trụ sở chính tại Thụy Sĩ), Hà Nội đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng ô nhiễm không khí của các thành phố lớn trên thế giới. Dubai (các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất) và Lahore (Pakixtan) lần lượt đứng thứ 1 và 2 về mức độ ô nhiễm không khí với chỉ số AQI là 181 và 177. Hà Nội có chỉ số AQI 164, đứng thứ 3 thế giới về mức độ ô nhiễm không khí, trên cả thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc).
Bản đồ chất lượng không khí theo thời gian thực của AirVisual. |
Theo bản đồ chất lượng không khí, tại khu vực Hà Nội, nhiều điểm có mức ô nhiễm cảnh báo màu tím (mức rất nguy hại cho sức khỏe) như Nam Từ Liêm có chỉ số AQI 199, đường Âu Cơ (Tây Hồ) có chỉ số 185. Nhiều khu vực có cảnh báo màu đỏ như bán đảo Linh Đàm 159, phố Nguyễn Duy Trinh 179, Láng Hạ 181, Bắc Từ Liêm 170…
Thời điểm 9h sáng 14/9, trên ứng dụng PamAir, chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội cũng thể hiện ô nhiễm khá nghiêm trọng với điểm có chỉ số cao nhất là Ngọc Thụy (Long Biên) 227, đường Lê Văn Lương 207, đây đều là những mức cảnh báo màu tím – cực kỳ nguy hại cho sức khỏe. Khu vực trường Đại học Ngoại ngữ là 158, Bệnh viện E là 182, Nhân Chính 151, Vĩnh Hồ 192, Giảng Võ 186, Học viện Tài Chính 157… là những điểm cảnh báo ô nhiễm không khí mức nguy hại.
Các tỉnh, thành phố gần với Hà Nội về phía Đông cũng có tình trạng chất lượng không khí rất xấu. Chỉ số AQI ở Bắc Ninh là 190 (điểm ở TT. Hồ lên tới 199) , Bắc Giang 171, Hải Dương 158…
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội bắt đầu xuất hiện từ hôm qua (13/9). Các ứng dụng quan trắc chất lượng không khí ở Hà Nội cho thấy nhiều điểm ở mức đỏ (có hại), thậm chí có điểm ở mức nâu (nguy hiểm - tất cả mọi người có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe).Thời điểm lúc hơn 9 giờ sáng ngày 13/9, ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường) ghi nhận cả 2 điểm quan trắc tại Hà Nội đều ô nhiễm.
Điểm 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) không khí ô nhiễm ở mức đỏ - những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Điểm Chi cục Bảo vệ môi trường (quận Đống Đa) ở mức cam.
Trên ứng dụng AirVisual, một số điểm quan trắc ở Hà Nội xuất hiện ô nhiễm ở mức đỏ. Đặc biệt, điểm quan trắc tại khu vực Hồ Linh Đàm và một số điểm tại quận Hoàng Mai ở mức tím - rất có hại cho sức khỏe.
Theo các chuyên gia môi trường, ngoài các tác động của thời tiết, để ngăn ngừa và kiểm soát được hiện tượng ô nhiễm không khí phải giảm được lượng khí hydrocacbon và nitrogen oxides thải ra từ động cơ xe, quá trình sản xuất công nghiệp, người dân có thể thực hiện một số biện pháp đơn giản gồm trồng cây xanh, tránh ở ngoài khi trời nắng nóng, oi bức.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi không khí ô nhiễm, nhóm người bình thường nên giảm các hoạt động mạnh khi ở ngoài trời, tránh tập thể dục kéo dài. Những người thấy có triệu chứng đau mắt, ho hoặc đau họng… nên cân nhắc giảm các hoạt động ngoài trời.
Những người mắc bệnh hen suyễn có thể cần sử dụng thuốc thường xuyên hơn. Nhóm người nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều hơn, tránh hoạt động ngoài trời.
Người dân tốt nhất nên ở trong nhà và giảm hoạt động mạnh, nếu thật sự cần thiết phải ra ngoài, hãy đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn.
Nguồn: Không khí ở Hà Nội đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng ô nhiễm không khí trên thế giới