Kiên Giang: Khởi nghiệp bằng tài nguyên bản địa
Kiên Giang cấp bách phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển Kiên Giang: Tôm tăng giá, nông dân chờ vụ cuối năm |
Hơn 10 năm ra mắt thị trường, đến nay sản phẩm bánh đa nướng của chị Phạm Thị Màu, ngụ ấp Tân Phước, xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp được nhiều khách hàng biết đến.
Chị Màu cho biết: “Năm 2002, tôi bắt đầu nối nghiệp làm nghề bánh đa nướng từ cha mẹ. Thời gian đầu tôi bán hàng tại ấp, xã, sau này được nhiều người biết đến, tôi nghiên cứu và mở rộng thị trường”.
Khi mới làm nghề, chị Màu đặt ra nguyên tắc trong sản xuất, kinh doanh là chú trọng khâu an toàn, vệ sinh thực phẩm. Chị chọn nguyên liệu để làm ra sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, không dùng chất phụ gia, không dùng chất làm giòn, không dùng chất bảo quản.
“Những ngày đầu, vợ chồng tôi phải chở hàng bằng xe gắn máy đi các chợ, cửa hàng trong và ngoài tỉnh gửi bán. Khi có đơn hàng, chúng tôi mới bắt tay vào làm”, chị Màu chia sẻ.
Chị Phạm Thị Màu, ngụ ấp Tân Phước, xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp kiểm tra độ khô của bánh đa để nướng giao cho khách. |
Chị Màu sử dụng máy xay bột, máy nạo dừa, máy ép nước dừa… để làm bánh đa. Bánh đa được làm từ 100% gạo nguyên chất, không sử dụng chất phụ gia hay chất bảo quản. Bánh được chế biến thủ công thơm ngon. Trung bình mỗi ngày chị Màu bán khoảng 250 cái bánh với giá từ 10.000-20.000 đồng/cái, gia đình chị thu nhập khoảng 240 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 4 lao động tại địa phương.
“Mô hình bánh đa nướng của chị Màu giúp gia đình chị tăng thu nhập. Ngoài ra, chị còn giúp lao động nữ tại địa phương có việc làm ổn định”, đồng chí Võ Thị Thùy Trang - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Hiệp cho biết.
Tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh lan tỏa trong hội viên phụ nữ, đã có nhiều ý tưởng, dự án phát huy tài nguyên, sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Thành công bước đầu với sản phẩm làm đẹp, chị Nguyễn Thị Pha Phăng, ngụ xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành sản xuất nhiều sản phẩm từ gấc như dầu gấc làm đẹp, son handmade, dầu gấc ăn, cồn xoa bóp hạt gấc, sa tế gấc và cồn xoa bóp hạt gấc, nghệ, gừng.
“Tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa, tôi cùng hơn 2.000 chị em trên cả nước trình bày dự án khởi nghiệp của mình, kết quả tôi được giải khuyết khích. Từ sản phẩm khởi nghiệp giúp kinh tế gia đình tôi ổn định”, chị Pha Phăng nói.
Chị Nguyễn Thị Diễm Hằng, ngụ ấp Xẻo Kè, xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng thu hoạch ốc bươu đen. |
Chị Nguyễn Thị Diễm Hằng, ngụ ấp Xẻo Kè, xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng chọn mô hình nuôi ốc bươu đen để khởi nghiệp. Sau khi tìm hiểu kỹ thuật nuôi từ một số người nuôi ốc bươu đen, chị Hằng nuôi thử trong ao lót bạt khoảng 20m². Lứa ốc đầu tiên xuất bán có lãi nên chị vay vốn để đầu tư thêm ao. Với 4 ao nuôi ốc bươu đen, mỗi ngày chị Hằng thả vài chục kílôgam thức ăn là rau, củ, quả.
Do nuôi xen kẽ nên mỗi ngày chị Hằng đều có ốc thịt bán, thu nhập khoảng 500.000 đồng/ngày. Sau gần 2 năm khởi nghiệp, đến nay chị Hằng có 4 ao nuôi ốc thương phẩm và ốc giống. Với hình thức nuôi gối vụ nên quanh năm chị Hằng có ốc thương phẩm và ốc giống bán. Mỗi năm, chị Hằng lãi khoảng 40 triệu đồng từ nuôi ốc bươu đen.
Sản phẩm mắm tép của chị Nguyễn Thị Ngân, ngụ xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương được nhiều khách hàng ưa chuộng. |
Khởi nghiệp với mắm tép, chị Nguyễn Thị Ngân, ngụ xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương mong muốn giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo ở địa phương. Chị Ngân kể, chị bị bệnh hiểm nghèo, gia đình chị phải bán đất vuông, bán nhà điều trị bệnh cho chị.
Sau hơn 3 năm điều trị, chị Ngân dần hồi phục sức khỏe và ở nhà làm nội trợ. Một lần tham gia sinh hoạt hội phụ nữ, chị Ngân đề xuất hội phụ nữ hỗ trợ chị khởi nghiệp. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ chị vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội làm vốn kinh doanh.
“Trước đây, tôi nuôi tôm quảng canh, tép thiên nhiên nhiều, giá rẻ nên tôi tận dụng làm mắm tép, nhiều người mua dùng thử. Mắm tép ngon, rẻ nên nhiều người đặt hàng. Bình quân mỗi tháng tôi lãi khoảng 3 triệu đồng từ bán mắm tép cùng với bán tạp hóa, tôi thu nhập hơn 5 triệu đồng, cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn”, chị Ngân cho biết.
Hoạt động khởi nghiệp của phụ nữ Kiên Giang thu hút sự hưởng ứng tích cực của hội viên phụ nữ bằng những thành công qua các mô hình.
Thời gian tới, các cấp hội phụ nữ tiếp tục nâng cao kiến thức khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho hội viên phụ nữ có ý tưởng, mô hình khởi nghiệp; triển khai chủ trương, chính sách của tỉnh về khởi nghiệp đến hội viên phụ nữ, giúp hội viên phụ nữ mạnh dạn, tự tin chọn mô hình phù hợp để khởi nghiệp.
Nguồn: Khởi nghiệp bằng tài nguyên bản địa