Kiên Giang: Đặt nò trên sông Cái Lớn
Kiên Giang: Chuyện của anh Bé ở Thổ Sơn Kiên Giang: Siêu du thuyền Pháp ghé thăm đảo ngọc Phú Quốc |
Làm nò xong, ông đem xuống ghe để sẵn chờ sớm hôm sau đem ra sông Cái Lớn tìm chỗ đặt nò. Từ sáng sớm bà tôi dậy chuẩn bị cơm, nước đem theo để phụ giúp ông. Chiếc nò rất lớn và có cấu tạo phức tạp nên mỗi lần đặt nò, tôi thấy ông tôi phải trầm mình dưới sông cặm cây, buộc dây cả buổi mới xong.
Phần trong là rọ, phần bao bên ngoài gọi là tùng, phần mép có đường dài chặn cá và dẫn dụ cá bơi theo đường lưới vào tùng. Khi cá vào tùng tiếp tục bơi theo phần miệng rọ mà người dân hay gọi là phần lưỡi gà để chui vào trong. Với chiếc nò này thì nước chảy ra hay vào đều bẫy được cá vì hai đầu đều có rọ. Mỗi đợt xuống nò như vậy kéo dài từ 6-7 tháng đến khi nước sông Cái Lớn nhiễm mặn mới cuốn nò lên. Vì vậy, chiếc nò phải được làm thật chắc để chịu được sức của dòng chảy trên sông.
Ông Trần Văn Viên, ngụ ấp Vĩnh Tân, xã Hòa Chánh (U Minh Thượng) thăm nò trên sông Cái Lớn. |
Thuở nhỏ, ba mẹ đi làm xa, tôi ở nhà với ông bà nội, đi đâu ông bà cũng dắt tôi theo. Khi đi đặt nò, thăm nò, nội cặp ghe vô mé lá dừa nước cho tôi tránh nắng. Trong khi chờ ông thăm nò, bà chẻ mấy trái dừa nước cho tôi ăn. Cơm dừa nước thơm ngọt, thanh mát làm dịu đi cái nắng của buổi trưa. Quê tôi được bao bọc bởi những hàng dừa nước ngát xanh tự bao đời nên món dừa nước gắn với tuổi thơ của hầu hết trẻ con nơi đây. Mặc dù được ăn hoài nhưng mùi thơm của cơm dừa nước cùng vị ngọt thanh của nước dừa vẫn luôn hấp dẫn chúng tôi.
Tôi thích ngồi thòng hai chân xuống nước vẩy vẩy và lấy lá dừa nước xếp hình bông hoa chơi, thú vị vô cùng. Con nít miền quê nhờ vậy mà có nhiều ký ức về quê hương mình và cũng nhờ vậy mà đứa nào cũng tập quen với cái nắng, cái gió, với thiên nhiên. Tôi thích được theo ông bà ra sông xem bắt cá vì khi đó tôi được ngắm cảnh thiên nhiên quê mình, dòng sông Cái Lớn in bóng mây trời trong xanh, cao vời vợi đẹp làm sao. Từ những lần theo ông bà đi làm tôi mới thấy và cảm nhận được sự vất vả của ông bà. Khi đó tôi thấm thía lời ông tôi nói: “Cuộc sống mưu sinh không dễ dàng, mà với người nghèo càng khó khăn hơn gấp bội phần, thế nên càng phải chịu khó hơn”.
Thành quả thu được sau buổi thăm nò của một lão nông đặt nò trên sông Cái Lớn. |
Nhà ở quê thường cất cửa chính quay ra sông, nhà của ông bà tôi cũng vậy, trước mặt là con kênh nhỏ dẫn nước ra sông Cái Lớn, chỉ cách một dãy dừa nước là thấy mặt sông mênh mông. Trong kênh nhỏ, nhà nào cũng làm cái cầu nhỏ bằng cây giống như chiếc sàn lãng để cột ghe, lên xuống ghe hoặc khi nước lớn ra đó giặt giũ, làm cá, rửa chén... Bên chiếc cầu đó, chúng tôi bao lần tắm sông, ngồi chẻ dừa nước ăn đong đầy kỷ niệm.
Mỗi chiếc nò khi đặt xong đều cần chờ đến 1-2 ngày sau cho hết hôi bãi cá mới chạy nhiều thì ông tôi bắt đầu thăm nò. Đầu mùa mưa, nước sông Cái Lớn còn lợ chưa có nhiều tôm cá. Mùa nào thức ấy, thời gian này cá phi nhiều hơn cá khác nhưng thỉnh thoảng cũng có vài con cá mè vinh và cá tra. Khoảng tháng 9 trở đi cá nhiều hơn, nhất là cá mè vinh, cá trôi, cá tra, cá chẽm, tôm càng…
Cá đem về được rọng trong những chiếc mùng dưới bờ kênh. Trong khi chờ thương lái đến cân cá, ông tôi bắt lên vài con cho bà nấu cơm chiều. Bữa cơm miền quê đơn giản với rau, cá có sẵn. Muốn ăn canh chua chỉ việc ra vườn hái lá giấm đem vô nấu cũng ngon.
Bữa cơm chiều của gia đình tôi đơn giản nhưng đủ chất và thơm ngon. Người miền quê là vậy, nếp ăn, cách ở đơn giản, mộc mạc, dung dị, gắn bó với thiên nhiên, tính cách chân chất, thật thà như nét yên bình, hồn hậu của quê hương mình.
Dòng sông Cái Lớn bao năm vẫn đong đầy, hiền hòa như vậy thế nhưng dưới lòng sông bây giờ không còn nhiều tôm, cá như trước. Ngày xưa mỗi khi ông đi thăm nò, có khi thu được cả chục ký cá. Một mình kéo lên không nổi ông phải nhờ bạn nghề đến giúp. Mỗi lần đổ cá ra là đầy ắp khoang vỏ. Bây giờ thăm nò có cá là may lắm rồi, vất vả đặt chục cái nò đến lúc đi thăm nhiều khi chỉ được vài ký cá.
Người dân quê tôi mong những dòng sông, con rạch quê mình luôn ôm ấp những hạt phù sa và nguồn lợi sản vật dồi dào như ngày xưa để nghề đánh bắt thô sơ, dân dã luôn được giữ gìn như một nét văn hóa về tập quán mưu sinh của cư dân bên dòng Cái Lớn, bởi đó là một phần không thể thiếu trong bức tranh miền quê thanh bình, hồn hậu.
Nguồn: Đặt nò trên sông Cái Lớn