Kịch bản nào cho thị trường bất động sản năm 2024?
Nền kinh tế Việt Nam đối diện với thách thức nào trong năm 2024? Thị trường bất động sản cần làm gì để vượt qua thách thức? |
Kịch bản nào cho thị trường bất động sản năm 2024? |
Nhiều tín hiệu tích cực cho bất động sản
Bộ Xây dựng cho biết nửa đầu năm 2023, thị trường bất động sản tiếp tục trạng thái giao dịch trầm lắng. Bằng nhiều biện pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương, những vướng mắc từng bước được tháo gỡ, tình hình thị trường đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Theo nhận định, đánh giá của một số tổ chức nghiên cứu thị trường và một số địa phương, trong 6 tháng cuối năm 2023, thị trường bất động sản đã có những tín hiệu tích cực hơn so với nửa đầu năm. Trong đó lượng tìm kiếm giao dịch các phân khúc đất nền, chung cư... có sự phục hồi tốt và nguồn cung từ các dự án mới, giao dịch xuất hiện ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng nhấn mạnh vẫn cần phải theo dõi sát các diễn biến thị trường và cần tiếp tục các biện pháp tháo gỡ mạnh mẽ trong thời gian tới.
Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho hay trong năm 2023, Chính phủ cùng các cơ quan, bộ ngành đã tích cực can thiệp để khôi phục thị trường bất động sản. Đặc biệt, gần 20 động thái từ phía Chính phủ đã được thông báo một cách liên tục và mạnh mẽ, góp phần tăng cường niềm tin và sức mạnh cho thị trường và các bên liên quan.
VARS nhận định Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 là tín hiệu quan trọng nhất, mang tính hướng dẫn và chỉ đạo rõ ràng. Theo thời gian, các cơ chế và chính sách từ Chính phủ ngày càng phản ánh đúng nhu cầu thực tế của thị trường và doanh nghiệp. Kết quả là, nhiều vấn đề và khó khăn của thị trường đã dần được giải quyết. Điều này tạo điều kiện cho hầu hết các dự án còn khả năng tái khởi động.
Do đó, thị trường bất động sản đang diễn ra với những diễn biến tích cực hơn. Lần đầu tiên sau nhiều năm, các nhà đầu tư dự án đã thể hiện sự nhiệt tình bán hàng thông qua loạt chính sách kích thích cầu hấp dẫn như chiết khấu, khuyến mãi, hỗ trợ lãi suất kéo dài, cùng việc nhận nhà sớm và mở rộng thời gian thanh toán, trong đó có dự án kéo dài đến 3 năm.
Quý cuối của năm 2023, thị trường đã chứng kiến nhiều dự án quy mô lớn bắt đầu chiến dịch bán hàng, đa dạng hóa nguồn cung và thúc đẩy giao dịch. Cả khu vực phía Bắc và Nam đều có nhiều dự án như Canopy Residences, The Moonlight 1 An Lạc, Akari City, Glory Heights, The Global City... đóng góp vào nguồn cung mới. Phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng đang trở lại mạnh mẽ, tạo ra dấu hiệu tích cực cho thị trường.
Kịch bản nào cho thị trường năm 2024
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định rằng với lãi suất ngân hàng ở mức thấp, nhà đầu tư sẽ tìm kiếm các kênh đầu tư như chứng khoán hay bất động sản. Sự giảm lãi suất huy động cùng với các chính sách bán hàng mới đang kích thích giao dịch.
Sự thay đổi tích cực trong bức tranh kinh tế vĩ mô và dự kiến tăng trưởng kinh tế là những tín hiệu tích cực. Năm 2024 có thể là thời điểm thị trường đảo chiều, bắt đầu từ quý III và khởi sắc từ quý II/2025, đặc biệt sau khi các luật như Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thông qua.
"Đầu năm 2024 sẽ mang đến một cơ hội đặc biệt cho những người quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam. Các yếu tố tích cực như sự hồi phục mạnh mẽ, chính sách hỗ trợ và quy hoạch mới tạo ra môi trường thuận lợi để đưa ra quyết định đầu tư. Tuy nhiên, sự lựa chọn này cũng đồng nghĩa với việc cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về chiến lược và mục tiêu đầu tư, để tránh hối tiếc trong tương lai", vị chuyên gia lưu ý.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường bất động sản dự kiến sẽ mất ít nhất một năm để hồi phục, dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian nửa cuối năm 2024. Trong đó, những phân khúc có mức giá phù hợp với khả năng chi trả của người mua sẽ là nhóm có khả năng phục hồi sớm nhất.
Tuy nhiên, ông Đính cho rằng, tâm lý của nhà đầu tư dù đang dần tích cực hơn nhưng vẫn khá thận trọng, đặc biệt là những khách hàng đang đối diện với áp lực tài chính từ các khoản đầu tư thua lỗ trước đó, nên nhiều người chọn gửi tiền ngân hàng.
Để tháo gỡ tâm lý “chờ” của nhà đầu tư và khách hàng, qua đó kích thích dòng tiền đáo hạn nhà băng chảy vào nhà đất, Chủ tịch VARS nhấn mạnh điều quan trọng nhất lúc này là đẩy nhanh quá trình gỡ vướng về pháp lý và tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, khơi thông nguồn cung trên thị trường.
“Thời điểm này là bài học xương máu cho tất cả các đối tượng tham gia thị trường. Chắc chắn sau khi vượt qua 'đại nạn' này, các đối tượng sẽ hoạt động một cách cẩn trọng hơn, biết liệu cơm gắp mắm, tự lượng sức mình . Và quan trọng, sẽ biết cách trang bị thêm nhiều kỹ năng, kiến thức để tăng khả năng chống chọi với các tình huống khó khăn, bất lợi”, ông Đính nhận định.
Nhằm giúp những người hoạt động trong ngành cũng như các đối tượng quan tâm đến thị trường bất động sản có thể nắm được các thông tin, chỉ báo của thị trường năm 2024, để từ đó đưa ra quyết định thông thái trong đầu tư bất động sản, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã chỉ đạo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tổ chức Diễn đàn thị trường bất động sản Việt Nam 2024 (VREF 2024). Chủ đề năm nay "Vượt qua thách thức" sẽ tổ chức vào 8h ngày 5/1/2024 (thứ Sáu) tại hội trường E1 - khách sạn La Thành - 226 phường Vạn Phúc, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội. Diễn đàn được tổ chức với các chủ đề chính: Toàn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam năm 2023, thể chế và sự tác động tới kinh tế Việt Nam năm 2024, thị trường bất động sản Việt Nam 2024 - cơ hội và thách thức, xu hướng bất động sản thế giới 2024, kịch bản nào cho thị trường bất động sản Việt Nam năm 2024, dòng tiền cho phát triển, đầu tư và tiêu dùng bất động sản năm 2024 và khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam. |
Nguồn:Kịch bản nào cho thị trường bất động sản năm 2024?