Kiên Giang: Nông dân vùng U Minh Thượng trúng đậm vụ lúa mùa
Kiên Giang: Những ánh mắt trùng khơi Kiên Giang: Đồn Biên phòng Gành Dầu tăng cường bảo vệ rừng |
TRÚNG MÙA, ĐƯỢC GIÁ
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, vụ lúa mùa 2023-2024 toàn tỉnh gieo sạ 72.396ha, tăng hơn 1.300ha so chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh. Diện tích gieo sạ tập trung chủ yếu ở các huyện Vĩnh Thuận, An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Gò Quao. Hiện nhiều diện tích lúa mùa gieo sạ sớm đã thu hoạch.
Theo nhiều nông dân, mặc dù chưa tới thời điểm thu hoạch nhưng có thương lái đến xem lúa, đặt cọc mua lúa. Thời điểm cận tết, nhu cầu thu mua lúa của doanh nghiệp tăng, đẩy giá thu mua lúa tươi tại ruộng tăng mạnh. Ghi nhận giá bán một số giống lúa thương lái thu mua ngày 28-12-2023 tăng khoảng 2.000 đồng/kg so cách đây 1 tháng. Giá lúa ST25 cắt máy dao động từ 10.500-11.000 đồng/kg; lúa ST25 cắt tay giá 9.000 đồng/kg, lúa Một Bụi Đỏ giá 8.500 đồng/kg…
Nông dân huyện An Minh thu hoạch lúa mùa 2023-2024. |
Anh Huỳnh Văn Duy, ngụ ấp Tám Xáng, xã Đông Hòa, huyện An Minh cho biết: “Vụ này tôi gieo sạ gần 5ha lúa giống ST25 và giống Một Bụi Đỏ. Năm nay, giá lúa tăng cao hơn năm trước từ 2.000-4.000 đồng/kg. Do lúa cắt tay chi phí cao, hao hụt nhiều nên sau khi trừ chi phí, tôi lãi khoảng 3 triệu đồng/công. Đối với những hộ cắt máy lợi nhuận cao hơn từ 5-6 triệu đồng/công. Chưa kể sau khi cắt lúa xong, nông dân còn thêm phần thu nhập từ tôm trên ruộng lúa. Năm nay, nhờ giá lúa cao, nông dân sản xuất có lãi, cuối năm có tiền mua sắm tết.”
Ông Nguyễn Văn Khánh - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tôm cua lúa Thạnh An, xã Đông Thạnh, huyện An Minh cho biết: “Năm nay lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh, giá lúa tăng cao nên thành viên trong hợp tác xã rất vui vì trúng mùa, được giá. Toàn hợp tác xã có 400ha lúa sản xuất theo quy trình canh tác hữu cơ. Ngay từ đầu vụ, hợp tác xã đã ký kết với doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ diện tích lúa của thành viên. Trong quá trình canh tác, nông dân được cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp liên kết hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, đảm bảo đạt năng suất và chất lượng. Vụ này, năng suất lúa bình quân trong hợp tác xã đạt từ 6-6,5 tấn/ha, giá bán bình quân từ 8.000-8.500 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân lãi từ 30-35 triệu đồng/ha.”
KHÔNG CHỦ QUAN HẠN, MẶN
Theo Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang Lê Xuân Hiền, mùa khô năm 2023-2024 sẽ khá gay gắt, lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông rất thấp. Lượng mưa trên địa bàn tỉnh từ tháng 1 đến tháng 5-2024 cũng rất thấp, trong đó những tháng cao điểm mùa khô từ tháng 1 đến tháng 3-2024 có lượng mưa không đáng kể. Do đó, nước mặn sẽ xuất hiện sớm hơn và xâm nhập sâu hơn so trung bình nhiều năm. Các đợt mặn cao sẽ xuất hiện cùng với các đợt triều cường trong năm; dự báo mặn sẽ xuất hiện ngay từ đầu tháng 1 và kéo dài đến hết tháng 5-2024, kéo dài hơn so những năm hạn, mặn không gay gắt.
Anh Huỳnh Văn Duy cho biết: “Năm trước, qua tết mới có nước mặn để thả tôm nhưng gần 1 tuần nay, nước mặn trên kênh đã về, có nơi đo được từ 5-10‰. Nước mặn về sớm, tôi tranh thủ thu hoạch xong lúa để tiến hành vệ sinh đồng ruộng, tạt vôi, cải tạo đất, bơm nước để chuẩn bị thả tôm giống”.
Việc mặn xâm nhập sớm, nhiều diện tích lúa mùa chưa thu hoạch có nguy cơ bị ảnh hưởng. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết để bảo vệ diện tích sản xuất lúa chưa đến ngày thu hoạch, ngành nông nghiệp các địa phương cần thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình hạn, mặn, kiểm tra chặt chẽ chất lượng nguồn nước, mực nước, độ mặn trên kênh và nội đồng.
Các địa phương thông tin thường xuyên đến người dân để kịp thời ứng phó; khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, kiểm tra độ mặn trước khi bơm nước vào ruộng. Các địa phương tập trung rà soát, xác định các khu vực thiếu nước, mặn xâm nhập để chủ động ứng phó như thực hiện nạo vét kênh, mương, kết hợp làm bờ bao, đê bao để tăng cường khả năng trữ nước ngọt.
Nguồn: Nông dân vùng U Minh Thượng trúng đậm vụ lúa mùa