Khu du lịch Ba Bể sẽ trở thành Khu du lịch quốc gia
Khu du lịch Ba Bể có nhiều tiềm năng và lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái và đa dạng sinh học, kết hợp với sự phong phú về truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong đó, nổi bật nhất là danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể thuộc vùng lõi của Vườn Quốc gia Ba Bể (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể) với tổng diện tích bảo tồn thắng cảnh trên 10.000 ha.
Khu vực này không chỉ nổi bật về giá trị đa dạng sinh học mà còn mang những giá trị to lớn về địa chất, địa mạo với những cảnh quan thiên nhiên độc đáo như: thác Đầu Đẳng, hẻm vực sông Năng, ao Tiên, động Puông, đảo An Mạ, đảo Bà Góa... Đặc biệt, hồ Ba Bể là một trong số ít hồ nước ngọt lớn tự nhiên trên núi và đẹp trên thế giới. Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc độc đáo của người dân tộc thiểu số như: các lễ hội, tâm linh, tín ngưỡng...
Năm 2004, Vườn Quốc gia Ba Bể được công nhận là Di sản thiên nhiên của ASEAN. Năm 2005, hồ Ba Bể được đưa vào danh sách 20 hồ nước ngọt đặc biệt nhất của thế giới cần được bảo vệ và là "viên ngọc xanh của nhân loại”. Năm 2011, hồ Ba Bể được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế). Tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể là một trong các di tích quốc gia đặc biệt được xếp hạng.
Khu du lịch Ba Bể nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Bắc Kạn, với khu vực vùng lõi nằm trên địa bàn các xã Nam Mẫu, Quảng Khê, Hoàng Trĩ, Khang Ninh, Cao Thượng huyện Ba Bể, cách thị trấn Chợ Rã (trung tâm huyện Ba Bể) khoảng 14km, cách thành phố Bắc Kạn khoảng 74km, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 250km. Hiện nay, đang thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn - Hồ Ba Bể với chiều dài khoảng 39km, dự kiến hoàn thành trong năm 2024 sẽ rút ngắn khoảng cách từ Hà Nội đến Hồ Ba Bể chỉ còn khoảng 215 km sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Khu du lịch Ba Bể với vùng lõi là hồ Ba Bể có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch. |
Thực hiện Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định Khu du lịch Ba Bể là một trong các điểm hình thành Khu du lịch Quốc gia, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến phát triển Khu du lịch Ba Bể, trong đó ngày 12/8/2021, Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ tư (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Hiện nay, lượng khách du lịch tới Khu du lịch Ba Bể ngày càng tăng, đời sống của nhân dân được nâng cao, nhiều nhà đầu tư đã và đang khảo sát, đề xuất ý tưởng thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch tại Khu du lịch Ba Bể. Vì vậy, Khu du lịch Ba Bể ngày càng khẳng định vai trò, vị thế và có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ba Bể nói riêng và của tỉnh Bắc Kạn nói chung.
Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là xây dựng thắng cảnh này thành khu du lịch quốc gia. Mới đây, Tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt đề án phát triển Khu du lịch Ba Bể thành khu du lịch quốc gia giai đoạn 2022-2030, định hướng đến năm 2050. Tại đề án, Bắc Kạn đặt mục tiêu bảo vệ các tài nguyên du lịch, tăng sức thu hút khách du lịch; hoàn thiện hệ thống giao thông và kết cấu hạ tầng du lịch; đến năm 2030, khu du lịch đạt các tiêu chí công nhận khu du lịch quốc gia theo Luật Du lịch.
Về mục tiêu cụ thể, Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2030 đón được 1 triệu lượt khách; đến năm 2035 đón được khoảng 1,35 triệu lượt khách; đến năm 2050 đón được khoảng 2-2,5 triệu lượt khách. Khu du lịch bảo đảm cung cấp đầy đủ và chất lượng các cơ sở vật chất phục vụ cho du khách bao gồm khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe. Việc bảo vệ và bảo tồn môi trường trong lành, bảo vệ các tài nguyên du lịch được thực hiện tốt.
Tỉnh Bắc Kạn dự báo, khi trở thành khu du lịch quốc gia thì tăng trưởng du lịch sẽ có những bước tiến mới. Lượng khách dự báo năm 2025 là hơn 485.000 lượt sẽ tăng lên 1 triệu lượt vào năm 2030; lao động du lịch tăng từ khoảng 3.000 người lên hơn 15.000 người; số phòng lưu trú tăng từ 470 lên 2.400 phòng…Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Bắc Kạn giao huyện Ba Bể và các ngành chuyên môn xác định quy mô và ranh giới khu du lịch; bảo vệ tài nguyên du lịch; phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch…
Trong đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND huyện Ba Bể và các đơn vị có liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ tài nguyên du lịch tự nhiên thông qua các nhiệm vụ cụ thể như: Xác định cụ thể một số điểm trong rừng quốc gia mang tính đặc trưng, tập trung một số loài động, thực vật tạo các điểm đến tham quan du lịch. Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên hệ thống thác nước, sông, suối tại khu vực thác Đầu Đẳng, sông Năng, sông Chợ Lèng, suối Cốc Tộc, Ao Tiên (xã Nam Mẫu, thuộc vùng lõi du lịch); thác và rừng trúc Pù Lầu (Phiêng Phàng); thác Tát Từn (Quảng Khê); thác Tát Mạ (Hoàng Trĩ) và các suối thác khác trong khu du lịch. Tôn tạo cảnh quan, khai thác đưa vào phục vụ các hang động: Động Thẳm Thinh, Hua Mạ (Quảng Khê); hang Thẳm Phầy (Hoàng Trĩ); Động Puông (Khang Ninh); Động Tiên, Động Pia Sloi, Hang Chản, Hang Khâu Qua (Nam Mẫu).
