Kinh doanh thua lỗ, Vạn Trường Phát vẫn phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu
Khu công nghiệp và Dân cư Việt Phát |
Dùng tài sản thuộc Khu đô thị Việt Phát để vay nợ trái phiếu
Theo thông tin được công bố bởi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trong năm 2021, Vạn Trường Phát đã huy động thành công 10.000 tỷ đồng trái phiếu thông qua 5 đợt phát hành:
Đáng chú ý, mỗi lô trái phiếu của Vạn Trường Phát đều có giá trị là 2.000 tỷ đồng. Kỳ hạn đều là 5 năm, đáo hạn vào năm 2026 với lãi suất đối với hai kỳ tính lãi đầu tiên là 10%/năm.
Trong đó, 8.000 tỷ thu về từ 4/5 đợt phát hành trái phiếu sẽ được doanh nghiệp dùng để thanh toán tiền đặt cọc để nhận chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị Việt Phát. Đáng nói, tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu nghìn tỷ của Vạn Trường Phát đều là bất động sản liên quan và phát sinh từ khu đất 78 ha thuộc dự án Việt Phát tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.
Danh sách các lô trái phiếu được Vạn Thịnh Phát huy động kể từ năm 2021 đến nay (Nguồn: HNX). |
Một đơn vị thân quen với Vạn Trường phát là CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) tổ chức tư vấn và phát hành cho các lô trái phiếu trên của Vạn Trường Phát. Trong khi đó, tổ chức nhận tài sản đảm bảo là Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB); tổ chức kiểm toán là Hãng kiểm toán và định giá ATC; Tổ chức tư vấn luật là Vina Legal.
Vạn Trường Phát doanh thu 0 đồng, thua lỗ triền miên
Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát là chủ đầu tư Khu đô thị Việt Phát tại Long An.
Công ty thành lập ngày 26/6/2019 với tên gọi ban đầu là CTCP Star Zone, đặt trụ sở tại tầng 2, toà nhà CT Office Building, 56 Yên Thế, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM. Ngành nghề chính của doanh nghiệp là xây dựng nhà ở, kinh doanh bất động sản, quản lý, tư vấn bất động sản.
Tại thời điểm thành lập, Vạn Trường Phát có vốn điều lệ 320 tỷ đồng với ba cổ đông sáng lập gồm ông Vương Tuấn Minh (sở hữu 15% vốn công ty), bà Huỳnh Bảo Vy (30%) và bà Nguyễn Kiều Lệ (55%). Ngày 28/5/2021, Vạn Trường Phát đã thực hiện tăng vốn điều lệ lên thành 2.000 tỷ đồng.
Hiện nay, Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Vạn Trường Phát là bà Nguyễn Kiều Lệ.
Trong 2 năm 2019 và 2020, doanh thu Vạn Trường Phát đều là 0 đồng. Hoạt động bán hàng không phát sinh khi cũng chỉ đạt 0 đồng. Còn chi phí quản lý doanh nghiệp rất khiêm tốn, chỉ đạt 108 triệu đồng và 165 triệu đồng.
Ngay trong năm đầu tiên thành lập, Vạn Trường Phát đã lỗ 105 triệu đồng. Con số này nâng lên 165 triệu đồng trong năm 2020.
Sau 2 năm thành lập, công ty không có hoạt động đáng kể còn được thể hiện qua chỉ tiêu hàng tồn kho chỉ là 0 đồng ở cả thời điểm cuối năm 2019 và 2020. Có vẻ như, tài sản Vạn Trường Phát không được lưu ở công ty mà để ở bên ngoài.
Cụ thể, hồi cuối năm 2019 và 2020, tiền và các khoản tương đương tiền tại Vạn Trường Phát chỉ là 1,4 tỷ đồng và 1,3 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn lên tới 3.042 tỷ đồng.
Ngoài doanh thu 0 đồng và thua lỗ 2 năm liên tiếp, một điểm đáng lưu ý khác của Vạn Trường Phát chính là nợ lớn. Cuối năm 2020, nợ phải trả của công ty là 2.724 tỷ đồng, cao gấp 8,5 lần vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, đây không phải nợ vay, thuê tài chính mà là “Người mua trả tiền trước ngắn hạn”.
Sang năm 2021, sau khi tăng vốn từ 320 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng, Vạn Trường Phát tăng tốc vay qua kênh trái phiếu. Như vậy, lũy kế đến nay, doanh nghiệp đã phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu, cao gấp 3,3 lần vốn chủ sở hữu bất chấp thua lỗ 2 năm liên tiếp.
Cần rà soát doanh nghiệp phát hành trái phiếu làm ăn thua lỗ để thanh, kiểm tra
Như đã đề cập ở trên, Vạn Trường Phát mới được thành lập vào tháng 6 năm 2019. Như vậy, đến nay công ty này chưa tròn 3 tuổi nhưng đã huy động khối lượng trái phiếu rất lớn như vậy. Từ đây, nhiều dấu hỏi về năng lực thực sự của Vạn Trường Phát lại được đặt ra. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này lại không có quá nhiều thông tin đáng chú ý, khiến cho nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu thông tin doanh nghiệp.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cuối tháng 4 vừa qua, sau khi Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị khởi tố và 9 lô trái phiếu do hệ sinh thái Tân Hoàng Minh phát hành bị hủy bỏ, Bộ trưởng Tài chính vừa ký ban hành chỉ thị về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Một trong các điểm đáng lưu ý chính là để tăng cường quản lý, thanh tra trên thị trường, Bộ trưởng đã có yêu cầu Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) rà soát các doanh nghiệp phát hành còn dư nợ trái phiếu riêng lẻ đến cuối tháng 3. Từ đó, đề xuất danh sách các doanh nghiệp cần kiểm tra, thanh tra.
Các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp cần thanh, kiểm tra là có khối lượng phát hành và dư nợ lớn; có số đợt phát hành nhiều, liên tục; phát hành lãi suất cao; doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh thua lỗ…
Trước tình trạng các doanh nghiệp ‘đua nhau’ phát hành trái phiếu, tiềm ẩn những nguy cơ ‘tiền mất tật mang’ cho các nhà đầu tư, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) từng chia sẻ: “Đã đến lúc cần có sự quan tâm đúng mức để mô hình huy động tài chính cho doanh nghiệp từ trái phiếu không chỉ phát triển nhanh, bền vững, mà phải đảm bảo quyền lợi và an toàn cho nhà đầu tư. Nếu không siết chặt việc quản lý, nó sẽ gây ảnh hưởng đến phương thức huy động vốn cần thiết và quan trọng trong nền kinh tế”.
Nguồn: Kinh doanh thua lỗ, Vạn Trường Phát vẫn phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu