Không quy định thời hạn sở hữu chung cư
Bộ Xây dựng đề nghị không quy định thời hạn sở hữu chung cư |
Sáng 27/11, với 423/468 (85,63%) đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Luật gồm 13 chương và 198 điều.
Trong đó, liên quan đến cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, có ý kiến cho rằng quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế hoặc khi chưa hết thời hạn sử dụng mà nhà ở bị hư hỏng, mất an toàn thì UBND tỉnh quyết định phá dỡ (theo tuổi thọ công trình) là chưa phù hợp với quy định của luật Đất đai. Lý do, đất ở không có thời hạn sử dụng.
Cơ quan thẩm tra cũng cho hay có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Cần phân biệt thời hạn sở hữu và thời hạn sử dụng nhà chung cư, đối với đất ở thì ổn định lâu dài, đối với đất dự án nhà ở có thời hạn thì thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng đất được giao thực hiện dự án.
UBTVQH đề nghị giữ các nội dung này như dự thảo luật. Lý giải cho điều này, theo UBTVQH, dự thảo luật không quy định thời hạn sở hữu, mà chỉ quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư trên cơ sở kế thừa luật Nhà ở hiện hành.
“Khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng, có nguy cơ sập đổ phải phá dỡ, thì giá trị nhà ở không còn nhưng giá trị quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài theo quy định của luật Đất đai vẫn còn và người dân vẫn được bồi thường, bảo đảm tính thống nhất với luật Đất đai”, UBTVQH nêu.
Bên cạnh đó, theo cơ quan thẩm tra, đề xuất quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư đã được thảo luận, lấy ý kiến nhiều lần, đã được cân nhắc kỹ lưỡng. UBTVQH, Chính phủ, đa số ý kiến đại biểu thống nhất chưa nên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo luật Nhà ở sửa đổi lần này.
Còn với đất giao thực hiện dự án có thời hạn là để ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư trong triển khai thực hiện dự án; khi chủ đầu tư bán căn hộ chung cư cho tổ chức, cá nhân thì theo quy định của luật Đất đai, đất đó là đất ở ổn định lâu dài, do đó, không có cơ sở để quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư theo thời hạn sử dụng đất.
Về giải quyết tranh chấp chung cư, có ý kiến đề nghị giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành, kinh phí bảo trì cho UBND cấp huyện để tránh dồn việc lên UBND cấp tỉnh, nhất là ở các thành phố lớn.
Song theo UBTVQH, các chung cư thường có số lượng chủ sở hữu lớn, tranh chấp phức tạp nên giao UBND cấp tỉnh là phù hợp. Trường hợp UBND cấp huyện có đủ điều kiện và khả năng thực hiện nhiệm vụ này thì UBND cấp tỉnh có thể ủy quyền thực hiện.
Ngoài ra, UBTVQH cũng chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, trên cơ sở luật hóa Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, ưu đãi chủ đầu tư được dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án cho kinh doanh dịch vụ, thương mại và cả nhà ở thương mại; song với phần đầu tư nhà ở thương mại, chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất.
Nguồn:Không quy định thời hạn sở hữu chung cư