Xây dựng bảo tàng thiên nhiên tại Trung tâm Vườn quốc gia Ba Bể, nâng cấp, cải tạo Vườn thực vật Ba Bể thuộc xã Nam Mẫu phục vụ nghiên cứu khoa học, sưu tầm, chế tác và trưng bày bảo quản mẫu vật thiên nhiên và phục vụ du lịch sinh thái. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn Khu du lịch Ba Bể:
Về cảnh quan làng bản: Tôn tạo cảnh quan các làng bản, ưu tiên các làng bản có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại vùng lõi du lịch như Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc, Bản Cám, Khau Qua, Nậm Dài, Nà Phại...(xã Nam Mẫu) và một số bản tại các xã xung quanh như Pù Lầu (xã Phiêng Phàng), Bản Váng (xã Địa Linh), NàHai, Nà Lẻ (xã Quảng Khê), trung tâm xã Hoàng Trĩ...Khuyến khích nhân dân xây dựng nhà ở và các công trình theo kiến trúc truyền thống dân tộc, hình thành không gian chung phù hợp.
Xác định các khu vực cảnh quan nông nghiệp có giá trị thẩm mỹ như ruộng bậc thang như Nà Hai và Nà Mặn (xã Quảng Khê), các vùng trồng bí xanh thơm (xã Địa Linh, xã Yến Dương), trà hoa vàng, hồng, mận (bản Hủa, bản Chán, xã Đồng Phúc)... để có các hoạt động quản lý, bảo vệ, lập thiết kế cảnh quan riêng cho các khu vực này. Khôi phục thuyền độc mộc truyền thống phục vụ khách du lịch; lựa chọn hoặc thiết kế tạo mẫu riêng các phương tiện vận chuyển khách trên hồ khai thác nét đặc sắc về hình dáng của thuyền độc mộc truyền thống.
Khai thác sự hiểu biết và nhiệt tình của các nghệ nhân văn hóa truyền thống để truyền lại cho các thế hệ kế tiếp; thành lập và duy trì các đội văn nghệ tại các thôn bản; trang bị các dụng cụ, trang phục biểu diễn cho đội văn nghệ. Tiếp tục phát huy các sản phẩm hàng hóa du lịch như rượu ngô, rượu men lá, bí xanh thơm, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm... Tăng cường tính liên kết giữa các cơ sở sản xuất với các trung tâm giới thiệu sản phẩm, các cơ sở dịch vụ du lịch. Tôn vinh các nghệ nhân, phối hợp với các nghệ nhân truyền dạy lại các nghề thủ công truyền thống cho các thế hệ sau. Tôn tạo cảnh quan, phát huy hoạt động của các chợ phiên truyền thống chợ Lèng (xã Quảng Khê), chợ phiên Pác Ngòi (xã Nam Mẫu).
Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND huyện Ba Bể và các đơn vị có liên quan khuyến khích các cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ hiện có cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao tiêu chuẩn, nâng cấp quy mô phục vụ để đạt đủ điều kiện phục vụ khách du lịch. Khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú dành cho khách du lịch, đặc biệt là tạo điều kiện cho các nhà đầu tư cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn từ 4 sao trở lên.
UBND huyện Ba Bể tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, trong đó tại vùng lõi du lịch. |
Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, trong đó tại vùng lõi du lịch với các loại hình như: Du lịch trải nghiệm thung lũng: Xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở khai thác đầy đủ các đặc trưng văn hóa địa phương, kết hợp với điều kiện tự nhiên vượt trội tạo ra các sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo của hồ núi cao.
Các sản phẩm du lịch đặc thù của Hồ Ba Bể gắn với các trải nghiệm khác nhau về 06 thung lũng riêng biệt: Thung lũng đá thạch nhũ (khu vực dọc sông Chợ Lèng); thung lũng làng nhà sàn (khu vực thôn Pác Ngòi); thung lũng đầm phá (khu vực thôn Cốc Tộc); thung lũng rừng cao nguyên (khu vực thôn Khau Qua); thung lũng cù lao và thung lũng thác nước (khu vực dọc sông Năng). Kết nối 06 thung lũng này thông qua nhiều phương tiện giao thông đặc trưng (thuyền, tàu hỏa du lịch chạy điện, xe buggy, cáp treo...) để tạo thành một câu chuyện gắn kết với 6 trải nghiệm khác nhau.
