Kiềm chế ô nhiễm không khí: Phải kiểm soát nguồn thải
Chất lượng không khí ở mức xấu
Liên tiếp nhiều ngày qua, nhiều khu vực Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc thường xuyên “chìm” trong sương mù. Các hệ thống quan trắc của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, của ứng dụng Pam Air hay IQAir đều cho kết quả đo chất lượng không khí (AQI) trên 200 - mức rất xấu. Một số điểm quan trắc trong thời gian nhất định còn ghi nhận chỉ số AQI vượt ngưỡng 300 - nguy hại.
Hà Nội có chỉ số chất lượng không khí xấu |
Đặc biệt, trong sáng ngày 5/3, ứng dụng IQAir xếp Thủ đô Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI là 241. Cũng trong ngày 5/3, theo số liệu quan trắc của Pam Air tại khu vực Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm), chỉ số AQI lên tới 429 (màu nâu - ngưỡng nguy hại). Ngoài ra, nhiều điểm đo khác có chỉ số ô nhiễm cao là Láng (Đống Đa) với chỉ số AQI 240, Đội Cấn (Ba Đình) có chỉ số AQI 226, Nguyễn Chế Nghĩa (Hoàn Kiếm) có chỉ số AQI 213. Điều này khiến nhiều người lo lắng về các chất ô nhiễm sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, cũng như cuộc sống của người dân.
Theo các chuyên gia, miền Bắc và Hà Nội đang trong mùa ô nhiễm không khí (từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm). Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết nên các chất ô nhiễm trong không khí khuếch tán hạn chế, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Nói rõ về các nguồn gây ô nhiễm không khí, TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết: Nguyên nhân chính gây ô nhiễm là từ các hoạt động của con người, thời tiết và khí hậu có tính chất tác động. Chủ yếu do 4 nguồn khí thải từ phương tiện giao thông; hoạt động sản xuất công nghiệp, đốt rác; làng nghề tái chế (kim loại, nhựa, giấy,…) và công trình xây dựng.
Riêng phương tiện giao thông, theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 1,1 triệu ô tô và hơn 6,7 triệu xe máy, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành tham gia giao thông tại Thủ đô. Trong số các phương tiện đang lưu hành, nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải, niên hạn để lưu thông trong thành phố, nhiều xe qua nhiều năm sử dụng và không thường xuyên bảo dưỡng nên phát thải lượng khí độc hại cao.
Mặc dù thành phố Hà Nội đã áp dụng một số biện pháp để nâng cao chất lượng không khí như: Trồng nhiều cây xanh, phát triển xe buýt điện, di dời cơ sở công nghiệp khỏi nội đô, xử lý hành vi đốt rơm rạ sau thu hoạch, cấm đun than tổ ong,… Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp tục xảy ra.
Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí, nhất là tại Hà Nội, thời gian qua, Cục đã có nhiều văn bản đề nghị các Sở TN&MT khẩn trương chỉ đạo, tăng cường tần suất quan trắc, công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên cổng thông tin điện tử và phương tiện truyền thông của tỉnh, thành phố, khuyến cáo người dân áp dụng ngay các giải pháp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với nhóm đối tượng có hoạt động ngoài trời vào 5h - 7h sáng và 14h - 19h tối.
Khí thải từ phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí |
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải. Trong đó, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn. Đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT theo quy định. Kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp đốt chất thải không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường.
TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng, nếu muốn giải quyết ô nhiễm không khí ở Hà Nội thì phải kiểm soát nguồn thải. Với nguồn giao thông, cần tiến hành ngay việc kiểm soát khí thải xe máy chạy xăng ở các thành phố lớn, khuyến khích sử dụng phương tiện chạy điện. Đồng thời, cần tăng cường thêm hệ thống giao thông công cộng. Hiện có những hệ thống xe công cộng chạy bằng điện, Hà Nội nên có các chính sách khuyến khích phát triển nhiều và hiệu quả hơn về các hệ thống trên.
Với các công trình xây dựng hạ tầng phát thải gây ô nhiễm không khí, TS. Hoàng Dương Tùng đề xuất nên có các biện pháp như lắp camera giám sát, truyền dữ liệu về cơ quan quản lý để theo dõi biện pháp chống bụi theo quy định. Để hạn chế tình trạng đốt rác tự nhiên, cần có hệ thống quản lý việc thu gom, vận chuyển để nắm được số lượng các loại rác, nơi đổ rác, nơi trung chuyển, vận chuyển rác hàng ngày.
Ngoài ra, bà Đỗ Vân Nguyệt - Giám đốc Trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&Learn) chia sẻ, để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, không chỉ cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành mà cần sự chung tay của cả người dân. Mỗi người dân cần phải tự ý thức đối với từng hành động của mình để cùng chung tay bảo vệ môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Nguồn: Kiềm chế ô nhiễm không khí: Phải kiểm soát nguồn thải