Kiên Giang trước áp lực xử lý hơn 1.400 tấn chất thải rắn mỗi ngày
Nâng cao hiệu quả việc triển khai Đề án xử lý chất thải rắn giai đoạn 2021-2025 Nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn |
Thực hiện phân loại rác tại nguồn sẽ giúp ích rất nhiều trong việc xử lý rác tại các nhà máy. Ảnh: N.A |
Rác tỉ lệ thuận với tốc độ phát triển
Theo số liệu thống kê, năm 2021, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang hơn 1.400 tấn/ngày, trong đó, chất thải rắn sinh hoạt đô thị khoảng 700 tấn/ngày; chất thải rắn sinh hoạt nông thôn khoảng 713 tấn/ngày. Tỉ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt trên 86%, tại khu vực nông thôn trên 46%.
Với tốc độ phát triển của tỉnh hiện nay thì hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường chưa xứng tầm, đặc biệt là hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn chưa được phân loại tại nguồn, tỉ lệ xử lý chôn lấp hợp vệ sinh toàn tỉnh chỉ đạt 44%.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, tỉnh có 1 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động là Nhà máy xử lý rác thành phố Rạch Giá tại xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất với công suất xử lý 200 tấn/ngày.
Nhà máy này xử lý rác thải của thành phố Rạch Giá, một phần của các huyện Hòn Đất, An Biên, Tân Hiệp và Châu Thành. Nhà máy này ứng dụng công nghệ tích hợp các công đoạn xử lý theo dây chuyền như hệ thống phân loại, xử lý, tái chế, đốt và đóng rắn…
Đối với Nhà máy xử lý rác Phú Quốc với công suất 200 tấn/ngày và Nhà máy xử lý rác Long Thạnh (tại huyện Giồng Riềng) công suất 245 tấn/ngày vẫn đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm. Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ đã đầu tư lò đốt rác BD-Anpha tại các xã đảo như: Tiên Hải, Hòn Nghệ, An Sơn, Lại Sơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương đang đổ rác vào các bãi rác hở, không đảm bảo về môi trường.
Lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh phụ thuộc vào quy mô dân số, tốc độ phát triển kinh tế ngày càng tăng cao cũng đang là thách thức đối với tỉnh hiện nay.
Điểm nóng Phú Quốc
Việc đánh giá hiện trạng quy hoạch, thu gom, ứng dụng công nghệ và giải pháp kỹ thuật trong xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đang được các chuyên gia quan tâm tìm giải pháp. Đặc biệt là việc cần thiết có công nghệ xử lý rác thải trên các xã đảo và tiềm năng du lịch.
Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh xác định cơ bản những nguyên nhân, các nhóm vấn đề quan trọng từ đó đề xuất định hướng, xu hướng và công nghệ xử lý rác trong thời gian tới để áp dụng trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả cao nhất.
Tỉnh Kiên Giang cũng đang phối hợp với Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam triển khai dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam" với nhiều giải pháp về quản lý chất thải nhựa và rác thải nhựa đến năm 2025.
Ngoài tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử của người dân với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa thì các hoạt động thiết thực như thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải nhựa, rác thải nhựa đại dương được tổ chức thường xuyên. Đặc biệt thành phố Phú Quốc cũng là điểm nóng về xử lý rác thải nhựa.
Theo thống kê, nguồn rác phát sinh từ cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, chợ, siêu thị, nhà hàng, trường học, bệnh viện, khu công cộng, dịch vụ công cộng... ở Phú Quốc khoảng hơn 140 tấn/ngày. Trong đó, hơn 50% chất thải phát sinh từ hộ gia đình và hơn 1.000 tấn rác thải nhựa tại Phú Quốc thất thoát ra môi trường mỗi năm. Tình trạng này đang gây quá tải cho công tác thu gom và xử lý rác.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh, Quản lý Dự án hợp phần thủy sản và khu bảo tồn biển WWF-Việt Nam cho biết, Phú Quốc đang hướng tới thành phố đảo không rác thải nhựa, mục tiêu từ đây đến cuối năm WWF mong muốn hoàn thành xong việc tuyên truyền cho tất cả xã, phường trên địa bàn thành phố Phú Quốc. Việc này sẽ làm tiền đề cho năm sau khi thành phố bắt đầu xây dựng các đề án về việc phân loại rác tại nguồn thì người dân đã có sẵn những kiến thức sơ bộ thực hiện sẽ dễ dàng hơn.
Bà Quỳnh cho biết thêm: "Người dân được hướng dẫn về phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân. Rác thải sau khi phân loại cần được đựng gọn gàng để thu gom, vận chuyển và xử lý đúng quy định. Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, dần thay đổi và hình thành thói quen thực hiện việc phân loại rác tại nguồn, phân loại rác vô cơ, rác hữu cơ, rác tái chế riêng biệt, tạo ra giá trị thay vì phải đốt bỏ hay chôn lấp".
Theo quy hoạch được phê duyệt đến năm 2025, Kiên Giang có 7 khu xử lý chất thải rắn liên huyện, 7 bãi chôn lấp khu vực đô thị, 20 bãi chôn lấp khu vực nông thôn, 10 trạm trung chuyển chất thải rắn đô thị, 46 trạm trung chuyển khu vực nông thôn và 10 lò đốt rác tại các xã đảo.
Nguồn: Kiên Giang trước áp lực xử lý hơn 1.400 tấn chất thải rắn mỗi ngày