Du lịch di sản địa chất Hồ Ba Bể gắn liền với việc nâng cao tính giáo dục văn hóa, nghiên cứu khoa học địa chất, du lịch có trách nhiệm và thân thiện với môi trường. Khuyến khích tham gia cộng đồng địa phương vùng di tích tham gia hoạt động du lịch địa chất, phát triển sản phẩm địa phương và cung cấp dịch vụ cho dukhách. Các dấu tích địa chất có giá trị bao gồm các hẻm vực sông Năng, sông Chợ Lèng, hệ thống hang động và sông ngầm... Du lịch gắn với các giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số như: Tham quan nghiên cứu các di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống của cộng đồng dân tộc sinh sống ở vùng di tích, đặc biệt của đồng bào dân tộc thiểu số (Tày, Mông, Dao, …); Du lịch cộng đồng (homestay) bản làng đồng bào dân tộc như Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc, Bản Cám,…
Hỗ trợ, kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch cho bản làng như: Hỗ trợ cải tạo, không gian cảnh quan; xây dựng, nâng cấp chợ đêm và không gian trải nghiệm văn hóa truyền thống… Trải nghiệm các lễ hội và sinh hoạt tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số (lễ hội Lồng tồng Ba Bể, chèo thuyền Độc mộc...), trải nghiệm hát then và chơi đàn tính cùng người bản địa tại những câu lạc bộ hát then, đàn tính. Tham quan, trải nghiệm các làng nghề truyền thống (nấu rượu ngô, chế biến tép chua, làm bánh...).
Du lịch nông nghiệp và trải nghiệm đồng quê: Ba Bể cũng đã được ghi nhận với việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp, với những khu vực ruộng bậc thang, vườn cây ăn quả đầy màu sắc và các điểm nuôi cá hồi, cá tầm, đặc biệt đã có nhiều sản phẩm địa phương đạt chất lượng OCOP. Du khách sẽ được tham gia vào các hoạt động trải nghiệm đồng quê như cấy lúa, gặt lúa, bắt cá, hái hoa quả, đồng thời khám phá trang trại và gia trại; những địa điểm như vùng trồng bí xanh thơm (Yến Dương, Địa Linh) hay trà hoa vàng (Đồng Phúc). Sản phẩm du lịch này mang đến cho du khách những trải nghiệm chân thực, đắm chìm trong cảnh đẹp nông nghiệp và cơ hội thưởng thức các sản phẩm đặc sắc của địa phương.
Du lịch suối, thác: Khu du lịch Ba Bể còn đặc sắc với những điểm đến như thác Pù Lầu (thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương), thác Tát Từn (thôn Nà Lẻ, xã Quảng Khê), thác Tát Mạ (xã Hoàng Trĩ) và các con suối tại xã Đồng Phúc. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp tự nhiên hùng vĩ của thác nước, tận hưởng không khí trong lành, được đắm chìm trong không gian văn hóa độc đáo và cảm nhận vẻ dẹp của thiên nhiên, rừng núi.
Với các nhiệm vụ trên, UBND tỉnh giao UBND huyện Ba Bể là ơ quan chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành của tỉnh và các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo theo nội dung của Đề án đã được phê duyệt; tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện Đề án báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/12 hàng năm.
Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở ban ngành có liên quan trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn Khu du lịch và phụ cận; rà soát, lập thẩm định, phê duyệt các quy hoạch chi tiết xây dựng, quản lý theo thẩm quyền góp phần phát triển kết cấu hạ tầng khu du lịch, điểm du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch căn cứ vào nội dung, nhiệm vụ của Đề án phối hợp với UBND huyện Ba Bể, Ban quản lý Khu du lịch Ba Bể triển khai thực hiện Đề án đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Thực hiện lồng ghép kế hoạch, chương trình, quy hoạch phát triển du lịch toàn tỉnh với phát triển du lịch tại Khu du lịch Ba Bể, đảm bảo tính hài hòa và bền vững của phát triển du lịch trong khu vực. Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, UBND huyện Ba Bể và các địa phương liên quan để triển khai hiệu quả các hoạt động, chính sách, đề án liên quan đến phát triển du lịch tại Khu du lịch Ba Bể.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lồng ghép mục tiêu chiến lược, chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn với việc phát triển du lịch tại Khu du lịch Ba Bể. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn, chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Phối hợp với UBND huyện Ba Bể và các sở, ban, ngành liên quan, và tổ chức, cá nhân để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP gắn với cộng đồng dân cư; phát triển du lịch nông nghiệp tại các địa bàn Khu du lịch Ba Bể và phụ cận; hướng dẫn các dự án du lịch liên quan đến rừng và thuê môi trường rừng.../.
Nguồn: Khu du lịch Ba Bể sẽ trở thành Khu du lịch quốc gia