Kiên Giang: Tìm hướng ra cho nghề nuôi lươn không bùn
Kiên Giang: Hấp dẫn đặc sản Hà Tiên Kiên Giang: Làm lu cho thu nhập khá |
GIÁ LƯƠN GIẢM MẠNH, NGƯỜI NUÔI LÃI THẤP
Giồng Riềng là một trong những huyện có số lượng bể nuôi lươn không bùn lớn nhất trong tỉnh Kiên Giang. Theo một số người gắn bó lâu năm với nghề nuôi lươn ở huyện Giồng Riềng, trước đây khi mô hình nuôi lươn chưa phát triển rộng rãi, giá lươn khá cao nên người nuôi lợi nhuận nhiều. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, giá lươn giảm mạnh và duy trì ở mức thấp nên người nuôi lãi rất thấp.
Bà Nguyễn Thu Thủy, ngụ ấp Võ Thành Nguyên, xã Ngọc Chúc (Giồng Riềng) cho biết, gia đình bà nuôi lươn hơn 5 năm nay. Từ năm 2020 trở về trước, giá lươn thương phẩm từ 140.000 đồng/kg trở lên, mỗi năm gia đình bà lãi trên 100 triệu đồng/10 bể nuôi. Từ năm 2021 đến nay, giá lươn chỉ từ 105.000-120.000 đồng/kg, gia đình bà lãi rất ít. Hiện lươn nuôi của bà Thủy đến lứa thu hoạch nhưng lươn loại nhất chỉ 105.000 đồng/kg nên vợ chồng bà chưa bán, chờ tăng giá.
“Để nuôi được 1kg lươn thương phẩm, tôi đầu tư tiền con giống, thức ăn, điện, nước khoảng 85.000 đồng và phải mất 10 tháng mới nuôi được lứa lươn đến lúc xuất bán, với giá 105.000 đồng/kg thì chỉ lời khoảng 10.000 đồng/kg. Lươn nuôi đạt sản lượng cao nhưng giá bấp bênh nên mấy năm gần đây vợ chồng tôi giảm số lượng thả nuôi vì sợ thua lỗ. Tôi mong Nhà nước quan tâm kêu gọi doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho con lươn với mức giá khoảng 120.000 đồng/kg để nông dân có lời khá và yên tâm nuôi”, bà Thủy nói.
Ông Nguyễn Thanh Hải - tổ trưởng tổ nuôi lươn ấp Võ Thành Nguyên, xã Ngọc Chúc cho biết, gia đình ông nuôi 30 bể lươn thương phẩm. Ngoài ra, ông còn nuôi lươn sinh sản, ương giống bán khoảng 100.000 con lươn giống mỗi năm. Thị trường cung ứng lươn giống của ông Hải không chỉ ở Kiên Giang mà còn đến một số huyện ở các tỉnh Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu. Liên tục 2 năm nay số lượng lươn giống của ông Hải không đủ bán.
Ông Nguyễn Thanh Hải - tổ trưởng tổ nuôi lươn ấp Võ Thành Nguyên, xã Ngọc Chúc (Giồng Riềng) thay nước cho bể nuôi lươn. |
Theo ông Hải, những năm trước, khi giá lươn khoảng 140.000 đồng/kg, mỗi năm, 30 bể lươn thịt mang về lợi nhuận cho gia đình ông hơn 1 tỷ đồng. Gần đây, giá lươn chỉ còn 100.000-105.000 đồng/kg nên trung bình một năm ông chỉ có lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng. “Lươn nuôi ít bị dịch bệnh và dễ nuôi. Tuy nhiên, giá lươn không ổn định nên người nuôi luôn lo lắng. Tôi nghĩ, để nghề nuôi lươn phát triển bền vững cần ngành chức năng, doanh nghiệp quan tâm ký kết bao tiêu đầu ra với giá tương đối, khoảng 120.000 đồng/kg thì người nuôi yên tâm hơn”, ông Hải cho biết.
TẠO ĐẦU RA ỔN ĐỊNH
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, toàn tỉnh hiện có 356 hộ nuôi lươn không bùn với hơn 1.500 bể nuôi. Các huyện nuôi lươn nhiều là Giồng Riềng, Gò Quao, Tân Hiệp, An Minh và U Minh Thượng, chủ yếu các hộ nuôi lươn theo hình thức tự phát.
Để giúp mô hình phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, những năm qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho người nuôi lươn. Đồng thời, xây dựng mô hình mẫu để nông dân tham quan, học hỏi, làm theo.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiển - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, thị trường tiêu thụ lươn thịt trước đây rất tốt, giá bán cao nên người nuôi có lợi nhuận nhiều. Thời gian gần đây, nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long nuôi nhiều, trong khi xuất khẩu gặp khó, chủ yếu tiêu thụ nội địa nên giá lươn sụt giảm so trước đây.
“Trung tâm đang chỉ đạo thống kê lại số lượng hộ nuôi và bể nuôi lươn không bùn để đánh giá tình hình phát triển đối tượng nuôi này. Ngoài ra, một số công ty cũng đang tìm kiếm thị trường ký kết hợp đồng tiêu thụ lươn thương phẩm với nước ngoài. Sau khi các công ty này ký kết xong sẽ tạo đầu ra giúp mô hình nuôi lươn phát triển ổn định. Trung tâm sẽ làm đầu mối để hướng dẫn công ty đến các hợp tác xã, tổ hợp tác trao đổi cụ thể và triển khai ký kết tiêu thụ, tập huấn quy trình, kỹ thuật nuôi lươn theo yêu cầu để cung ứng cho họ”, đồng chí Nguyễn Văn Hiển cho biết.
Theo Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, mô hình nuôi lươn không bùn được hội nông dân một số huyện trong tỉnh chọn làm mô hình sinh kế giúp hội viên, nông dân phát triển kinh tế. Hội Nông dân tỉnh tranh thủ các nguồn hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nguồn vốn vay ủy thác từ các ngân hàng tạo điều kiện để hội viên, nông dân tiếp cận nguồn vốn đầu tư nuôi lươn không bùn. Đồng thời, xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi lươn không bùn hiệu quả giúp các hộ có nhu cầu học hỏi.
Song song đó, hội vận động thành lập tổ hợp tác nuôi lươn đạt tiêu chuẩn VietGAP; phối hợp với ngành chức năng, đơn vị tổ chức tập huấn kỹ thuật; tìm kiếm doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho hội viên nông dân.
Nguồn: Tìm hướng ra cho nghề nuôi lươn không bùn