Kích hoạt động lực tăng trưởng: Không chỉ để phục hồi kinh tế
Việt Nam đứng cuối bảng phục hồi du lịch châu Á Thương mại điện tử giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch |
Thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm được nhìn nhận là một “chìa khóa tăng trưởng” của kinh tế Việt Nam.Trong ảnh: Thi công một đoạn tuyến thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam |
Mọi nỗ lực đang trên đường ray
Từ nay đến ngày 25/3 là khoảng thời gian đầu tiên 5 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 mà Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định thành lập thực hiện nhiệm vụ.
Cuối tháng này, 5 ngày sau khi các đợt kiểm tra kết thúc, trên bàn Thủ tướng Chính phủ có thể sẽ có báo cáo của các tổ công tác về những điểm nghẽn trong thực hiện dự án đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương và đề xuất giải pháp.
Các tổ công tác cũng được giao nhiệm vụ hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định có liên quan - một trong những lý do quan trọng làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân của không ít dự án đầu tư công.
Trước đó, trong nửa đầu tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có các văn bản chỉ đạo hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội; đốc thúc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2023...
Có thể thấy, các nỗ lực thúc đẩy nguồn vốn đầu tư công đều đã chạy trên mọi mặt trận. Và vì vậy, mục tiêu giải ngân ít nhất 95% trong tổng số hơn 711.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023 mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội hồi cuối tháng 2/2023 dù được xác định là nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng sẽ không có đường lui.
Việc thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm là một trong những chìa khóa tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn và dài hạn, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023 |
Mục tiêu không chỉ là phục hồi
Cũng như nhiều chuyên gia kinh tế, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đang có góc nhìn rất tích cực từ các động thái thúc đẩy giải ngân đầu tư công của Chính phủ.
Tại cuộc họp công bố Báo cáo Cập nhật Tình hình kinh tế Việt Nam của WB, vừa diễn ra đầu tuần này, bà Carolyn Turk đã gọi việc thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm chính là một chìa khóa tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong cả ngắn và dài hạn.
Trong dự báo mới nhất của WB, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến chậm lại, ở mức 6,3% vào năm 2023, do tăng trưởng ở khu vực dịch vụ chững lại, giá cả và lãi suất leo thang ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và hộ gia đình. Tăng trưởng dự kiến tăng lên mức 6,5% vào năm 2024, khi các nền kinh tế đang là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phục hồi.
Động lực tăng trưởng chính sẽ là nhu cầu trong nước, có thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát ước tính cao hơn (trung bình 4,5%) vào năm 2023. Với nhu cầu bên ngoài yếu hơn, đóng góp của xuất khẩu ròng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Tuy vậy, WB cho rằng, các giải pháp sẽ không chỉ nhắm đến việc phục hồi sau Covid-19, mà quan trọng là hướng tới tăng trưởng trong dài hạn, để xem đâu là các hoạt động đầu tư cần thiết. Vì các hoạt động đầu tư vào thời điểm này sẽ quyết định nền kinh tế có gì trong 10 - 20 năm tới.
Cải thiện môi trường kinh doanh là đòi hỏi liên tục
Cũng phải nhắc lại nhận định của Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam rằng, Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, không như nhiều quốc gia khác.
Theo WB, nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc thực hiện một phần của chương trình hỗ trợ kinh tế 2022 - 2023. Một chính sách tiền tệ linh hoạt - phối hợp chặt chẽ với các mục tiêu của chính sách tài khóa - sẽ giúp kiểm soát lạm phát trong nước. |
Quan điểm này được nêu cùng với khuyến nghị: các giải pháp thúc đẩy đầu tư công phải song song với những tính toán hiệu quả cho nguồn vốn này và tạo dư địa để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn.
Điều đó có nghĩa, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi để khu vực kinh tế tư nhân vượt qua khó khăn tiếp tục là khuyến nghị ưu tiên, nhất là trong bối cảnh hoạt động sản xuất - kinh doanh đang đối mặt với nhiều thách thức, cả từ tình hình thế giới cũng như tác động của các vấn đề nội tại trong nền kinh tế, liên quan đến thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp...
Năm 2023, nhiệm vụ và giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được đưa vào Nghị quyết số 01/NQ-CP, gửi đi thông điệp cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên trong điều hành và phát triển kinh tế - xã hội. Ngay khi ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chính phủ đã xác định đây là cách tiếp cận mới, phù hợp với bối cảnh mới và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo áp lực cũng như củng cố động lực cải cách trong thời gian tới.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ (tháng 2), Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí hành chính; nâng chất lượng dịch vụ công trực tuyến, tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế, trong báo cáo của nhiều bộ, ngành, địa phương, nội dung đánh giá tình hình và kết quả cải thiện môi trường kinh doanh chưa được chú trọng như các năm trước; chất lượng báo cáo nhìn chung sơ sài, ít hàm lượng thông tin, thiếu đi những đề xuất, kiến nghị về cải thiện môi trường kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp bày tỏ sự lo ngại khi còn nhiều đề xuất, kiến nghị chưa được xem xét thấu đáo. Ngay trong các kiến nghị gửi tới Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên (VBF) năm 2023, tỷ lệ các ý kiến về sự chưa thống nhất, rõ ràng trong thực thi chính sách ở các bộ, ngành, địa phương, còn nhiều quy định chưa rõ ràng, minh bạch...
Đáng nói là, những rào cản trong môi trường kinh doanh đang làm khó không chỉ hoạt động đầu tư - kinh doanh hiện tại, mà cả các nỗ lực tìm kiếm cơ hội mới của nhiều doanh nghiệp, nhất là trong xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn với nhiều mô hình, hình thức kinh doanh mới.
Chia sẻ về những khó khăn trước mắt, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, đây là cơ hội để giải quyết các vấn đề cố hữu của nền kinh tế.
“Khi nền kinh tế khó khăn, dù ở hình thái này hay hình thái khác, các điểm yếu sẽ bộc lộ rõ nhất. Ví dụ, trong lúc đơn hàng dệt may giảm sút, chúng ta có tiếp tục tham gia cuộc cạnh tranh xuống đáy, từ 15 UScent gia công 1 chiếc sơ mi, nay còn 6 UScent, hay sẽ chọn phân khúc cao hơn để bước vào? Các doanh nghiệp đang muốn dịch chuyển, nhưng không thể tự bơi, cần sự hỗ trợ đồng bộ và chiến lược của môi trường kinh doanh”, ông Bình lý giải.
Tương tự, các bài toán khó trong vấn đề trái phiếu doanh nghiệp hay thúc đẩy du lịch cũng cần được tìm lời giải ở thì tương lai, thay vì chỉ gỡ các rào cản trước mắt.
Nguồn:Kích hoạt động lực tăng trưởng: Không chỉ để phục hồi kinh tế