Lần đầu tiên Yên Bái tổ chức Lễ hội hoa Tớ Dày
Khám phá tu viện cổ Tả Phìn với vẻ đẹp ma mị đầy huyền bí Đến Mù Cang Chải trải nghiệm nhiều hoạt động hấp dẫn mùa nước đổ |
Yên Bái lần đầu tiên tổ chức Lễ hội hoa Tớ Dày. Ảnh: Văn Đức. |
Lễ hội hoa Tớ Dày sẽ khai mạc vào ngày 24.12 và kéo dài đến ngày 2.1.2023. Đây là lần đầu tiên huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái tổ chức lễ hội này.
Theo Ban Tổ chức, Lễ hội sẽ được khai mạc vào 19h30' ngày 24.12 tại sân tiểu khuôn viên - thị trấn Mù Cang Chải với các chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc đồng bào Mông nơi đây.
Ngoài ra, các hoạt động phụ trợ được tổ chức như điểm cảnh tổ chức Lễ hội hoa Tớ Dày; triển lãm ảnh nghệ thuật “Sắc thắm hoa Tớ Dày”; tổ chức giải đánh quay người Mông huyện Mù Cang Chải, “Hành trình săn mây - Khám phá hoa Tớ Dày Mù Cang Chải”; các tour du lịch trải nghiệm ngắm hoa Tớ Dày…
Hoa Tớ Dày là biểu trưng của núi rừng Tây Bắc. Ảnh: Văn Đức. |
Bên cạnh đó, huyện Mù Cang Chải cũng tổ chức Chợ xuân Mù Cang Chải diễn ra từ ngày 24.12 đến ngày 2.1.2023 với nhiều hoạt động như: Trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm nông sản, văn hóa, ẩm thực các dân tộc trên địa bàn huyện; các gian hàng phục vụ Tết, Xuân, trưng bày các sản phẩm đa dạng, phong phú, hấp dẫn, đảm bảo hàng hóa phục vụ du khách trong suốt thời gian lễ hội.
Hoa Tớ Dày là loại hoa rừng thuộc họ hoa đào, đồng bào dân tộc Mông ở Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái thường gọi là “Pằng tớ dày” theo nghĩa tiếng Việt là “Hoa đào rừng”.
Tớ Dày là loài cây thuộc loại thân gỗ, tán rộng, mọc ở trên những sườn đồi, triền núi, hay những thung sâu - những nơi có địa thế cao hằng trăm mét so với mực nước biển, trong năm khí hậu khắc nghiệt, nền nhiệt biến đổi và có sự chênh lệch rõ ràng.
Hoa Tớ Dày bung nở báo hiệu cho mùa xuân về trên các bản làng vùng cao. Ảnh: Văn Đức. |
Hoa Tớ Dày thường nở vào dịp Tết của cộng đồng dân tộc Mông, trước Tết của người Kinh độ vài tháng trở lại. Hoa nở rộ vào thời điểm trước Tết Nguyên đán khoảng chừng vài tuần.
Theo các cụ già làng, trưởng bản người Mông nơi đây, không biết loài cây này có từ bao giờ, gốc gác của nó xuất phát từ đâu, là loài cây bản địa hay ngoại lai, chỉ biết thế hệ này qua thế hệ khác, người Mông khi sinh ra và lớn lên đã thấy sắc đỏ, hồng phai của nó hiện hữu trên con đường đi lên nương, lên rừng lấy mật ong, hái củi vào mỗi độ giáp Tết và trở thành biểu tượng của núi rừng Tây Bắc.
Nguồn: Lần đầu tiên Yên Bái tổ chức Lễ hội hoa Tớ Dày