Lào Cai tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học
Những năm qua, Lào Cai thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và sử dụng hiệu quả đa dạng sinh học, trong đó chú trọng truyền thông, nâng cao nhận thức để mỗi người dân trở thành một phần của kế hoạch đa dạng sinh học. Hệ thống rừng tại Lào Cai có tính đa dạng sinh học cao, với nhiều loài động vật, thực vật đặc hữu và quý, hiếm, đặc biệt là trên dãy Hoàng Liên Sơn. Diện tích đất có rừng của tỉnh chiếm 56% diện tích đất tự nhiên, do đó rừng có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, điều tiết nguồn nước.
Trên địa bàn tỉnh có 1 Vườn quốc gia và 2 Khu bảo tồn thiên nhiên, là nơi lưu giữ, bảo tồn, nhân giống, phát triển nguồn gen nhiều loài động vật, thực vật quý, hiếm. Việc bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh chú trọng xây dựng ý thức của mỗi người dân gắn với công tác bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường. Lào Cai xác định, bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với phát triển sinh kế cho người dân, đảm bảo người dân được hưởng lợi, thấy được quyền lợi, trách nhiệm của bản thân, tự giác và nâng cao ý thức trong thực hiện kế hoạch đa dạng sinh học.
Các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên cùng với diện tích rừng trên địa bàn là nơi lưu giữ, bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm. |
Hệ thực vật các khu rừng đặc dụng, phòng hộ phân bố trên nhiều sinh cảnh khác nhau như trảng cỏ, cây bụi, các loài cây gỗ trên núi đất và núi đá. Qua các kết quả điều tra, nghiên cứu bước đầu đã tổng hợp thống kê được hệ thực vật các khu rừng đặc dụng có 6 ngành, 2 lớp, 231 họ, 1.254 chi và 3.864 loài thực vật bậc cao có mạch. Ngành Mộc lan đa dạng nhất (có 193 họ với 3326 loài). Có 354 loài thực vật đặc hữu, quý, hiếm, trong đó 161 loài đặc hữu, 195 loài quý, hiếm.
Về động vật, theo thống kê khu hệ động vật rừng đặc dụng cũng rất phong phú về thành phần loài, với 955 loài động vật thuộc 106 họ, 29 bộ, 5 lớp. Trong đó, có 155 loài quý, hiếm (chiếm 16,23%), có 20 loài quý, hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới (chiếm 2,3%), có 19 loài thuộc phụ lục của Công ước CITES, có 22 loài đặc hữu điển hình cho vùng núi cao Hoàng Liên Sơn.
Trong những năm qua, Lào Cai đã ban hành các chỉ thị, văn bản, kế hoạch chỉ đạo về lĩnh vực quản lý đa dạng sinh học, bảo vệ rừng, bảo tồn nguồn gen... và từng bước đưa công tác quản lý vào nền nếp. Lào Cai là địa phương được sự quan tâm đầu tư của các bộ, ngành Trung ương và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo đó, công tác quản lý, quy hoạch khoanh vùng, kiểm tra, giám sát được tăng cường; nhận thức của người dân, nhất là dân cư vùng lõi, vùng đệm các khu bảo tồn, vườn quốc gia và khách du lịch được nâng lên. Công tác quản lý được thực hiện tốt đã từng bước ngăn chặn các hoạt động xâm hại, khai thác tài nguyên rừng và đa dạng sinh học, góp phần tích cực bảo vệ môi trường, bảo tồn nguồn gen, đa dạng sinh học, triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch hành động với quan điểm bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; thực hiện tiếp cận hệ sinh thái trong bảo tồn và sử dụng đa dạng sinh học.
Tăng cường nguồn lực, ưu tiên đầu tư bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên; đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học. Gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, chủ động trong hoạt động bảo tồn: Đạt khoảng 40% các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nằm trong phương án quản lý, giám sát tại các khu bảo tồn thiên nhiên và các khu vực có giá trị bảo tồn cao; ít nhất 10% các hệ sinh thái tự nhiên suy thoái được phục hồi; trên 60% khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên được đánh giá đạt hiệu quả quản lý; tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 60%.
Bảo tồn hiệu quả các loài động vật hoang dã, loài di cư, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm; 20% các hệ sinh thái tự nhiên suy thoái được phục hồi; 100% loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nằm trong phương án quản lý, giám sát tại các khu bảo tồn thiên nhiên và các khu vực có giá trị bảo tồn cao.
Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện hiệu quả các kế hoạch bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững đa dạng sinh học về giống, loài, nguồn gen, sinh vật và hệ sinh thái của tỉnh. Tuyên truyền, phổ biến tầm quan trọng của việc bảo tồn nguồn gen của động vật, thực vật, nhất là các loài quý, hiếm, đặc hữu để các cá nhân, tổ chức liên quan biết và thực hiện, sử dụng bền vững, mang lại lợi ích thiết yếu cho người dân, góp phần đảm bảo an ninh sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Địa phương này xác định bảo vệ rừng là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện đồng thời công tác bảo tồn đa dạng sinh học. |
Quy hoạch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh đến mục tiêu trong phương án bảo tồn đa dạng sinh học tại địa phương này: Bảo vệ 03 khu rừng đặc dụng hiện có với tổng diện tích 72.067 ha tại VQG Hoàng Liên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên – Văn Bàn. Mở rộng Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn với diện tích khoảng 20.000 ha. Quy hoạch bảo vệ khu rừng phòng hộ trên 09 huyện, thành phố, thị xã với tổng diện tích 144.820,9 ha. Thành lập Khu Bảo tồn nguồn gen thực vật quý hiếm tại VQG Hoàng Liên. thành lập Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, giai đoạn đến năm 2030 tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát. Bảo vệ và phát triển các loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm giai đoạn đến năm 2030.
Dựa trên cơ sở hiện trạng thành phần loài, loại hình sinh thái nơi các loài phân bố, tỉnh triển khai một số giải pháp quy hoạch bảo tồn: Quy hoạch bảo vệ nghiêm ngặt các điểm nóng đa dạng sinh học hiện tại trong các hệ thống rừng đặc dụng: Vườn Quốc gia Hoàng Liên; Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên – Văn Bàn; Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát....là các điểm hiện đang lưu trữ nguồn gen đa dạng động vật, thực vật và tập trung các loài quý, hiếm của tỉnh;
Truyền thông nâng cao nhận thức đa dạng sinh học nói chung và hiểu biết về các loài động vật quý, hiếm cho cộng đồng người dân để nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng nói chung và bảo tồn các loài động vật quý, hiếm nói riêng; Xây dựng các chiến lược, chương trình nâng cao nhận thức về bảo tồn các loài động thực vật quý, hiếm cho các đối tượng khác nhau (chính quyền địa phương, người dân các thôn bản trong khu bảo tồn và vùng phụ cận, học sinh và khách du lịch);
Triển khai các hoạt động hỗ trợ cộng đồng trong việc ổn định dân sinh kinh tế nhằm hạn chế các hoạt động tác động đến các loại cảnh quan sinh thái dẫn đến thay đổi cảnh quan sinh thái nhất là các điểm sinh cảnh sống. Qua đó góp phần bảo tồn nguyên vị các loài động vật quý hiếm có mặt tại điểm phân bố của chúng; Xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học động vật nhất là các loài quý, hiếm (bản đồ phân bố, số lượng cá thể...) nhằm giám sát các biến động quần thể, qua đó có các hành động kịp thời nhằm giảm thiểu các nguyên nhân tác động đến nguồn tài nguyên động vật quý hiếm;
Đề xuất các chính sách hỗ trợ cho các hộ dân, các tổ chức, doanh nghiệp trồng rừng các loài gỗ quý (giao đất, hỗ trợ vốn...); Trao đổi thông tin khoa học về các loài động vật quý, hiếm, tranh thủ các hợp tác quốc tế nhằm xây dựng hệ thống các điểm cứu hộ và các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã nhằm bảo tồn hiệu quả nguồn gen qúy, hiếm; Tăng cường kiện toàn tổ chức lực lượng kiểm lâm theo hướng gắn với địa bàn, tổ chức đủ lực lượng kiểm lâm tại các điểm nóng về khai thác, săn bắt trái phép để ngăn chặn và xử lý kịp thời việc vận chuyển, mua bán tài nguyên sinh vật, đặc biệt đối với động vật hoang dã và gỗ;
Xây dựng quy chế phối hợp giữa chính quyền địa phương các cấp, hạt kiểm lâm các huyện, các đơn vị công an, quân đội, quản lý thị trường trong việc xử lý săn bắn, buôn bán, vận chuyển, sử dụng các loài động vật, thực hoang dã; Xây dựng và thực hiện hương ước ở các thôn, bản và hộ gia đình về khai thác, bảo tồn Nghiên cứu đặc điểm, khí hậu, đất đai, các vật liệu dễ cháy trong rừng và các hoạt động kinh tế xã hội có tác động và nguy cơ đến môi trường và những giải pháp phòng ngừa;
Tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng và chủ động trong phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô hàng năm; Làm giảm vật liệu cháy bằng cách thu gom những vật liệu khô và ngăn chặn kịp thời các tác nhân gây cháy; Tuyên truyền giáo dục pháp luật, phổ biến kỹ thuật phòng cháy chữa cháy rừng cho cộng đồng người dân thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình và các lớp tập huấn về phòng cháy chữa cháy rừng; Tổ chức hội nghị tổng kết và triển khai về phòng cháy chữa cháy rừng tại các xã vùng đệm liên quan./.
Nguồn: Lào Cai tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học