Kiên Giang cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trong cao điểm mùa khô
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ cháy rừng, với tổng diện tích gần 19,6 ha. Trong đó, TP. Phú Quốc xảy ra 12 vụ, huyện An Minh và huyện Giang Thành mỗi địa phương xảy ra một vụ. Hiện trạng cháy chủ yếu là trảng cỏ, dây leo, cây bụi, một số khu vực rừng bị chặt phá...Thời gian qua nắng nóng kéo dài thiếu hụt lượng mưa, đặc biệt ở các tuyến kênh trong rừng tràm đã cạn nước. Bên cạnh đó, vật liệu cháy tích tụ nhiều năm khô hanh nguy cơ xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi là rất cao..
Từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ cháy rừng. |
Trước thực tế trên, UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu các huyện, thành phố có rừng và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường kiểm tra, giám sát, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Các địa phương có phương án cụ thể, chi tiết, bố trí lực lượng thường trực tại các chốt, trạm để kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực cao; rà soát, lập danh sách các khu rừng có nguy cơ cháy cao, đặc biệt chú trọng các khu rừng tràm, một số khu rừng có trảng cỏ, cây bụi rải rác.
Các huyện, thành phố có rừng tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại những khu vực có mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên; tăng cường tuần tra, canh gác, phát hiện sớm lửa rừng và đảm bảo lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi cháy rừng xảy ra; bố trí phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ," đồng thời, có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Các địa phương có rừng tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy, dừng ngay việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt giai đoạn cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao.
Ngành Lâm nghiệp tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nhất là các vùng trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, cung cấp thông tin cho các địa phương để chủ động thực hiện các phương án về phòng cháy, chữa cháy rừng; duy trì, dự báo, cảnh báo, nguy cơ cháy rừng để thông tin kịp thời trên các phương tiện truyền thông và thông tin lưu động trên các lâm phần trên địa bàn.
Các lực lượng chuẩn bị sẵn sàng nhân, vật lực để ứng phó với tình huống cháy rừng khẩn cấp. Ảnh: BH. |
Cùng với đó, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị chủ rừng rà soát kỹ phương án phòng cháy chữa cháy rừng, xác định cụ thể từng khu vực, diện tích rừng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, thực hiện ngay các biện pháp cấp bách phòng cháy chữa cháy rừng như bơm nước bổ sung vào rừng, làm giảm vật liệu cháy, tuần tra kiểm soát chặt chẽ người vào rừng, quản lý việc sử dụng lửa trong rừng, ven rừng, xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức thực tập tình huống chữa cháy rừng…
Tăng cường bố trí thêm trạm, chốt, lán trại, lực lượng, phương tiện, thiết bị phù hợp cho từng vùng trọng điểm, đảm bảo lực lượng ứng trực 24/24 giờ, kịp thời phát hiện, triển khai lực lượng dập tắt đám cháy mới phát sinh, không để xảy ra cháy rừng lớn, nghiêm trọng, đặc biệt là các ngày nghỉ, ban đêm... Trong triển khai thực hiện thiếu quyết liệt, không chặt chẽ, để xảy ra phá rừng, lấn, chiếm đất rừng, sử dụng đất rừng sai mục đích và để xảy ra cháy rừng lớn, nghiêm trọng... thì người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang hướng dẫn, theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng cháy và chữa cháy rừng, báo cáo kết quả thực hiện của các sở, ngành, đơn vị và địa phương có liên quan cho UBND tỉnh.
Nguồn: Kiên Giang cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trong cao điểm mùa khô