Kiếm trăm triệu mùa Tết từ vẽ chữ thư pháp lên quả dừa
Thời tiết dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên cả nước Đa dạng sản phẩm OCOP phục vụ thị trường Tết Nguyên đán |
Sản phẩm quả dừa vẽ chữ thư pháp hút hàng trong dịp Tết năm nay. Ảnh: Nguyên Anh |
Làm chơi, ăn thật
Như mọi năm, thị trường hàng hóa để các gia đình trưng bày, trang trí Tết luôn rất phong phú, đa dạng tuy nhiên năm nay lại nổi lên món quà dừa thư pháp được nhiều người lựa chọn và khá “cháy hàng”. Những sản phẩm vẽ thủ công vô tình trở thành món quà được chốt đơn không kịp giao của nhiều bạn trẻ đam mê môn nghệ thuật viết chữ thư pháp.
Đến nhà bạn Nguyễn Thị Tuyết Phượng (ngụ huyện Châu Thành) những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, cả gia đình đều đang tất bật giúp Phượng hoàn thành các sản phẩm để kịp giao cho khách các nơi.
Là một bạn trẻ đam mê nghệ thuật vẽ tranh, viết thư pháp từ một lần nhìn thấy ảnh quả dừa thư pháp trên mạng nên Phượng đã tự mày mò và sáng tạo ra sản phẩm của mình.
Tuyết Phượng đang tranh thủ hoàn thành những đơn hàng dừa thư pháp để kịp giao cho khách. Ảnh: Nguyên Anh |
Phượng chia sẻ: “Mới đầu mình thấy khá khó vì làm sao để cân đối hài hòa giữa chữ, quả dừa và các họa tiết, kể cả việc giữ và phối màu cho bền, trưng bày được lâu. Làm sao mỗi sản phẩm tạo ra phải thật sự ý nghĩa, đẹp mắt để khách hàng hài lòng vì đó là món quà họ dành tặng nhau dịp năm mới nên mình càng phải làm hết sức”.
Từ những đơn hàng ban đầu chỉ vài chục cặp, Tết này Phượng đã nhận đơn hơn 300 cặp dừa (gần 100 triệu đồng) xuất đi trong tỉnh và gửi cho 1 số khách ở các tỉnh lân cận như Cần Thơ, An Giang.
Một trái dừa thư pháp được làm từ 1-2 ngày và trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là chọn những trái dừa tròn và đầy đặn, sau đó sẽ sơn màu, phác họa chữ, mang đi phơi nắng và cuối cùng là hoàn chỉnh phần chữ thư pháp, trang trí cho sinh động, đẹp mắt.
Nghe thì đơn giản nhưng khi làm thì không hề dễ dàng vì còn phụ thuộc tay nghề người viết, cách phối màu, trang trí cho bắt mắt và hợp dáng với quả dừa được chọn. Để phần màu lên chuẩn đẹp, bảo quản lâu, Phượng dùng màu acrylic và keo sữa, phần vỏ dừa phải đánh sần để dễ tạo nét chữ.
“Bắt đầu nhận đơn hàng từ đầu tháng 11 âm lịch, giá từ 250.000-300.000 đồng/cặp, thu nhập mùa tết này rất khá. Hiện còn nhiều khách đặt hàng nhưng tôi không nhận đơn vì sợ làm và gửi đi không kịp thì mất uy tín”, Phượng bộc bạch.
Không chỉ để kiếm tiền
Cũng như Phượng, anh Châu Văn Khoa (ngụ TP Rạch Giá) cũng kiếm thu nhập khá từ việc vẽ thư pháp lên quả dừa. Anh Khoa chia sẻ mình chỉ vô tình thấy mẫu đẹp nên định làm ít cặp tặng cho người thân bạn bè thôi không ngờ được khen và đón nhận rồi mọi người bảo tôi làm bán. Vì còn bận rộn nhiều công việc khác nên tôi không dám nhận nhiều đơn vì sợ không kịp giao, Tết nay chỉ nhận hơn 100 cặp cho những khách quen đã dặn trước.
Dừa thư pháp được đóng gói để gửi đi các tỉnh cho khách hàng. Ảnh: Nguyên Anh |
Tùy theo mức độ trang trí và hình dáng quả dừa mà giá cũng có thể chênh lệch khác nhau, bình quân từ 250.000 đến 300.000 đồng/cặp. Tuy nhiên anh Khoa cho hay vẽ thư pháp lên dừa không chỉ để kiếm tiền mà còn do sở thích, đam mê của mình nên anh Khoa bỏ thời gian ra để làm thêm cho dịp Tết.
“Mình gửi sản phẩm cho khách và họ đón nhận, hài lòng thì mình rất vui. Hiện nay nhiều bạn trẻ cũng đến học cách làm, tôi cũng có chia sẻ với các bạn cùng đam mê. Và nhiều bạn cũng đang kiếm được nguồn thu nhập rất khá với công việc này, nhất là các bạn sinh viên”, anh Khoa kể.
Chị Nguyễn Hoàng Hồng, một người chuyên bán các mặt hàng trang trí tết ở TP Rạch Giá cho hay năm nay mặt hàng dừa thư pháp rất đắt hàng, bán chạy. “Khách đổi gu thích các sản phẩm thủ công nên chỗ tôi nhập về mặt hàng này khá nhiều, cũng hơn 400 cặp rồi vừa bán tại chỗ vừa bán online. Khách rất hài lòng và có người mua đến 2, 3 lần để vừa trang trí vừa tặng cho đối tác, bạn bè thì tôi cũng có ship hàng, đóng gói cẩn thận luôn cho khách. Từ nay đến Tết tôi còn chờ giao thêm 1 đợt hàng nữa vì khách đã chốt từ trước đó”, chị Hồng cho biết.
Nguồn:Kiếm trăm triệu mùa Tết từ vẽ chữ thư pháp lên quả dừa