Kiểm kê carbon: Dễ nói khó làm
Thị trường tín chỉ carbon: Không triển khai sẽ bị tụt hậu với thế giới Lưu trữ khí thải carbon không dễ |
Kể từ năm 2025, hàng nghìn doanh nghiệp sẽ phải thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và môi trường. Nói cách khác, hoạt động kiểm kê khí thải nhà kính phải được thực hiện muộn nhất vào năm 2025.
Giai đoạn cuối năm 2023 là “thời điểm vàng” để doanh nghiệp bắt đầu kiểm kê khí thải, giúp cho số liệu được đầy đủ để tiến hành báo cáo.
Mặt khác, kể từ đầu năm 2024, nhà nhập khẩu vào EU các sản phẩm phân bón, sắt, thép, nhôm và xi măng sẽ phải thực hiện báo cáo khí thải nhà kính trên mỗi đơn vị sản phẩm, theo cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới (CBAM).
Như vậy, kiểm kê khí thải nhà kính là vấn đề rất cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp lên kế hoạch chuyển đổi xanh hiệu quả và bài bản thay vì chỉ thực hiện những hoạt động mang tính phong trào.
Ba phạm vi kiểm kê khí thải nhà kính: Phạm vi I: Khí nhà kính phát thải trực tiếp từ hoạt động của doanh nghiệp, do doanh nghiệp kiểm soát hoàn toàn. Phạm vi II: Khí thải nhà kính phát thải gián tiếp từ việc mua năng lượng để hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phạm vi II: Toàn bộ lượng khí thải nhà kính phát thải gián tiếp từ các hoạt động trong chuỗi giá trị, tức là phát thải của các đối tác, nhà cung ứng. |
TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE) - tổ chức nghiên cứu tư vấn chuyên sâu về tài chính carbon, đánh giá, báo cáo khí thải nhà kính là yếu tố đảm bảo tính minh bạch về phát triển xanh trong bối cảnh kinh tế số.
“Báo cáo khí thải nhà kính sẽ trở thành bản báo cáo bắt buộc, định kỳ, bên cạnh báo cáo tài chính”, ông Nghĩa nói tại tọa đàm Kinh tế tuần hoàn - trung hoà carbon: Con đường tất yếu.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nhận xét, việc kiểm kê khí thải nhà kính không phải là điều đơn giản đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn đã đành nhưng đến doanh nghiệp lớn cũng đang mơ hồ với bài toán kiểm kê carbon. Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), cho biết, trong số doanh nghiệp thuộc rổ VN100, chỉ có 12 doanh nghiệp thực hiện kiểm kê khí thải ở phạm vi I và II và bảy doanh nghiệp kiểm kê ở cả ba phạm vi.
Đồng tình rằng những khó khăn của nền kinh tế đang gây áp lực nặng nề, làm tổn hại nguồn lực của doanh nghiệp, tuy nhiên, ông Nghĩa nhìn nhận, các rào cản khí thải khắt khe của những thị trường lớn đang ập đến như những cơn bão, mang theo nguy cơ đánh mất thị trường, đánh mất đối tác, bị loại khỏi chuỗi cung ứng.
Trước cơn bão ấy, doanh nghiệp Việt đang “chưa có lấy một hầm trú ẩn” bởi vẫn còn lúng túng trong việc tiên quyết là kiểm kê khí thải nhà kính.
Không chỉ đối diện với nguy cơ, doanh nghiệp còn có thể đánh mất nhiều cơ hội. Việc kiểm kê và báo cáo khí thải nhà kính giúp doanh nghiệp thực hành hiệu quả những giải pháp chuyển đổi xanh, qua đó đạt được những lợi ích như tăng độ uy tín của thương hiệu, là “điểm cộng” trong đàm phán, giao thương và là động lực để chuyển đổi công nghệ.
Đặc biệt, việc tham gia thị trường carbon cũng là một cơ hội đáng để doanh nghiệp phải tận dụng khi là nguồn bổ sung quan trọng cho tài chính xanh, giúp doanh nghiệp có vốn để đầu tư quy trình, công nghệ hay đội ngũ nhân lực đáp ứng các mục tiêu xanh.
Ông Nghĩa nhìn nhận, về mặt vĩ mô, câu chuyện giảm phát thải, tín chỉ carbon đang mở ra một thời đại kinh tế. Còn đối với doanh nghiệp, đây là vấn đề mang tính sống còn.
Từ đó, vị chuyên gia kinh tế đề xuất cần có thêm những chính sách pháp luật tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện kiểm kê khí thải, áp dụng giải pháp chuyển đổi xanh, cũng như xây dựng các cơ sở hạ tầng hỗ trợ, ví dụ như hạ tầng về dữ liệu lâm nghiệp, dữ liệu nông nghiệp.
Nguồn:Kiểm kê carbon: Dễ nói khó làm